Giải quyết các vấn đề về dân sinh

10/12/2015 10:06 GMT+7

Trong hai ngày 8, 9.12, các tỉnh, thành khu vực miền Trung tổ chức họp HĐND nhằm giám sát, thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2015; đồng thời thông qua các chính sách quan trọng gắn với đời sống người dân...

Trong hai ngày 8, 9.12, các tỉnh, thành khu vực miền Trung tổ chức họp HĐND nhằm giám sát, thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2015; đồng thời thông qua các chính sách quan trọng gắn với đời sống người dân...

Quy hoạch nông thôn mới ở Quảng Nam còn bất cập, rập khuôn - Ảnh: H.X.HQuy hoạch nông thôn mới ở Quảng Nam còn bất cập, rập khuôn - Ảnh: H.X.H
Xây dựng nông thôn mới còn “rập khuôn”
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Quảng Nam vào sáng qua 9.12, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh đã nhìn nhận thực tế: chất lượng quy hoạch và đề án sản xuất của từng xã nông thôn mới còn nhiều bất cập. Theo ông Huỳnh Khánh Toàn, không chỉ huy động nguồn vốn còn thấp so với nhu cầu bức thiết về tiến độ hoàn thành các tiêu chí mà vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới chưa được phát huy cao; quy hoạch và đề án có tính rập khuôn.
Chưa kể, một số cán bộ trực tiếp thực hiện chương trình cấp xã còn triển khai sai nội dung, phương án sản xuất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, dẫn đến một số sai phạm phải xác minh xử lý. “Mảng tối” này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực chung của địa phương suốt 5 năm qua, khi xúc tiến triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2011-2015, ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh huy động hơn 700 tỉ đồng, trong đó riêng năm 2015 đã cân đối hơn 300 tỉ đồng. Nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình dự án cũng thu hút được hơn 3.000 tỉ đồng, cùng với hơn 30% nguồn vốn tín dụng hằng năm cho vay phát triển nông nghiệp và nông thôn, chưa kể các khoản đóng góp từ các doanh nghiệp và nhân dân.
Tính đến cuối năm 2015, Quảng Nam dự kiến có khoảng 54/204 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỉ lệ gần 26,5%. Theo UBND tỉnh Quảng Nam, việc phấn đấu tăng từ 3-4% xã đạt chuẩn trong năm 2016 (và nâng tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên gần 30%) là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, địa phương sẽ phải lần lượt giải quyết những bất cập đã xuất hiện liên quan đến mô hình và cán bộ thực thi. Trong hàng loạt mối quan tâm, tỉnh Quảng Nam yêu cầu hạn chế việc huy động quá mức đóng góp của nhân dân. Đặc biệt, không để các xã đã đạt chuẩn phải... tụt hạng, do giảm điểm ở các tiêu chí về an ninh trật tự, văn hóa, môi trường.
Thành lập các thôn, tổ dân phố
Sáng 9.12, HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã khai mạc kỳ họp thứ 11. Trong năm 2015, 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó tăng trưởng kinh tế đạt 9,03%, thu ngân sách tăng 6,3%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11%... Kỳ họp lần này sẽ tập trung thảo luận và thông qua một số nghị quyết quan trọng gắn với dân sinh như: đặt tên đường TT.Phú Lộc và TT.Lăng Cô (H.Phú Lộc); danh mục các dự án, thu hồi đất, các công trình dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng; tiêu chí dự án trọng điểm nhóm C; Sáp nhập, chia tách và thành lập các thôn mới, tổ dân phố mới; bầu kiện toàn ủy viên UBND tỉnh. Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu cho biết HĐND tỉnh sẽ dành thời gian thỏa đáng để thực hiện quyền giám sát thông qua việc chất vấn UBND tỉnh, thủ trưởng các cơ quan liên quan, tập trung vào những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm.
Lo việc làm ở nông thôn
HĐND tỉnh Quảng Bình ngày 9.12 khai mạc kỳ họp thứ 16 để đánh giá một cách toàn diện tình hình kinh tế - xã hội năm 2015. Phát biểu khai mạc, ông Lương Ngọc Bính, Chủ tịch HĐND tỉnh thẳng thắn thừa nhận: Kinh tế - xã hội của tỉnh còn một số hạn chế, tốc độ tăng trưởng và giá trị sản xuất dịch vụ không đạt kế hoạch đề ra; một số chỉ tiêu tuy tăng tưởng nhưng tốc độ còn thấp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Cũng theo ông Bính, tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết thấu đáo, một số mặt thuộc lĩnh vực văn hóa xã hội còn chuyển biến chưa mạnh; giải quyết việc làm cho lao động trong độ tuổi, nhất là ở khu vực nông thôn chưa có nhiều chuyển biến; hiệu lực hiệu quả của bộ máy điều hành chính quyền các cấp còn chưa tốt; sự phối hợp giữa các sở ngành địa phương về giải quyết bức xúc của nhân dân có lúc thiếu chặt chẽ kịp thời. Đây là những vấn đề lớn đòi hỏi HĐND tập trung thảo luận kỹ tìm nguyên nhân và có giải pháp khắc phục có hiệu quả.
Thực phẩm bẩn làm nóng nghị trường
Chiều qua 9.12, kỳ họp thứ 15, HĐND TP.Đà Nẵng bước vào phiên chất vấn với nhiều vấn đề xung quanh đời sống dân sinh.
ĐB Lê Vinh Quang ủng hộ chủ trương xây dựng thêm cầu qua sông Hàn - Ảnh: H.S
ĐB Lê Vinh Quang ủng hộ chủ trương xây dựng thêm cầu qua sông Hàn - Ảnh: H.S
Trả lời câu hỏi về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và việc triển khai công tác này hiện như thế nào, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho hay từ đầu năm đến nay trên địa bàn xảy ra 1 vụ ngộ độc, nhiều năm liền TP không để ngộ độc đông người và chưa phát hiện trường hợp bị ngộ độc do thức ăn nhiễm độc.
Theo báo cáo, tại TP chưa phát hiện thực phẩm nhiễm chất cấm trong chăn nuôi. “Theo báo chí và theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP là thức ăn Đà Nẵng nhập từ các nơi chiếm với 80%. Do vậy, với TP là làm thế nào để giám sát tốt 80% lượng thực phẩm ngoài vào”, bà Yến nói và cho biết về mặt quản lý Nhà nước vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm “thực ra là chưa cụ thể”. Dẫn lại bài báo trên Thanh Niên về gia vị độc hại, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Trần Thọ cho rằng các ngành nên thảo luận kỹ vấn đề này. Ông Thọ chất vấn thêm: “Ông đi mua rượu thì làm sao biết đó là thật hay giả? Có thiết bị gì xác định đó là rượu giả không?”.
Ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương thẳng thắn: “Nói thật, rượu thật giả ngay như tôi cũng chịu, cũng bí”. Theo ông Kha, rất khó phát hiện được rượu giả và “đã cho anh em lùng sục nhưng chưa phát hiện được trường hợp nào”. Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN-PTNT kiến nghị, cần thành lập một đề án kiểm soát liên tỉnh chuỗi cung cấp rau cho Đà Nẵng đồng thời xây dựng chuỗi liên kết sản xuất trên địa bàn.
Vấn đề xây thêm cầu vượt qua sông Hàn đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều tại buổi thảo luận chung HĐND TP.Đà Nẵng vào sáng cùng ngày. Đại biểu Lê Vinh Quang cho rằng việc xây dựng là cần thiết, nhất là trong bối cảnh phương tiện gia tăng và tình hình giao thông TP đã ùn tắc như hiện nay. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, hiện ngân sách TP đang khó khăn nên việc xây dựng cầu qua sông Hàn cần cân nhắc kỹ lưỡng. Theo ông Trần Thọ cần phải tiếp tục nghiên cứu về quy mô, nguồn kinh phí, phương án xây dựng hầm chui hay cầu...
Hoàng Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.