"Gỡ" bài toán dân số

17/05/2010 23:59 GMT+7

Hội thảo "Phát triển đô thị bền vững" do 3 thành phố Hà Nội - Huế - TP.HCM phối hợp tổ chức hôm qua 17.5 đã phân tích các vấn đề về quy hoạch, quản lý, kinh tế - xã hội và môi trường nhằm hướng tới xây dựng cơ cấu đô thị bền vững.

Các số liệu dự báo cho thấy, dân số đô thị cả nước năm 2015 khoảng 35 triệu người (chiếm 38% dân số cả nước), đến năm 2025 dân số đô thị tăng lên 52 triệu người (chiếm 50% dân số cả nước). Cụ thể hơn là tại TP.HCM - đô thị lớn nhất cả nước, dân số tăng từ 2,5 triệu người vào năm 1975, lên gần 8 triệu người vào năm 2010 và đang hướng tới 10 triệu dân vào 2025.

Các chuyên gia cho rằng, vấn đề dân số (bao gồm số lượng và chất lượng) đã trở thành "mẫu số chung" của nhiều lĩnh vực trong đời sống đô thị hiện đại, đồng thời cũng có thể là "ẩn số" của một số biểu hiện tiêu cực ở đô thị, như ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải nhà ở... (về vấn đề này Thanh Niên đã có loạt bài TP.HCM dưới áp lực tăng dân số, khởi đăng từ ngày 14.5).

Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN - góp ý việc phát triển bền vững đô thị phải trên cơ sở quy hoạch bài bản, xây dựng cơ cấu đô thị hợp lý, xuất phát từ đặc thù của từng đô thị. Còn theo ông Chu Tiểu Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch miền tây Trung Quốc, đặc thù của các đô thị VN là phân chia làm 2 cực, một là các "siêu đô thị" như TP.HCM và Hà Nội phát triển rất nhanh, áp lực dân cư lớn; hai là các đô thị quy mô nhỏ lại có rất nhiều.

Do đó, cần nghiên cứu để hình thành một hệ thống đô thị bố cục hợp lý, thúc đẩy sự phát triển hài hòa của cả khu vực. Một vấn đề khác là các đô thị VN sử dụng không gian chưa cân đối, chỉ mới coi trọng không gian trên mặt đất, chưa nghiên cứu sâu không gian ngầm và tầng không, như thế cũng có thể có những ảnh hưởng không tốt cho phát triển đô thị sau này.

P.Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.