Góp ý của các cựu lãnh đạo phải được phản hồi công khai

30/03/2012 03:10 GMT+7

Phát biểu tại Hội nghị giới thiệu Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 được tổ chức vào sáng 26.3 tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Các cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước đã nghỉ hưu là lực lượng nòng cốt, là chỗ dựa quan trọng để góp phần triển khai thực hiện thành công nghị quyết”.

 
Ảnh: Nguyệt Minh

Theo GS-TS Hoàng Chí Bảo (ảnh), chuyên gia cao cấp, ủy viên Hội đồng lý luận trung ương, để phát huy được “vai trò nòng cốt” nói trên cần có một cơ chế tiếp nhận, phản hồi thông tin xuyên suốt và công khai các ý kiến đóng góp.

Vậy chúng ta cần phải tạo “môi trường, cơ chế” như thế nào để phát huy vai trò lực lượng nòng cốt này, thưa ông?

- GS-TS Hoàng Chí Bảo: Trước hết, phải tạo được môi trường cho các đồng chí đó thể hiện, bằng cách để các đồng chí đó nhập cuộc vào sinh hoạt chính trị chứ không phải chỉ quan sát, tham gia ở ngoài. Ban Chấp hành Trung ương trước nay rất nhiều lần mời các vị lãnh đạo cùng cấp đã nghỉ hưu cùng bàn bạc, thảo luận, tham vấn ý kiến trước khi quyết định những vấn đề lớn, trước khi thông qua các văn kiện, nghị quyết, chính sách quan trọng. Lần này trong tự phê bình và phê bình, các cấp ủy Đảng từ trung ương đến địa phương cũng nên áp dụng cách tương tự, tức là phải mời các đồng chí lãnh đạo cùng cấp đã nghỉ hưu, các đồng chí lão thành cách mạng đến dự các buổi kiểm điểm, phê bình đó, để họ được lắng nghe, góp ý, chia sẻ kinh nghiệm. Phải xem việc làm này là vấn đề bình thường, vượt qua rào cản tâm lý, dẹp bỏ sĩ diện cá nhân.

 
Uy tín, kinh nghiệm, sự chín chắn, bình tĩnh của các vị lãnh đạo tiền nhiệm sẽ giúp cho nội bộ tập thể Đảng bộ, chi bộ đối xử với nhau văn hóa, lành mạnh hơn

Thưa ông, “tạo một môi trường” như ông nói liệu đã đủ “sức nặng” hay chưa, bởi trước nay, ít nhiều đã có tình trạng những ý kiến đóng góp “một đi không trở lại”?

- Điều kiện then chốt nhất là phải công khai thông tin và minh bạch thông tin, bởi đây là một việc làm xuất phát từ động cơ tốt, không có gì phải ngại. Những ý kiến phê bình phải đến được với những người được phê bình và những ý kiến tiếp nhận, tiếp thu cũng phải được phản hồi trở lại với người phê bình, góp ý. Trách nhiệm tạo ra cơ chế tiếp nhận, phản hồi thông tin góp ý, đánh giá như vậy trước hết thuộc về cấp ủy; phải đề cao quy chế trao đổi thông tin thông suốt, có tiếp nhận, có phản hồi hai chiều từ trên xuống, từ dưới lên, từ những người được góp ý và những người góp ý. Người đứng đầu cấp ủy cũng như tập thể cấp ủy phải gương mẫu làm trước, thực hiện trước. Sau sự làm gương của cấp ủy, đảng viên các cấp dưới sẽ noi theo, nhân dân sẽ nhìn vào đấy để đánh giá sự lành mạnh của Đảng.

Cá nhân ông nhìn nhận như thế nào về ý nghĩa, vai trò của lực lượng “nòng cốt” này trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay?

- Phê bình và tự phê bình nếu thực hiện không đúng mực sẽ trở thành ve vuốt, tán dương nhau hoặc là công kích, thóa mạ nhau. Cho nên, sự hiện diện của các đồng chí lão thành cách mạng, các lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu sẽ là sự hỗ trợ về mặt tinh thần, đồng thời cũng là sự đảm bảo để sinh hoạt tự phê bình và phê bình trở nên lành mạnh, đúng mực, trung thực. Uy tín, kinh nghiệm, sự chín chắn, bình tĩnh của các vị lãnh đạo tiền nhiệm sẽ giúp cho nội bộ tập thể Đảng bộ, chi bộ đối xử với nhau văn hóa, lành mạnh hơn. Điều này trở nên hết sức cần thiết ở những nơi vốn đã mất đoàn kết, vốn đã yếu kém.

Nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm UB Đối ngoại của QH Vũ Mão: Cần thể chế việc tiếp nhận ý kiến của các cựu lãnh đạo

Cách thức lấy ý kiến góp ý cụ thể, theo tôi, Ban Chấp hành Trung ương nên tổ chức các buổi họp chuyên đề với sự tham gia của các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước để trao đổi theo chủ đề, ghi nhận ý kiến đóng góp, trên cơ sở các ý kiến đóng góp, xây dựng đó để phục vụ cho công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với các đồng chí trong Ban Chấp hành. Các đồng chí đã kinh qua các cương vị lãnh đạo, giờ đã nghỉ hưu sẽ không bị sức ép nào để không nói ra những điều trung thực, khách quan, đúng và trúng vấn đề với tinh thần xây dựng.

Điểm khác biệt so với những lần góp ý trước đây là trước góp ý về đường lối, chính sách, văn kiện, nghị quyết, còn lần này góp ý với từng con người cụ thể với góc độ lãnh đạo phải là những tấm gương, xem từng người đã xứng đáng là tấm gương cho đảng viên, cấp dưới noi theo chưa, còn điều gì thiếu sót thì nên điều chỉnh, uốn nắn thế nào. Và để những ý kiến đóng góp đó của các đồng chí lãnh đạo đã nghỉ hưu được đảm bảo tiếp thu, cần quy định rõ cơ chế thông tin, phản hồi về kết quả, mức độ tiếp nhận các ý kiến đóng góp đó.

Cách làm khác nữa ngoài sự đóng góp trực tiếp trong các buổi họp chuyên đề ở Ban Chấp hành Trung ương, có thể quy định cơ chế tiếp nhận ý kiến đóng góp của các vị lão thành, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hoặc cấp tương đương ủy viên Trung ương đã nghỉ hưu bằng văn bản. Sau đó có đầu mối tập hợp và phân loại các ý kiến đóng góp chuyển tới các đồng chí được góp ý để tạo tiền đề, cơ sở cho việc thảo luận kiểm điểm tự phê bình và phê bình của các đồng chí lãnh đạo đương nhiệm.

Bảo Cầm (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.