>> LAM PHONG

Hình ảnh gánh chè quen thuộc ở làng quê xứ Nghệ

Điểm qua những vùng chè danh tiếng cả nước, Nghệ An là một ẩn số. Tìm hiểu mới biết 98% sản lượng chè Nghệ An dùng xuất khẩu, thế nhưng văn hóa chè xứ Nghệ bao đời nay với tục “gọi nhau râm ran chè xanh” nay vẫn hiện hữu.

Hành trình đi tìm lời giải mã mở ra cho tôi cơ hội khám phá thêm tập tục uống chè độc đáo của người nông thôn Nghệ An mà nay vẫn lưu giữ vẹn toàn.

Đến Nghệ An vào các hàng quán, thức uống giải khát phổ biến nhất là những cốc chè tươi xanh mát, thơm nồng hương mới.

Ở xứ Nghệ, tập tục uống chè xanh trong gia đình đã tồn tại từ bao đời, nhưng khác vùng miền khác ở chỗ mỗi khi nấu nồi chè tươi, gia chủ thường không uống giải khát một mình mà rủ rê hàng xóm sang uống cùng. Tập tục này được nói vắn tắt thành “gọi chè”, chẳng ai rõ ra đời từ khi nào, nhưng được lưu truyền khắp miền thôn xứ Nghệ.

Gọi chè, chia sẻ cho nhau chén nước chè om nóng hổi là tập tục uống chè lâu đời ở Nghệ An

Về văn hóa chè trong đời sống bản địa, ông Hồ Viết An -Tổng giám đốc Công ty Chè Nghệ An cho biết  thêm nhiều điều thú vị: “Từ bé tôi đã cảm nhận rõ chuyện uống chè trong gia đình là điều không thể thiếu mỗi ngày. Ngay cả lúc đất nước khó khăn nhất, bát nước chè như sự động viên, thậm chí giúp giải quyết cả phần khó khăn vì nông dân nghèo quê tôi đi cày cấy về không có cơm ăn, chỉ ăn một củ khoai luộc, xong uống bát nước chè đặc rồi lên võng đu đưa, cảm giác rất tuyệt vời”.

Chè là cầu nối giúp láng giềng gần nhau hơn nhờ tính cộng đồng cao thông qua hành động “gọi chè”. Cái cớ “gọi chè” được ông An chia sẻ thêm: “Nhà người dân quê cách nhau dậu thưa, không kín cổng cao tường như thành thị. Mỗi khi ra đồng về, nông dân nắm theo mớ chè tươi mới hái, om nồi chè, nhà nào xong trước bước ra hiên, ới hàng xóm sang uống cùng, rôm rả chuyện đồng áng, vụ mùa, rất chân tình, gần gũi. Nhà nào khá hơn pha thêm chút mật mía vào bát chè xanh. Chúng tôi lớn lên được các cụ truyền lại, uống nước chè với mật mía là loại thực phẩm đặc biệt, giúp bổ sung năng lượng. Nông dân chúng tôi da anh nào cũng đỏ au, khuôn mặt thể hiện sức khoẻ rạng ngời sau những bát nước chè ấy”.

Ông Hồ Viết An với những kỷ niệm về hương chè xứ Nghệ

Để pha ra ấm chè ngon, người Nghệ An chỉ dùng chè tươi mới hái, để cả lá già, cọng, cành, bẻ gọn cho vào nồi đất om trên bếp đến khi nước ngả màu xanh vàng, óng ánh sắc, thế là đủ gói trọn cả “bao ân tình mộc mạc làng quê, trưa nắng hè gọi nhau râm ran chè xanh” (ca khúc Ca dao em và tôi, tác giả An Thuyên), để cùng cảm rõ cái thi vị, nồng nàn, dạt dào tình cảm trong hương chè xứ Nghệ.

Nói đến chuyện om chè, người Nghệ An có làng làm nồi đất Trù Sơn thuộc H.Đô Lương. Chè tươi khi đem om nồi Trù Sơn, cảm giác như độ ngọt thơm tăng lên bội phần.

Phụ nữ ở Trù Sơn với nghề gốm tổ tiên truyền lại

Chuyện “gọi chè” dẫn tôi đến làng gốm cổ Trù Sơn của xứ Nghệ, nơi có khả năng “vắt đất thành nồi”, chuyên làm các loại ấm, siêu, nồi om… nhờ mỏ đất sét hảo hạng ở cánh đồng Hà Yên - Xa Hội, cách làng Trù khoảng mươi cây số.

Trước những phương tiện đun nấu hiện đại, giá rẻ, nghề làm nồi đất ở Trù Sơn những năm trở lại đây khá lao đao. Ngày tôi đến Trù Sơn, cả làng chỉ còn khoảng chục hộ bám trụ theo nghề. Trời xẩm tối nhưng cụ Phạm Thị Hồng (xóm 10) vẫn chân tay nhoay nhoáy làm nốt loạt nồi cuối ngày. Hơn 60 năm xoay bàn xoay nặn gốm, cụ Hồng hiện đã xấp xỉ 80, là người cao niên nhất làng nghề Trù Sơn còn xoay gốm. Cụ Hồng kể: “Nỏ (không) biết nghề gốm Trù Sơn có từ khi nào, học nghề từ mẹ, gái làng ni ai học khéo hai tháng có thể làm nồi được. Chừ (bây giờ) mỗi ngày tôi làm được khoảng 30 nồi hoàn chỉnh”.

Dựa vào những kỹ thuật còn lưu truyền của nghề gốm Trù Sơn đến nay, giới nghiên cứu mỹ thuật -khảo cổ đã từng nhận định Trù Sơn là một trong số làng nghề hiếm hoi lưu giữ nguyên vẹn nhất kỹ thuật chế tác gốm cổ Việt. Tìm hiểu thêm, tôi nhận thấy làng gốm này mang nhiều nét tương đồng những dòng gốm bản địa khác thuộc khu vực Đông Nam Á, nhất là làng gốm Ondong Rossey (tỉnh Kompong Chhnang, Campuchia). Kiểu thức làm gốm cũng đắp con chạch để dựng cốt, đàn ông lấy đất, trộn đất, nung lò, chở đi bán, phụ nữ tạo hình sản phẩm. Làng gốm Trù Sơn từ bao đời qua cũng có mô hình tổ chức giống hệt.

Nguyên cớ khiến chè xứ Nghệ gắn với nồi đất làng Trù Sơn là từ thời gian khó, nồi đất là vật đun nấu dễ sở hữu nhất xứ Nghệ. Gốm Trù Sơn do không nung theo kiểu đốt lò mà chỉ đắp đế, xếp gốm lên trên rồi nung ngoài trời bằng lá bổi như gồi, dành dành, thông, bạch đàn, cuối cùng là rơm. Do vậy gốm chín ở nhiệt độ khá thấp, tạo cốt gốm xốp, không dùng đựng các chất lỏng để lâu (nước dễ bị rút ngấm vào cốt gốm), nhưng nếu sử dụng cho việc nấu, kho, om… thì cực kỳ phù hợp.

Chè tươi khi dùng nồi đất Trù Sơn, nhờ có độ rút nước nên càng sử dụng om chè lâu, cao chè ngấm lại, thẩm thấu trong từng kẽ đất khiến nồi ngày qua ngày thêm đanh chắc, và đượm vị. Khi đem om chè, những tinh hoa trong hương vị chè được đẩy lên tối đa, kết hợp nguồn nước, khoáng chất có sẵn trong nồi đất tạo thành một bản phối nhịp nhàng giữa đất, nước, lửa, không khí và chè.

Hai thứ dân dã: nồi gốm – chè tươi kết hợp tạo thành nét văn hóa “gọi chè” thật riêng của xứ Nghệ. Tổng sản phẩm chè Nghệ An hàng năm chỉ khoảng 2% sản phẩm đến được người tiêu dùng trong nước, thế nên để thưởng được hương chè xứ Nghệ, cách hay nhất là tìm đến miền đất này để dễ dàng hơn trong cảm nhận đầy thi vị của tục “gọi chè”, để thấy được cái “râm ran” mỗi buổi trưa hè mà tình người xứ Nghệ dành cho nhau qua chén chè xanh thương nhớ. (còn tiếp)

Vùng chè đẹp miên man ở Thanh Chương, Nghệ An

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: L.P

Báo Thanh Niên
04.03.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.