Đơn thư khiếu nại chủ yếu liên quan đến thu hồi đất

18/12/2014 21:20 GMT+7

(TNO) Theo ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, qua xử lý đơn thư cho thấy nội dung đơn thư khiếu nại về hành chính chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư...

(TNO) Ngày 18.12, tại TP.HCM, Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức hội nghị về công tác dân nguyện 2014 khu vực phía nam. 

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo HĐND các tỉnh, thành phía nam - Ảnh: Đình PhúHội nghị có sự tham dự của lãnh đạo HĐND các tỉnh, thành phía nam - Ảnh: Đình Phú
Theo ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân ngày càng được Hội đồng dân tộc, các ủy ban của quốc hội, các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm sâu sắc hơn.

Qua nghiên cứu, xử lý đơn thư cho thấy nội dung đơn thư khiếu nại về hành chính chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đòi lại đất cũ hoặc nhà đất do nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách quản lý nhà đất trước đây… Đơn thư trong lĩnh vực đất đai có chiều hướng tăng lên.

Nội dung tố cáo chủ yếu là về cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế gây thất thoát tài sản nhà nước, tham nhũng hoặc vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở…

Mặc dù các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều coi trọng việc xử lý đơn thư của công dân, coi đây là một trong những căn cứ quan trọng để tiến hành giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo nhưng trên thực tế, công tác này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Điển hình là việc nghiên cứu, xử lý, chuyển đơn thư của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đôn đốc việc giải quyết chưa làm được nhiều, và chủ yếu dừng lại ở việc chuyển đơn, chưa chú trọng đến đánh giá kết quả giải quyết nên hiệu quả xử lý đơn thư còn chưa cao.

Về kiến nghị giải pháp tăng cường giám sát, Ban Dân nguyện đề nghị khi sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, cần nâng cấp địa vị pháp lý của Ban Dân nguyện từ 1 ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trở thành 1 ban của Quốc hội, đồng thời giao cho ban này thực hiện giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, chịu trách nhiệm trước Quốc hội…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.