"Euro 2" và chất lượng xăng dầu: Những "nỗ lực" làm nhỏ đất nước

06/06/2007 00:39 GMT+7

Kỳ 2: Bộ Thương mại ráo riết bảo vệ lợi ích cho ai? Bộ Thương mại là ngành có công lớn trong cải cách kinh tế, đặc biệt là trong việc thúc đẩy thành công tiến trình Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Vấn đề chúng tôi nêu ở đây chỉ là một việc trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu... * Doanh nghiệp và các chuyên gia nói gì?

Như chúng tôi đã thông tin ở kỳ trước, việc đưa xăng và nhiên liệu diesel theo tiêu chuẩn mới (TCVN 6776-2005 và TCVN 5689-2005) vào lưu thông từ năm 2006 là quyết định của Thủ tướng Chính phủ (QĐ số 50/2006/QĐ-TTg). Nhưng việc lùi thời gian áp dụng đến 1.1.2007 lại thực hiện theo Công văn số 1997/VPCP-KG. Về mặt pháp lý, điều này có ổn không? Theo chúng tôi, Quyết định của Thủ tướng là văn bản quy phạm pháp luật, muốn thay đổi nội dung của văn bản này ít nhất phải có một văn bản quy phạm pháp luật của cấp có thẩm quyền tương đương.

Thậm chí  cũng là Thủ tướng ký, nhưng Nghị định có giá trị pháp lý cao hơn Quyết định, Quyết định có giá trị pháp lý cao hơn Công văn. Công văn của Văn phòng Chính phủ chỉ là một văn bản hành chính thông thường, bởi vậy dù truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ai thì cũng không thể có giá trị làm thay đổi nội dung Quyết định của Thủ tướng. Huống hồ, việc lùi thời gian áp dụng tiêu chuẩn xăng dầu mới có ảnh hưởng đến cả một quyết sách của quốc gia, đến cả một ngành công nghiệp, đến môi trường của đất nước và đến hàng chục triệu người tiêu dùng.

Vả lại, Quyết định của Thủ tướng về lộ trình áp dụng Euro 2 ban hành từ ngày 10.10.2005, nghĩa là có một khoảng thời gian dài đủ để chuẩn bị thay đổi nhiên liệu. Lẽ ra không cần phải đợi đến Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng, Bộ Thương mại và Bộ Khoa học và Công nghệ phải chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thay đổi hàng nhập khẩu để thích ứng với việc thực hiện Euro 2. Là các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan, hai bộ này phải hiểu và phải làm điều đó từ lâu rồi chứ, sao lại để đến khi Thủ tướng có quyết định chính thức mới "chạy theo" doanh nghiệp kiến nghị lùi thời gian áp dụng?

Nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Sau khi Văn phòng Chính phủ có công văn cho phép lùi thời gian, Bộ Thương mại lại tiếp tục "lấn tới". Ngày 15.12.2006, chỉ 15 ngày trước khi đến hạn áp dụng tiêu chuẩn xăng dầu mới, Bộ Thương mại gửi Công văn số 7814/BTM-KHĐT tới Thủ tướng Chính phủ. Sau khi nêu 4 khó khăn trong việc áp dụng tiêu chuẩn xăng dầu mới: 1- Khó khăn về nguồn cung ứng xăng dầu; 2- Khó khăn về giá cả nhập khẩu cao; 3- Khó khăn về cơ sở vật chất kỹ thuật của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; 4- Khó khăn về quản lý thị trường, chống gian lận thương mại..., Bộ Thương mại kiến nghị: "Vẫn thực hiện từ ngày 1.1.2007 tiêu chuẩn đối với xăng và dầu diesel theo Quyết định số 50/2006-QĐ-TTg, tuy nhiên có lộ trình áp dụng phù hợp với một vài chỉ tiêu cụ thể, theo đó tạm thời bảo lưu những chỉ tiêu này, để đảm bảo nguồn cung ổn định và liên tục (*). Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý nguyên tắc này, Bộ Thương mại sẽ làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu để lựa chọn các chỉ tiêu có thể tạm hoãn áp dụng. Đó là những chỉ tiêu kỹ thuật theo tiêu chuẩn mới có tác dụng bảo vệ môi trường hạn chế, nhưng lại khó tìm được nhà cung cấp nước ngoài đáp ứng được, việc bảo lưu các chỉ tiêu này sẽ tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp tìm nguồn cung ứng trong khi không gây ảnh hưởng nhiều tới yêu cầu bảo vệ môi trường".

Nhưng liền theo đó, Bộ Thương mại lại kiến nghị tiếp: "Thủ tướng Chính phủ ra quyết định, hoặc ủy quyền cho Bộ Thương mại ra quyết định về chủng loại xăng và chủng loại dầu diesel lưu hành trong nước như sau:

- Đối với xăng: Chỉ cho phép lưu hành hai loại xăng tiêu chuẩn 92 và 95 ở thị trường trong nước, dứt khoát loại khỏi lưu thông các loại xăng khác, đặc biệt là xăng tiêu chuẩn 83.

- Đối với dầu diesel: chỉ lưu hành diesel có hàm lượng lưu huỳnh không vượt quá 2.500 mg/kg. Như vậy, các doanh nghiệp không buộc phải nhập khẩu cùng lúc hai loại diesel 0,25S và diesel  0,05S mà có thể lựa chọn nhập khẩu loại nào tùy theo nhu cầu thị trường của doanh nghiệp".

Đồng thời Bộ này còn kiến nghị: "Đối với các loại xăng dầu có tiêu chuẩn không phù hợp được nhập khẩu và tồn kho tính tới ngày 1.7.2007, yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kiểm kê toàn bộ lượng tồn kho, có thể cho phép lưu thông đến một thời điểm nhất định để doanh nghiệp có thời gian xử lý, giải quyết tồn kho, sau thời điểm đó dứt khoát không cho phép lưu thông".

Bạn đọc thấy gì trong bản kiến nghị này?

Thứ nhất, Bộ này đã lập lờ giữa việc "vẫn thực hiện kể từ ngày 1.1.2007" với "có lộ trình cụ thể" để rồi vừa lập lờ vừa dứt khoát "chỉ cho phép lưu hành hai loại xăng tiêu chuẩn 92 và 95". Cần biết "tiêu chuẩn" 92, 95... chỉ nói lên "độ cứng" của xăng chứ hoàn toàn không liên quan đến tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, vì cùng là xăng 92 nhưng có loại hàm lượng lưu huỳnh 1.500 mg/kg hoặc hơn, có loại 500 mg/kg, có loại 10 mg/kg, ảnh: nghĩa Phạm thậm chí có loại hàm lượng lưu huỳnh bằng 0. Đề nghị này nếu được chấp thuận thì xăng hàm lượng lưu huỳnh 1.500 mg/kg mặc nhiên "hợp pháp".

Thứ hai, xin nhắc lại dầu diesel theo TCVN 5689-2005 có hai loại, loại hàm lượng lưu huỳnh 500 mg/kg được dùng cho phương tiện cơ giới đường bộ, còn loại 2.500 mg/kg được dùng cho công nghiệp. Bộ Thương mại thừa biết chuyện này, thế nhưng lại đề nghị "chỉ lưu hành diesel có hàm lượng lưu huỳnh không vượt quá 2.500 mg/kg" với lý do cũng nêu tại công văn nói trên là "Hiện tại,  kho bể, bồn chứa của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khó có thể chứa cùng một lúc hai loại diesel. Ngoài ra các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn đối với yêu cầu có các cột bơm riêng cho từng chủng loại xăng, dầu diesel. Nếu phải đầu tư thêm về cơ sở vật chất thì sẽ không đảm bảo về thời gian và phát sinh chi phí rất lớn cho doanh nghiệp". Đường đường là một Bộ mà gửi đến Thủ tướng một đề nghị như vậy thì thật hết chỗ để nói.

Thứ ba, xin dẫn một đoạn trong 4 cái khó khăn mà Bộ Thương mại nêu: "Khó khăn về nguồn cung ứng xăng dầu: Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khó tìm được các nhà cung cấp nước ngoài có thể chào hàng theo đúng tất cả các chỉ tiêu kỹ thuật theo tiêu chuẩn TCVN 2005, chỉ có một số ít hãng chào hàng gần đúng với TCVN 2005 (tức là sai lệch một số chỉ tiêu kỹ thuật). Như vậy, việc khó tìm được nhà cung cấp đáp ứng được đầy đủ TCVN 2005, và nếu có thì số lượng nhà cung cấp cũng rất hạn chế, dẫn đến sự phụ thuộc của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước vào một ít nhà cung cấp nước ngoài". Lập luận này nghe không lọt tai tí nào. Ai cũng biết thế giới đang áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 3, Euro 4, Euro 5, những nước đang áp dụng Euro 2 cũng đang sắp từ bỏ để bước vào tiêu chuẩn cao hơn. Xăng dầu trên thế giới phổ biến là xăng dầu sạch, chỉ có một số rất ít nước phải sử dụng xăng dầu "bẩn" như nước ta. Nói "khó tìm được nhà cung cấp"  nghe sao được! Một chuyên gia có thẩm quyền đang công tác ở một Bộ có liên quan (xin không nêu tên) nói với chúng tôi: "Lập luận của Bộ Thương mại không thuyết phục được ai. Xăng dầu nước ta nhập chủ yếu từ Trung Quốc và Singapore, mà hai nước này thực hiện Euro 2 từ lâu lắm rồi, thậm chí năm 2008 Bắc Kinh và Thượng Hải sẽ thực hiện Euro 4, khắt khe hơn tiêu chuẩn Euro 2 đến 10 lần".

Thứ tư, những động thái của Bộ Thương mại qua văn bản nói trên cho thấy một hoạt động ráo riết vì một mục đích là để cho xăng dầu kém chất lượng tiếp tục được lưu hành. Với văn bản này, Bộ Thương mại đã bảo vệ lợi ích cho ai? Bảo vệ lợi ích cho đất nước hay bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp độc quyền nhập khẩu xăng dầu? Bảo vệ lợi ích của đất nước chắc chắn là không rồi. Vì trong khi Thủ tướng chưa có ý kiến về đề nghị của Bộ Thương mại thì các doanh nghiệp độc quyền nhập khẩu xăng dầu cứ đem về cho đất nước một thứ xăng dầu mà sự độc hại vượt gấp nhiều lần chỉ số cho phép (không chỉ có lưu huỳnh mà còn các chất khác nữa, chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau), gây khó khăn cho ngành công nghiệp ô tô và tiếp tục làm bẩn môi trường sống mà Chính phủ đang hết sức nỗ lực để cải thiện.

* Ông Trần Bá Dương, Tổng giám đốc Công ty ô tô Trường Hải: "Tôi có kiến nghị nhưng không thấy hồi âm"

Tôi rất lo ngại về tình trạng cung cấp nhiên liệu không theo tiêu chuẩn Nhà nước đề ra. Chúng tôi có giới thiệu một số động cơ sử dụng tiêu chuẩn Euro 3 nhưng hiện nay có vấn đề trong việc bán dầu diesel ra thị trường không đủ tiêu chuẩn, hàm lượng lưu huỳnh quá cao. Chúng tôi cũng có nói với mấy anh ở Cục Đăng kiểm là không chỉ ở vấn đề động cơ phải đạt yêu cầu mà nhiên liệu cũng phải đáp ứng. Các anh cũng đã hứa làm việc với Bộ Thương mại. Sở dĩ có tình trạng nhiên liệu không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn, theo tôi là do các công ty xăng dầu cố tình nhập nhiên liệu rẻ về. Khi sử dụng một thời gian, păng-tu của các xe hư hết. Vừa rồi, có một công ty nhập nhiên liệu, hàm lượng lưu huỳnh quá cao, chúng tôi có  nhờ Trung tâm  3 (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) kiểm định và gửi văn bản kiến nghị tới các cơ quan chức năng mà không thấy hồi âm".

* Ông Phó Đức Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam:  "Trên thị trường chỉ thấy bán loại dầu hàm lượng lưu huỳnh 2.500 mg/kg"

"Theo Tiêu chuẩn Việt Nam  đối với xăng, dầu đã được xây dựng để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 2 thì các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu phải nhập khẩu, bán cả loại dầu có hàm lượng lưu huỳnh 500 mg/kg đối với phương tiện giao thông đường bộ và cả loại 2.500 mg/kg dầu  đối với động cơ tĩnh. Nhưng trên thị trường, ở các  đại lý, điểm bán xăng chỉ thấy bán loại dầu 2.500 mg/kg, rõ ràng là không đáp ứng với yêu cầu, không phục vụ người tiêu dùng và cũng là điểm bức bối cho các nhà sản xuất động cơ. Bộ Thương mại đã có Công văn 0910/CV-BTM (ngày 9.2.2007) đề nghị giảm chỉ tiêu về môi trường. Về đề nghị này thì Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đang xử lý nhưng về cơ bản, theo tôi vẫn phải giữ theo đúng tiêu chuẩn đã đặt ra cho dù cũng có cái khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc Bộ Thương mại".

* Ông Trần Chí Nghĩa, Phòng Đối ngoại Công ty Toyota Việt Nam: "Các nhà sản xuất thực sự quan ngại"

 "Để thực hiện tiêu chuẩn khí thải Euro 2 thì theo tôi các nhà sản xuất, lắp ráp động cơ, ô tô xe máy ở Việt Nam đã sẵn sàng nhưng  trước tiên chất lượng xăng dầu phải áp dụng đúng tiêu chuẩn. Qua thực tế cung cấp nhiên liệu vừa qua thì rõ ràng hàm lượng lưu huỳnh đã vượt quá xa trong khi yêu cầu chỉ là 500 mg/kg. Đây thực sự là vấn đề quan ngại cho các nhà sản xuất. Để có thể đáp ứng với tiêu chuẩn Euro 2 trong khi nguồn nhiên liệu lại không đảm bảo như vậy thì cần phải có bộ xử lý khí thải để giảm thiểu chất độc ra môi trường nhưng với hàm lượng lưu huỳnh quá cao như hiện nay thì các bộ lọc như vậy cũng sẽ hỏng hóc rất nhanh".

Mạnh Quân (ghi)

* Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Xí nghiệp tư doanh ô tô Xuân Kiên (Vĩnh Phúc): "Áp dụng Euro 2 mà chất lượng xăng dầu như vậy kết quả cũng như không"

"Tôi được biết, ở Mỹ giá dầu diesel cao hơn giá xăng vì phải đóng thuế môi trường cao hơn (do ô nhiễm cao hơn) và chất lượng cũng được kiểm tra gắt gao. Trong khi đó ở ta, chất lượng xăng đã kém, chất lượng dầu diesel lại còn kém hơn. Khi áp dụng tiêu chuẩn Euro 2 mà chất lượng xăng dầu như vậy thì kết quả cũng như không áp dụng gì".

Hùng Sơn (ghi)

(còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

(*) Thanh Niên in đậm những đoạn cần chú ý

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.