Giới cầm lái và "cuộc đua" thời gian

19/06/2011 14:37 GMT+7

(TNO) Nỗ lực giảm thiểu tai nạn giao thông sẽ vẫn mãi hụt hơi khi có quá nhiều nguyên nhân khó có thể khắc phục, trong đó có áp lực về thời gian của tài xế.

>> Có xe phóng tới 149 km/h trên đường cao tốc Trung Lương
>> Tai nạn trên đường cao tốc, 8 người chết
>> Xe buýt nổ lốp, 1 người chết, 6 người bị thương

Tai nạn giao thông thảm khốc do xe tải, xe khách gây nên xảy ra dồn dập hằng ngày từ đầu năm đến nay, làm nhiều gia đình tan nát, nhiều số phận rơi vào ngõ cụt, đường cùng. Nỗ lực giảm thiểu tai nạn giao thông sẽ vẫn mãi hụt hơi khi có quá nhiều nguyên nhân khó có thể khắc phục, trong đó có áp lực về thời gian của tài xế.

Chân "gỗ" và không biết... đạp thắng

Cung đường TP.HCM về miền Tây Nam bộ vừa nhỏ, hẹp, lưu lượng xe lại đông. Chuyện tai nạn thảm khốc xảy ra là tất yếu khi giới tài xế cứ vô tư phóng.

Nhớ lại khoảng thời gian mình lái xe tải chở cua cho một doanh nghiệp ở Cà Mau, Lê Chí Trung, ngụ phường 1, TP Cà Mau kể: “5 năm cầm lái xe tải chở cua cho chủ, tôi thấy mình gan thật. Từ Cà Mau lên thành phố, họ ra điều kiện phải chạy 4 tiếng rưỡi, trễ lắm cũng là 5 tiếng. Nếu quá thời gian, cua có chết bao nhiêu thì tôi chịu bấy nhiêu. Đó chưa kể việc trễ chợ, tài xế cũng "ôm" hàng luôn".

Theo anh Trung, khi chủ hàng phán thế, tài xế nào nhắm chạy được thì làm, không thì thôi. "Suốt thời gian chạy xe chở cua, hình như chân tôi là… gỗ, không biết đạp thắng xe, cứ leo lên xe là cắm đầu, cắm cổ chạy cho kịp giờ. Trong khi chờ xuống hàng tài xế tranh thủ ngủ rồi lo đánh xe đi nhận hàng ngược về” - anh Trung tâm sự.

Chịu không thấu áp lực về thời gian của chủ hàng, anh Trung vừa mới xin nghỉ việc, ra lái xe ben chở vật liệu xây dựng cho gần nhà.


Xe tải chở hàng tại Cảng cá Cà Mau trong vòng quay thời gian liên tục - Ảnh: Gia Bách

Cũng cùng ý kiến với chia sẻ trên, tài xế Hồng Quốc Thanh, đang chở cá cho một chủ hàng ở phường 8, TP Cà Mau chua xót: “Đúng là chân chúng tôi là gỗ, hầu như không đạp thắng xe. Đoạn đường nào hay có cảnh sát giao thông thì chạy chậm, không có thì tăng tốc bù lại thời gian".

Cung đường Cà Mau - TP.HCM vừa dài nhất trong các tỉnh miền Tây, vừa là nơi đóng đô của những nhà máy chế biến hải sản lớn. Chính vì "món hàng" đông lạnh đặc biệt này mà thời gian giao hàng tính bằng giờ, khiến nhiều tài xế phải chạy bạt mạng.

Suốt thời gian chạy xe chở cua, hình như chân tôi là… gỗ, không biết đạp thắng xe, cứ leo lên xe là cắm đầu, cắm cổ chạy cho kịp giờ

Tài xế Lê Chí Trung (Cà Mau)

Tài xế Nguyễn V. Nh. ngụ xã Lương Thế Trân (Cái Nước, Cà Mau) bộc bạch: “Nếu giao hàng đúng giờ hoặc sớm hơn thì được chủ thưởng, còn không thì anh em tôi phải... ôm sô”.

Một tài xế chuyên áp tải cua, nay đã giải nghệ nhớ lại: “21 giờ tôi còn ở huyện Cái Nước (cách TP Cà Mau 30 km), nhưng chủ giao, trước 5 giờ sáng phải có mặt ở sân bây Tân Sơn Nhất, nếu không đến kịp để xuất hàng đi thì xem như xe cua đó tôi tự giải quyết. Thời điểm đó, đường sá, cầu cống vẫn còn tệ nên cứ lên xe là lúc nào tôi cũng “đạp” 120 km/h”.

Quay vòng đến kiệt sức

Không những phóng nhanh mà vấn đề sức khỏe của giới tài xế chở hàng đông lạnh còn đáng báo động. Anh Mã Tấn Đức, lái xe tải áp tải cá cho biết: "Mỗi ngày, tôi ngủ chừng vài tiếng, thời gian còn lại là ngồi trước vô lăng. Tối 20 giờ áp tải hàng đi thành phố, phải đến chợ đầu mối trước 1 giờ sáng. Xuống hàng xong, phải tranh thủ đi lấy hàng để quay về Cà Mau (bởi sau 6 giờ, thành phố cấm xe tải vào).

Như anh Đức kể, tình trạng mất ngủ triền miên khiến anh luôn mệt mỏi, mất tập trung khi cầm vô lăng. Có lần buồn ngủ quá, anh suýt đâm vào xe khách ngược chiều. Lúc đó, anh đã định bỏ nghề, nhưng không làm thì sao nuôi nổi vợ con.

 Nói vậy chứ cũng đừng đổ lỗi cho nhà xe “quần” mình mệt, không được nghỉ ngơi. Trong giới nên tôi chứng kiến có nhiều tài xế, khi hoàn thành nhiệm vụ, không nghỉ ngơi mà lại tụm lại đánh bài, đổ cá ngựa… đến giờ lại leo lên xe lái. Làm thế thử hỏi sao không ngủ gục được. Thậm chí, có tài xế còn chơi cả hàng trắng nữa.

Một tài xế xin giấu tên

Theo lời của anh Đức, các chủ hàng khuyến khích tài xế càng rút ngắn thời gian càng tốt, đến trước giờ quy định là được thưởng, có khi thưởng “nóng” ngay.

Không chỉ dân ôm vô lăng xe tải chịu áp lực, cả cánh tài xế xe khách cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Anh Tr. V. L. than: “Tài xế nào may mắn lắm thì tìm được việc ở các nhà xe có nhiều đầu xe, chứ còn chỗ nào ít xe, họ “quay” mình kinh khủng lắm. Chúng tôi làm việc bất kể thời gian, chỉ biết chạy “đua” theo từng chuyến. Từ Sài Gòn về, chưa kịp tắm rửa, lại nhận điện thoại, phải quay đầu lên vì khách đăng ký đã đầy xe”.

Lý do mà anh Tr. V. L “bật mí” các nhà xe “quần” tài xế là do bị áp lực về doanh thu, nhiều chủ xe ép tài xế phải chạy nhanh rút ngắn thời gian quay đầu. Nơi anh L. làm cũng thế, vì vốn chủ yếu là tiền vay ngân hàng nên nhà xe phải làm vậy. Khi tuyển tài xế, họ đưa ra mức xử phạt (đều có lợi cho họ) buộc tài xế cam kết phải chạy đúng thời gian mà họ tự đặt ra, nếu không thì “cuốn gói” ra đi.

Khác với anh Tr. V. L.; anh Lê Khắc Vinh cho biết, không chỉ có chủ xe "hành" giờ giấc mà hành khách đa phần cũng đều thúc giục tài xế chạy nhanh. Gặp những đoạn đường hạn chế tốc độ, tài xế chạy đúng thì bị khách rầy, bị nói là: "Xe chạy như rùa, chạy như vậy lần sau không đi nữa vì có nhiều chuyện quan trọng trên thành phố"...

Một tài xế xin giấu tên thì tâm sự: "Nói vậy chứ cũng đừng đổ lỗi cho nhà xe “quần” mình mệt, không được nghỉ ngơi. Trong giới nên tôi chứng kiến có nhiều tài xế, khi hoàn thành nhiệm vụ xong không nghỉ ngơi mà lại tụm lại đánh bài, đổ cá ngựa… đến giờ lại leo lên xe lái. Làm thế thử hỏi sao không ngủ gục được. Thậm chí, có tài xế còn chơi cả hàng trắng nữa". 

Nhiều vụ tai nạn thương tâm

Từ đầu năm 2011 đến nay, nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra khiến nhiều người thiệt mạng oan uổng. Trong đó, trên cung đường miền Tây có hai vụ làm 14 người chết.

Mới đây nhất là vụ xe khách BKS 53S - 2150 tông đuôi xe tải BKS 54S - 3411 trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (địa bàn tỉnh Long An) hôm 13.6 đã làm tổng cộng 8 người chết, trong đó có tài xế xe khách Nguyễn Thanh Liên. Nhận định ban đầu của cơ quan điều tra cho thấy có thể do xe khách chạy nhanh, không làm chủ được tốc độ nên khi xe tải bị nổ vỏ, tài xế đã không kịp xử lý.

Ngày 28.3.2011, xe tải mang biển kiểm soát 54S - 6643 do tài xế Lê Thanh Phong điều khiển chạy hướng Cần Thơ về Cà Mau, đang đổ dốc cầu Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thì lao thẳng vào lề đụng phải nhóm người ở địa phương đang dọn hàng chuẩn bị để buôn bán ở chợ Hiệp Thành. Vụ tai nạn trên làm 6 người chết. Theo điều tra ban đầu thì tài xế ngủ gật nên đã không làm chủ được phương tiện.

Ngoài hai trường hợp nói trên thì vụ tai nạn giao thông vào chiều 30.3 tại địa bàn Thường Tín (Hà Nội) khi đoàn tàu SE8 chạy hướng Nam - Bắc đụng phải xe khách biển số 20L-4564 do tài xế Nguyễn Thế Hùng điều khiển đang trên đường đi ăn hỏi về khiến 9 người chết cũng khiến dư luận bàng hoàng. Điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, tài xế Hùng đã chủ quan vượt đường sắt khi đang nghe điện thoại. (T.Trung)

Gia Bách

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.