Dự án lấp sông Đồng Nai “hổng” khâu pháp lý

30/12/2015 06:09 GMT+7

Hầu hết chuyên gia bảo lưu ý kiến: Vụ lấp sông Đồng Nai làm dự án đã vi phạm về cả pháp lý lẫn kỹ thuật quá rõ ràng, nên không cần thiết phải làm lại báo cáo đánh giá tác động môi trường mới.

Hầu hết chuyên gia bảo lưu ý kiến: Vụ lấp sông Đồng Nai làm dự án đã vi phạm về cả pháp lý lẫn kỹ thuật quá rõ ràng, nên không cần thiết phải làm lại báo cáo đánh giá tác động môi trường mới.

Hiện trường vụ “lấp sông Đồng Nai làm dự án” ngày 29.12
- Ảnh: Đào Ngọc ThạchHiện trường vụ “lấp sông Đồng Nai làm dự án” ngày 29.12 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Ngay sau khi Thủ tướng có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về dự án lấp sông Đồng Nai, trao đổi với Thanh Niên, hầu hết chuyên gia vẫn bảo lưu ý kiến: Vụ lấp sông Đồng Nai làm dự án đã vi phạm về cả pháp lý lẫn kỹ thuật quá rõ ràng, nên không cần thiết phải làm lại báo cáo đánh giá tác động môi trường mới.
TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC), cho biết: Đầu tiên tôi cảm thấy rất mừng vì Chính phủ và Thủ tướng rất quan tâm đến vụ việc này nói riêng và vấn đề môi trường nói chung. Chính Thủ tướng là người đã ra quyết định hủy dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Vụ lấp sông Đồng Nai làm dự án gây bức xúc trong dư luận trong một thời gian dài vừa qua; việc Thủ tướng có văn bản trả lời đại biểu Quốc hội là trả lời cử tri và nó thể hiện sự tôn trọng dư luận của Thủ tướng cũng như Chính phủ.
Vi phạm nhiều Luật


Không ai lại chỉnh trang đô thị theo kiểu lấp sông như vậy cả. Dòng sông Đồng Nai vốn đã và đang bị ô nhiễm rất nặng, chúng ta không nên làm tổn thương nó thêm nữa. Tôi vẫn giữ quan điểm phải dừng lại và hủy dự án này

TS Đào Trọng Tứ

Tuy nhiên, TS Tứ nhận xét: “Điều quan trọng đầu tiên chính là tính pháp lý. Khi yếu tố đầu tiên là pháp lý đã vi phạm thì bàn đến những hệ quả, yếu tố phía sau đó như Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để làm gì?”.
Tương tự, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) cho rằng: Trên nguyên tắc, về quản lý nhà nước hễ phát hiện sai và trái với quy định của luật pháp thì phải sửa sai và khắc phục bằng cách trả lại nguyên trạng. Điều đầu tiên và quan trọng nhất là pháp lý thì chưa thấy các cơ quan chức năng nhắc đến mà chỉ tập trung vào khía cạnh kỹ thuật. “Pháp lý không thông mà cho làm lại ĐTM thì tôi băn khoăn về vấn đề kinh phí. Nếu chủ đầu tư bỏ tiền ra thì sẽ không khách quan. Nếu lấy tiền ngân sách thì đó là tiền thuế của nhân dân lại càng không được”, ông Lê Anh Tuấn đặt vấn đề.
Các chuyên gia của Mạng lưới sông ngòi VN (VRN) cũng đã chỉ ra hàng loạt vi phạm của dự án về mặt pháp lý như: Đối với luật Tài nguyên nước (2012), dự án đã vi phạm việc cấm xây dựng công trình cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông; việc gây cản trở dòng chảy và vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước. Gây ảnh hưởng xấu đến sự ổn định của lòng, bờ, bãi sông.
Quan trọng nhất là dự án đã vi phạm luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2014 khi lấn chiếm xây dựng công trình nhà ở trên mặt nước. Việc bảo vệ đê điều và phòng chống thiên tai được Chính phủ rất quan tâm nhằm phát triển ngành nông nghiệp bền vững và ổn định cuộc sống tới người dân, thế nhưng “Dự án lấn sông Đồng Nai” đã vi phạm luật Đê điều ban hành năm 2006 khi đổ đất lấn chiếm lòng sông và bãi sông. Bên cạnh đó, dự án này còn vi phạm luật Phòng chống thiên tai, luật Xây dựng. Hơn nữa, dự án cũng chưa được Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thông qua và chỉ đạo việc thực hiện như đã quy định trong Quyết định số 157/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đẩy cả khối bê tông ra bề mặt sông
Công văn trả lời chất vấn của Thủ tướng cho biết: Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã chỉ đạo Hội đồng thẩm định lựa chọn 2 đơn vị tư vấn độc lập, có đủ uy tín, năng lực là Viện Thủy văn môi trường và biến đổi khí hậu thuộc Trường đại học Thủy lợi (thực hiện tính toán, đánh giá bổ sung các vấn đề về thoát lũ, lưu thông dòng chảy, xói, bồi, sạt lở lòng, bờ, bãi sông và chất lượng sông Đồng Nai) và Viện Sinh thái học miền Nam thuộc Viện Hàn lâm khoa học công nghệ VN (thực hiện đánh giá bổ sung các vấn đề về hệ sinh thái, thảm thực vật khi triển khai dự án) để đánh giá các tác động của dự án. Các đơn vị nêu trên đang khẩn trương triển khai việc khảo sát, bổ sung số liệu và nghiên cứu, bổ sung, cập nhật các mô hình tính toán để đánh giá tác động.
Trao đổi với Thanh Niên, TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, cho biết: “Chúng tôi có nhận được công văn của Bộ TN-MT, mời chúng tôi tham gia thực hiện đánh giá về hệ sinh thái. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại công việc chưa được triển khai”.
Bên cạnh đó, TS Tứ cho biết: “Tôi vẫn cho rằng vụ việc ở Đồng Nai này chính là lấp sông để làm dự án phát triển đô thị. Điều này hoàn toàn khác với việc chỉnh trị sông như một số người vẫn nói. Người ta đã đẩy cả một khu phố ra bề mặt sông, lấp, lấn một đoạn sông như vậy thì không thể nói là chỉnh trị sông được. Và người ta dùng lý lẽ chỉnh trị sông để lờ đi yếu tố pháp lý mà hướng chủ yếu vào khía cạnh tác động dòng chảy. Nếu chỉ nhìn vấn đề ở góc độ hẹp, đơn giản như vậy thì người ta có thể lấp, lấn sông ở bất cứ đâu, bất cứ con sông nào mà họ muốn”.
“Pháp lý là gốc, khoa học là ngọn của vấn đề. Sông Đồng Nai là một dòng sông liên tỉnh nên tính pháp lý của vấn đề càng rất quan trọng. Tôi thấy các cơ quan chức năng các cấp chưa đề cập nhiều đến vấn đề tiên quyết này. Ngoài câu chuyện pháp lý và khoa học đó còn là sự tác động của dự án đến xã hội, đến dư luận... Không ai lại chỉnh trang đô thị theo kiểu lấp sông như vậy cả. Dòng sông Đồng Nai vốn đã và đang bị ô nhiễm rất nặng, chúng ta không nên làm tổn thương nó thêm nữa. Tôi vẫn giữ quan điểm phải dừng lại và hủy dự án này”, TS Tứ tha thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.