Hà Nội: 6 biện pháp chống tắc đường

20/09/2007 23:02 GMT+7

* TP.HCM: Đề xuất thu phí lưu thông xe cá nhân Tình trạng tắc đường nghiêm trọng tại thủ đô bùng phát từ đầu tháng 9. Có tới 71 điểm, tuyến, nút thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc. Nguyên nhân có nhiều, tuy nhiên, nhìn từ trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội, việc đối phó với nạn tắc đường của lực lượng này còn chậm và bị động.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng tắc đường tăng đột biến từ đầu tháng 9 (nghiêm trọng nhất là từ 10.9 đến nay), theo thượng tá Đào Công Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội, là do đầu năm học, học sinh, sinh viên đổ về Hà Nội nhiều. "Chúng tôi không biết là năm nay sinh viên nhập học vào ngày mùng 10.9. Mọi năm mùng 5.9 sinh viên đã nhập học. Không ai thông báo với chúng tôi điều đó cả. Nên ngày mùng 5.9 chúng tôi đã căng toàn lực lượng để đảm bảo giao thông. Ngày mùng 10.9, sinh viên nhập học, lưu lượng xe quá lớn, chúng tôi hết sức bất ngờ". Ông Hải còn nhấn mạnh: "Hôm 10.9 trời lại mưa nên càng làm tình trạng ùn tắc thêm trầm trọng".

Chính việc không tiên liệu được những sự kiện có tính quy luật nên lực lượng CSGT Hà Nội đã không kịp ứng phó, thêm vào đó là sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các ban ngành trong thành phố cũng không thông suốt nên đến nỗi ông Trưởng phòng CSGT bất ngờ vì lịch nhập học của sinh viên.

Phòng CSGT đã đề ra 6 nhóm giải pháp cấp bách, trong đó có một số giải pháp chủ yếu: CSGT sẽ được trang bị máy bộ đàm để nắm tình hình chung ở các tuyến đường trong khu vực nhằm hướng dẫn hướng đi cho người dân. Trong giờ cao điểm, CSGT được phép không đứng trên bục mà thực hiện điều hòa giao thông một cách chủ động, có thể cho đi 2-3 nhịp đèn rồi mới dừng để tránh ùn tắc ở những ngã ba, ngã tư đèn tín hiệu không hiệu quả. Triển khai phương án phối hợp giữa CSGT và Cảnh sát trật tự, Công an các phường, quận tại các điểm nóng hay ùn tắc. Nếu giờ cao điểm, CSGT không thấy Công an phường ra hỗ trợ, có thể gọi điện báo cáo tổng đài, tổng đài sẽ liên hệ và đôn đốc cán bộ công an từ phường, quận.

Chỉ huy đội từng tuyến, từng khu vực phải có lộ trình kiểm tra hợp lý để phát hiện cán bộ chiến sĩ không có mặt, có mặt không làm việc (phải báo cáo ngay với chỉ huy để đình chỉ công tác), có mặt ở những điểm phức tạp nhất trong giờ cao điểm.

Theo đánh giá của ông Đào Công Hải, khả năng thông xe của các tuyến đường, phố ở Hà Nội hiện đã vượt quá 200% thiết kế. Từ khi chỉ cho mỗi nhà được đăng ký 1 xe máy, 1 km đường bình quân có 500 ô tô và 5.400 mô tô-xe máy tham gia giao thông; sau khi không hạn chế đăng ký xe máy, "mật độ" này đã tăng lên 540 ô tô và 5.900 mô tô - xe máy lưu thông/km đường. Vài tháng gần đây, mỗi tháng Hà Nội có thêm 2.500 ô tô và 15.000 mô tô  - xe máy đăng ký mới. Hà Nội đang quản lýá 1,9 triệu mô tô - xe máy và gần 194.000 ô tô, chưa kể 30% số xe máy đang lưu thông tại Hà Nội là xe ngoại tỉnh và xe của các đơn vị quân đội. Từ năm 1999 đến năm 2006, Hà Nội mới tăng được... 50 km đường, chủ yếu ở các chung cư, khu đô thị mới.

Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.