Động đất tại TP Hồ Chí Minh

06/08/2005 00:50 GMT+7

* Hốt hoảng ở trung tâm và ngoại thành TP.HCM * Tâm động đất nằm ở biển Đông với cường độ 5,2 độ Richter * Bà Rịa - Vũng Tàu: Động đất trong 30 giây Một bạn đọc ở ấp 1, xã Bình Mỹ, H.Củ Chi, giọng hốt hoảng trong điện thoại: "Ở ấp tôi vừa xảy ra động đất lúc khoảng 8 giờ 40 (20 giờ 40 - PV), đồ đạc trong nhà rung lên trong 5-6 giây. Ai nấy cùng hốt hoảng chạy ra khỏi nhà". Nói chưa dứt lời, anh này vội vàng cúp máy khiến chúng tôi không kịp hỏi tên, điện thoại.

 

Liên lạc với Công an xã Bình Mỹ, một công an viên tên Hồ Văn Tám trực máy cho biết người dân cũng điện thoại tới Công an xã báo có chấn động diễn ra trong khoảng 5 giây, làm dịch chuyển các vật dụng trong nhà.

 


Người dân nhốn nháo tại khu vực chung cư 374 Nguyễn Công Trứ, Q.1

Tại chung cư Bình Trưng Đông (đường Nguyễn Duy Trinh, P.Bình Trưng Đông, Q.2), người dân cũng ghi nhận được tình trạng nhà cửa rung chuyển trong 5-6 giây vào lúc 20 giờ 45. Anh Lê Anh ngụ tại số 010, lô N2, cho biết qua điện thoại: chấn động xảy ra làm rung chuyển lô M2, khiến toàn bộ người dân sống trong lô này hốt hoảng chạy hết xuống đường. Sau đó, kiểm tra lại thấy xuất hiện một vết nứt rộng khoảng 2-3 cm, dài 6-7m chạy dọc nền móng của chung cư. Đến 22 giờ, bà con ở lô M2 vẫn chưa dám trở về căn hộ của mình.

 

Tại chung cư Cô Giang (100 đường Cô Giang, P.Cô Giang, Q.1), bà con cho biết khoảng 20 giờ 45 những người ở khu vực tầng 4-5 lô D đang sinh hoạt thì thấy hiện tượng bất thường: mâm cơm cả nhà đang ngồi ăn trên nền gạch tự dưng... trôi; người già đang nằm trên chiếu cảm giác như bị hổng dưới lưng...  Sau một lúc "kiểm chứng", bà con bắt đầu nhận ra hiện tượng bất thường nên nháo nhào chạy đổ ra hành lang. Có mặt tại hiện trường, chúng tôi ghi nhận hàng trăm người dân

Cùng thời điểm, tại khu vực TP Vũng Tàu cũng xảy ra hiện tượng tương tự. Chị Trần Thanh Xuân (ngụ tại 205/29 đường Trương Công Định, P.3, TP Vũng Tàu), cho biết: trận động đất xảy ra khoảng 30 giây. "Lúc đó, tôi đang ngồi trên giường xem chương trình Trò chơi âm nhạc trên VTV3, đến phần chiếc hộp âm nhạc thì thấy chiếc giường rung rung và nghe tiếng ì ì nhỏ. Sau đó, chồng tôi đang ở phường 1 gọi về báo cho biết cũng có hiện tượng tương tự xảy ra. Mọi sinh hoạt của bà con ở khu vực này vẫn diễn ra bình thường, không có chuyện hoảng loạn".
vẫn nhốn nháo đổ ra lòng đường bàn tán xôn xao về hiện tượng động đất. Chị Trần Thị Hòa, nhà ở phòng số 401 kể lại: "Khi tôi đang xem chương trình truyền hình trên VTV đến trò chơi Đồng hồ âm nhạc, khoảng 8 giờ 45 phút, tôi bỗng nhiên thấy chiếc ghế salon đang ngồi rung chuyển rành rành. Tôi nhìn sang chồng và hỏi thăm, anh ấy cũng có cảm giác như vậy. Hiện tượng trên lập lại đến 2 lần, mỗi lần kéo dài 2-3 giây. Lập tức vợ chồng tôi mở toang cửa để đề phòng chuyện bất trắc xảy ra. Nhưng sau đó không có động tĩnh gì khác". Ông Lương Văn Lượng, cán bộ Ban Quản lý chung cư cho biết: "Khi xảy ra hiện tượng rung chuyển trên, có đến 300 nhân khẩu thuộc lầu 4 và 5 lô D chung cư này cảm nhận được sự rung chuyển trên và đổ dồn ra hành lang nhốn nháo. Không ai hiểu chuyện gì xảy ra mà chỉ lo sợ chung cư sắp sập. Lãnh đạo phường và công an địa phương ngay lập tức có mặt để trấn an bà con và khảo sát hiện trường, tuy nhiên kết quả không có vết nứt hay thiệt hại nào khác".

 

 


Vẫn chưa hết lo sợ sau cơn chấn động

Trong khi đó, tại chung cư 374 Nguyễn Công Trứ (Q.1) có đến hơn 300 người dân đang sinh sống tại đây đã hốt hoảng, bồng bế nhau tìm mọi cách rời khỏi căn hộ càng sớm càng tốt. Khi chúng tôi đến hiện trường, hơn 200 người đang trải nệm, chiếu nằm ở bên lề đường đối diện và dõi mắt nhìn về phía tòa nhà chung cư 4 tầng như chờ mong một phép màu nào đó xảy ra để họ đừng bị thiệt hại về tài sản. "Lúc khoảng 8 giờ 30 tối, hai mẹ con tôi đang ở nhà xem ti vi thì bỗng thấy cả căn nhà đưa qua đưa lại như đưa võng. Tôi hốt hoảng vội gom vật dụng rồi cùng đứa con chạy ra ngoài. Lúc này cả chung cư nhốn nháo vì ai cũng phải bỏ chạy" - chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp (34 tuổi, ngụ tại căn hộ số 43, lầu 4) không giấu được vẻ hốt hoảng khi tường thuật lại sự việc cho chúng tôi. Hoàn cảnh của chị Vũ Thị Kim Thoa (ngụ tại căn hộ số 45) thì còn bi đát hơn. Khi xảy ra địa chấn, trong nhà chị Thoa có đến 9 người, trong đó mẹ chị Thoa đã lớn tuổi còn con chị Thoa thì còn rất nhỏ. Chị Thoa kể: "Cả nhà tôi đang xem ti vi thì bỗng thấy sàn nhà đong đưa. Có người thấy nước trong cái hồ cá cứ lắc lư. Tôi sợ quá vội vàng kêu gọi mọi người phải chạy xuống đường càng nhanh càng tốt". Gần 2 giờ sau đó, tức khoảng 22 giờ 30 tối qua, khi cơn địa chấn đã đi qua, nỗi lo sợ của người dân tại đây vẫn chưa dứt. Nhiều người đã kêu gọi người thân ở khu vực lân cận đến vận chuyển những đồ đạc đã lấy ra được để đi sơ tán, số tài sản còn lại trong các căn hộ vẫn không ai dám bước lên để lấy ra vì sợ chung cư có thể sập bất cứ lúc nào. Một vài cán bộ của phường đã đến hiện trường để trấn an và khuyên bà con nên quay về nhà nhưng nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi về độ an toàn nên vẫn chưa thấy ai tuân thủ.

 

Tại chung cư 44B Trần Quang Khải, Q.1, tình trạng cũng diễn ra tương tự.

 

 

Giới chuyên môn nói gì ?

 

Tâm chấn nằm ở biển Đông có cường độ 5,2 độ Richter

Theo thông tin trên website của Hệ thống quan trắc địa chấn toàn cầu (GEOFON), vào lúc 8 giờ 12 phút ngày 5.8 (giờ GMT, tức 15 giờ 12 phút, giờ Việt Nam), các thiết bị đo tự động đã ghi nhận được một chấn động có cường độ 5,2 độ Richter với tâm chấn nằm ở vị trí 7,69 độ vĩ bắc; 107,09 độ kinh đông, tức khu vực ngoài khơi biển Đông, nằm gần bờ biển Việt Nam. 

Việt Hưng

Liên lạc với Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ, thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan cho biết, ở TP.HCM chưa có thiết bị để ghi nhận các cơn dư địa chấn. Hiện cả nước chỉ có Viện Vật lý địa cầu tại Hà Nội có thể ghi nhận tình hình này. Còn theo tiến sĩ Trần Luân Ngô, một thành viên Ban Quản lý đường sắt nội đô TP.HCM, trong quá trình nghiên cứu các tuyến tàu điện ngầm tại TP.HCM, các công ty tư vấn nước ngoài có nghiên cứu về vấn đề này, cho thấy khả năng xảy ra động đất tại TP.HCM là rất hiếm. Ông Trần Tân Mỹ, nguyên giảng viên Đại học KHTN TP.HCM, là người nhiều năm nghiên cứu về động đất, cũng khẳng định khả năng xảy ra động đất ở TP.HCM là rất hiếm, nếu có thì cũng không đáng kể, không gây thiệt hại cho người dân.

 

Chúng tôi đã liên lạc được với Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu - Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thủy vào 22 giờ 30 tối hôm qua. Tiến sĩ Thủy nói: "Tâm chấn của trận động đất này ở ngoài khơi biển Vũng Tàu, thuộc đới đứt gãy Thuận Hải - Minh Hải. Đây là đới đứt gãy gây động đất đã được ghi nhận trong hệ thống cảnh báo động đất của Việt Nam". Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, đới đứt gãy này không có khả năng gây động đất mạnh. Độ mạnh tối đa có thể ở mức 5 - 5,5 độ Richter (chỉ số đo năng lượng trận động đất cực đại tại thời điểm xảy ra) và chấn động tối đa là cấp 7/12 (mức độ gây chấn động trên bề mặt), nhẹ hơn so với một số đới đứt gãy phía Bắc. Trận động đất mạnh nhất từng ghi nhận được tại Việt Nam xảy ra tại Điện Biên là 6,8 độ Richter, chấn động cấp 8 - 9, hay trận động đất tại Tuần Giáo (Lai Châu) ngày 24.6.1983 cũng là 6,4 độ Richter với cấp chấn động 8 - 9. Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thủy:  "Ở phía Trung, Nam có 3 trạm quan trắc động đất đặt tại Huế, Nha Trang và Đà Lạt. Tại thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được báo cáo đầy đủ từ các trạm theo dõi về trận động đất vừa xảy ra ngoài khơi biển Vũng Tàu. Theo nhận định ban đầu, trận động đất này có tâm chấn tại biển ngoài khơi Vũng Tàu với mức 3 đến hơn 4 độ Richter và cường độ chấn động khoảng cấp 5. Đây là một trận động đất nhẹ. Nó xảy ra ở Vũng Tàu và có ảnh hưởng đến TP.HCM hay vùng ngoại thành là Củ Chi. Tuy nhiên, càng xa tâm chấn, mức độ ảnh hưởng càng giảm xuống. Có thể trận động đất nhẹ này sẽ không gây nên dư chấn hoặc nếu có chỉ là rất nhẹ, thoáng qua".

 

Nhóm PV chính trị xã hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.