Giữ từng mốc giới, đường biên - Kỳ 5: Vượt qua lời nguyền

11/03/2016 09:24 GMT+7

Dịp Tết Mậu Tý 2008, hàng trăm người Mông ở Nghĩa Thuận đã vượt qua lời nguyền, cùng nhau ra rừng canh giữ mốc biên giới, không cho Trung Quốc lấn sang…

Dịp Tết Mậu Tý 2008, hàng trăm người Mông ở Nghĩa Thuận đã vượt qua lời nguyền, cùng nhau ra rừng canh giữ mốc biên giới, không cho Trung Quốc lấn sang…

Ngay sau mốc 450 (Săm Pun, Mèo Vạc), phía đất Trung Quốc là 1 chợ tự phát mọc lên mỗi ngày cuối tuần - Ảnh: Độc LậpNgay sau mốc 450 (Săm Pun, Mèo Vạc), phía đất Trung Quốc là 1 chợ tự phát mọc lên mỗi ngày cuối tuần - Ảnh: Độc Lập
Người Mông vùng núi đá Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang) bao đời nay gìn giữ tập tục ngày lễ tết phải ở nhà cúng ông bà, ra ngoài đường sẽ bị con ma rừng bắt vía. Thế nhưng, dịp Tết Mậu Tý 2008, hàng trăm người Mông ở Nghĩa Thuận đã vượt qua lời nguyền, cùng nhau ra rừng canh giữ mốc biên giới, không cho Trung Quốc lấn sang…
BĐBP Đồn Săm Pun kiểm tra hành chính đối tượng lạ mặt xuất hiện tại biên giới - Ảnh: Độc Lập

Đón Tết bên đường biên
“Đêm 25 tháng Chạp năm Đinh Hợi (12.2.2007), chỉ vài ngày nữa là đến Tết âm lịch Mậu Tý, sương mù trắng xóa, đặc như thể cắt ra và rét đến 2-3 độ. Vợ thấy ta mặc thêm áo khoác đi kiểm tra biên giới, bảo: Rét đến chết cả con trâu, thằng Trung Quốc nào dám ra đường. Nhưng ta phải đi vì chúng nó thâm lắm, hơn cả con cáo trong rừng”, ông Sân Sài Chín (70 tuổi, nguyên Bí thư Chi bộ xã Nghĩa Thuận) kể lại câu chuyện 9 năm trước và vỗ đầu: “Vừa ra tới mốc 5, ta đã nghe thấy lục cục đào bới. Lại gần thấy ngay mấy người Trung Quốc đang hì hục cuốc bỏ lớp mặt đường nhựa phía Việt Nam và trải cấp phối để giống đường Trung Quốc. Ta hét: Sao dám cướp sang tận đây!”…
Những người Trung Quốc chơi trò cờ bạc ngay sát đường biên, ở khu vực thuộc phần đất Trung Quốc - Ảnh: Độc Lập

Thượng tá Hoàng Ngọc Cửu, nguyên Chính trị viên Đồn Biên phòng (ĐBP) Nghĩa Thuận kể: Khu vực mốc 5 thuộc xóm Na Tro Cai, đối diện với thôn Hoàng Thèn (Bát Bố, Ma Ly Pho, Vân Nam) của Trung Quốc. Năm 2001, huyện Quản Bạ - Ma Ly Pho hội đàm thống nhất nối thông đường cửa khẩu để phục vụ nhân dân 2 bên qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa và tiến hành làm đường tới biên giới hiện quản (Trung Quốc làm đường đất, Việt Nam làm đường nhựa). Ngày 8.11.2004, cả hai bên chính thức thông đường qua cửa khẩu mốc 5. Ngày 15.3.2006, trạm Hội ngộ hội đàm Bát Bố (Trung Quốc) gửi thư cho ĐBP Nghĩa Thuận thông báo việc Trung Quốc tiến hành sửa và nâng cấp đường cấp phố (đoạn từ Bát Bố đến mốc 5) và 20.1.2007, công nhân Trung Quốc làm xong đoạn đường. “Sự việc được phát hiện ngay lập tức vì quá trình họ thi công, ta theo dõi chặt chẽ”, thượng tá Cửu nói.
BĐBP Đồn Săm Pun đẩy đuổi các đối tượng tụ tập quanh mốc 456 (Săm Pun, Mèo Vạc) - Ảnh: Độc Lập

“Họ cuốc bỏ đoạn đường của ta và làm đường sang ta khoảng 10m khiến nhân dân cả xã đều phẫn nộ. Ai cũng bảo: Đường biên mốc giới phân chia lù lũ, mà vẫn cố tình ăn cướp”, ông Phan Thông Quyết, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận lắc đầu và rành rọt: “Thời điểm ấy cận Tết nhưng cán bộ xã không nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, dồn hết ra mốc 5 đấu tranh yêu cầu Trung Quốc trả lại nguyên trạng và cùng dân quân canh gác 24/24, không để họ mở rộng thêm. Quá trình đấu tranh tại thực địa lấy thuyết phục là chính, dựa trên cơ sở pháp lý để đấu tranh, không gây căng thẳng phức tạp thêm tình hình”. Liên tục gần 1 tháng sau đó, người dân Nghĩa Thuận thay nhau túc trực ở mốc 5, dựng lán ở, mang nồi nấu cơm để chống lấn chiếm. “Ngày 30, mùng 1 Tết Mậu Tý, khu vực đấu tranh đông vui như hội vì người nhà, bà con đến động viên, tặng quà và tổ chức vui chơi ngày Xuân luôn”, ông Lò Văn Sử, người cao tuổi ở thôn Na Tro Cai (Nghĩa Thuận) móm mém cười: “Ta phản đối quyết liệt nên đầu tháng 3.2008, bên họ phải rút về”…
Hướng dẫn người dân biên giới Hà Giang thực hiện quy chế biên giới - Ảnh: Độc Lập
Huyền thoại 28 năm
Từ Xóm Phín Ủng (Nghĩa Thuận) nằm lọt thỏm dưới thung lũng, phải tụt từ trên đường liên xã Tùng Vài – Nghĩa Thuận - Thanh Vân, đi bộ gần tiếng mới đến nhà anh Giàng Vần Mìn (44 tuổi). Thấy tôi hỏi chuyện cách đây 28 năm, gương mặt rầu rĩ bên bếp lửa chợt sáng bừng: “Ối! Hồi ấy mình báo tin Trung Quốc sắp đánh cho bộ đội đấy”.
Mốc 325 (Nghĩa Thuận, Quản Bạ, Hà Giang), khu vực vị trí mốc 5 cũ, nơi phía Trung Quốc đã định làm đường lấn sang ta - Ảnh: Độc Lập

Lịch sử Bộ đội biên phòng (BĐBP) Hà Giang ghi rõ: Rạng sáng 15.9.1988, lính Trung Quốc bí mật xâm nhập địa bàn Nghĩa Thuận định tiêu diệt tổ công tác biên phòng Phín Ủng. Trong lúc chúng đang triển khai đội hình chiến đấu thì bị 2 anh em Giàng Vần Say, Giàng Vần Mìn (đang đi tìm ngựa lạc) phát hiện. Lính Trung Quốc bắt sống cả 2 nhưng Giàng Vần Mìn vùng thoát, chạy về tổ công tác biên phòng báo tin. Ngay lập tức, 5 chiến sĩ của tổ do trung úy Lưu Đức Hùng chỉ huy đã triển khai đội hình chiến đấu đánh trả. Lính Trung Quốc đang từ thế chủ động chuyển sang bị động và bị thiệt hại nặng do bộ đội ta quen thuộc địa hình. Nghe tiếng súng nổ, Đồn trưởng Hoàng Trọng Phiến dẫn 1 tổ chiến đấu sang chi viện và quyết liệt đánh trả trung đội lính Trung Quốc tràn sang ứng cứu. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, lính Trung Quốc phải vác xác 10 tên, dìu cõng 20 tên bị thương chạy toán loạn về bên kia biên giới và gọi pháo bắn cấp tập vào Phín Ủng hòng ngăn cản sự truy kích của BĐBP…
Xe ô tô và người Trung Quốc tập trung sau mốc 325, chờ người thân xuất cảnh sang Việt Nam - Ảnh: Độc Lập

Trung úy Lưu Đức Hùng của 28 năm về trước nay đã là đại tá, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Hà Giang. Ngồi nói chuyện với tôi về ký ức năm xưa, đại tá Hùng đăm chiêu: “Mình đã tìm kiếm suốt 28 năm nhưng không thấy tung tích của anh Giàng Vần Say. Nếu không có hai anh em Say, Mìn thì chắc chắn cả tổ công tác bị hy sinh và mình không còn sống mà trưởng thành như bây giờ” và bật mí với tôi: “Năm nay, Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường”, nhằm giúp đỡ các học sinh đồng bào thiểu số hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn. Mình nhận đỡ đầu con trai út của Giàng Vần Mìn làm con nuôi và sẽ nuôi dưỡng, chăm sóc cho đến khi cháu học xong PTTH, đi học nghề lâu dài”…
Giàng Vần Mìn chỉ địa điểm Tổ công tác biên phòng suýt bị tập kích sáng 15.9.1988 - Ảnh: Độc Lập

Hỏi: “Muốn con đi học hết cấp không?”, anh Mìn cười hết cỡ: “Mong chúng nó đi học hết cái chữ, để còn làm biên phòng bảo vệ xóm làng” và chỉ 2 cậu bé Giàng Thìn Lùng (14 tuổi), Giàng Thìn Toán (12 tuổi) má đỏ như quả mận hậu, líu lo bên bàn học: “Đứa nào cũng tranh nhau về ĐBP làm con bác Hùng, kể cả lúc đi học, ăn cơm và khi đi ngủ” …
Giàng Vần Mìn kể chuyện chạy về báo bộ đội - Ảnh: Độc Lập

Nhìn 2 đứa trẻ líu ríu, lại nhớ hình ảnh 3 đứa trẻ xóm Na Tro Cai mồ côi, mỗi ngày chơi quanh Trạm Kiểm soát biên phòng Nghĩa Thuận ở cạnh mốc biên giới 325 (xưa là mốc 5) và thượng úy Phạm Hùng (Trạm trưởng), mỗi tuần lại mang túi gạo, mấy gói mì, ít cá khô sang nhà chăm lo cho con trẻ, với nụ cười hiền: “Trẻ con mất bố mẹ tội lắm! Giúp được gì cho chúng nó thì giúp thôi”.
Đại diện BĐBP Hà Giang tặng quà Tết cho trẻ mồ côi tại xóm biên giới Na Tro Cai (Nghĩa Thuận, Quản Bạ)- Ảnh: Độc Lập
Tôi đi dọc biên cương Tổ quốc, không chỉ nghe những câu chuyện giữ đường biên mốc giới mà còn thấy gặp bao nụ hoa hiền, nở tươi thắm tình quân dân và chủ quyền lãnh thổ được vẹn toàn, cũng do những con người ấy…
Do phía Trung Quốc chưa từ bỏ âm mưu, ý đồ lấn chiếm biên giới, nên trong thời gian 1996-2000, họ thường xuyên tổ chức cho dân sang xâm canh, lấn đất của ta, đặc biệt là ở các khu vực tranh chấp, nằm trong đường biên giới chủ trương. Tại nhiều khu vực, Trung Quốc còn cho lực lượng vũ trang hỗ trợ dân họ ngăn cản, đe dọa dân ta đang cư trú, canh tác ở khu vực giáp biên như: Lũng Ly, Lùng Vần Chải, Sảng Mai Sao, Sín Phìn Chư (huyện Mèo Vạc), Mã Tẻn (Hoàng Su Phì), Xín Mần (huyện Xín Mần)…
Cũng từ 1996- 2000, phía Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động xâm phạm chủ quyền sang đất ta, trong đó có hàng trăm vụ xâm nhập vũ trang, xâm canh lấn đấn, di chuyển cột mốc, chôn mồ mả - bia đá sâu vào lãnh thổ ta, điển hình như: Từ 19-26.2.1997, phía Trung Quốc tổ chức gần 200 dân (có lực lượng vũ trang bảo vệ, làm áp lực) tiến hành làm đường sang lãnh thổ của ta ở khu vực Sín Phìn Chư, Lùng Vần Chải (xã Săm Pun, huyện Mèo Vạc), sâu vào đất ta khoảng 250 m; ngày 27.3.1999, phía Trung Quốc huy động khoảng 200 dân xếp tường đá vào lãnh thổ của ta ở khu vực Sảng Mai Sao (Săm Pun) dài khoảng 180m. Sau khi bị ngăn cản, đến ngày 31.3 và 21.4.1999, họ lại tiếp tục huy động dân xếp tường đá sâu vào lãnh thổ ta khoảng 50m tại khu vực này… (Nguồn: BCHBĐBP tỉnh Hà Giang)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.