Em bé ra đời bằng phương pháp mang thai hộ là sự kiện y tế tiêu biểu 2016

22/12/2016 18:44 GMT+7

Chào đời lúc 7 giờ 20 phút sáng 22.1.2016, em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp mang thai hộ tại Việt Nam, là một trong 10 sự kiện tiêu biểu ngành y năm 2016

Chiều 22.12, Bộ Y tế đã công bố 10 sự kiện tiêu biểu ngành y trong các lĩnh vực: điều trị, cải cách hành chính, y tế dự phòng, hợp tác quốc tế...
Sự kiện tiêu biểu đáng chú ý của năm 2016, là bé gái đầu tiên chào đời bằng phương pháp mang thai hộ, có cân nặng 3,6 kg, bố mẹ sống tại Ninh Bình. Bé chào đời hoàn toàn khỏe mạnh sau 38 tuần trong bụng “mẹ” tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư, bằng kỹ thuật mổ sinh. Sự kiện đánh dấu thành công kỹ thuật mang thai hộ. Đến nay, cả nước đã có gần 200 hồ sơ mang thai hộ được duyệt, trong đó hơn 30 trường hợp đã sinh con. Hiện tại, cả nước có 3 đơn vị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ là Bệnh viện Phụ sản T.Ư, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) và Bệnh viện T.Ư Huế.
Bước tiến trong dự phòng, điều trị
Trong lĩnh vực dự phòng, lần đầu tiên Việt Nam sản xuất thành công vắc xin phối hợp sởi - rubella, dự kiến sẽ được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 2017.
Thực hiện phẫu thuật nội soi bằng Robot cho người lớn tại Bệnh viện Bình Dân đã được triển khai lần đầu. Trước đó, năm 2013 Bệnh viện Nhi T.Ư đã thực hiện kỹ thuật này cho trẻ em. Hệ thống Robot phẫu thuật cho phép phẫu thuật nhiều bộ phận với sự xâm lấn tối thiểu và độ chính xác, hiệu quả an toàn vượt trội.

tin liên quan

Bệnh viện công xóa bỏ tâm lý 'bệnh nhân cần mình'
“Đổi mới ở bệnh viện công, trước tiên phải đổi mới từ ý thức. Bệnh nhân đến bệnh viện cần nhận được sự tôn trọng và đồng cảm”, đó là quan điểm của bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức.
Đáng lưu ý, chỉ số cải cách hành chính của Bộ Y tế tăng 9 bậc so với năm 2015 (xếp thứ 17/19 lên 8/19 bộ, ngành) do Chính phủ công bố năm 2016, cũng là sự kiện đươc bình chọn, ghi nhận nỗ lực về cải cách hành chính, minh bạch thủ tục trong cấp phép, khám chữa bệnh.
Ngoài ra, đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5.12.2016), là cơ sở để củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới y tế cơ sở; đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực nâng cao chất lượng dịch vụ của cơ sở.
Tăng nguồn lực hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế
Về tài chính y tế và chất lượng dịch vụ, sự kiện được gây chú ý là việc thực hiện đưa tiền lương vào giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được triển khai đến 32 tỉnh thành; nhờ đó, ngân sách nhà nước hiện đang cấp tiền lương cho các bệnh viện sẽ chuyển sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Cùng với đó, các bệnh viện đang triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới sự hài lòng của người bệnh. 
Trong 2016, giải pháp chống nhầm lần, kiểm soát lạm dụng kê đơn đã được tăng cường khi lần đầu tiên bộ mã danh mục dùng chung trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế được xây dựng và triển khai rộng rãi, kết nối liên thông dữ liệu giữa cơ quan quản lý, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Đây là sự kiện được bình chọn tiêu biểu bởi việc này giúp quản lý đầy đủ, chính xác thông tin người bệnh và thuận lợi trong việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Hiện tại, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đã đạt 81,3% dân số, vượt chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao (79%).
VN tham gia hoạch định chính sách y tế toàn cầu
Đăc biệt, lần đầu tiên Việt Nam đã được bầu vào Ban Chấp hành (Executive Board) của Tổ chức Y tế Thế giới nhiệm kỳ 2016 - 2019. Ban Chấp hành Tổ chức Y tế thế giới là nơi đề xuất và chuẩn bị các chương trình nghị sự cho Đại hội đồng Y tế Thế giới, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định các chính sách y tế chủ chốt trên cấp độ toàn cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.