Hà Nội, Đà Nẵng đang làm gì để tổ chức chính quyền đô thị?

25/12/2020 10:57 GMT+7

Cùng với TP.HCM, các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng cũng đang có những bước triển khai để tiến tới việc tổ chức chính quyền đô thị. Đây được đánh giá là mô hình có nhiều điểm vượt trội.

Dự kiến vào ngày 31.12.2020, TP.HCM làm lễ công bố nghị quyết thành lập TP.Thủ Đức. Bộ máy hành chính cũng đang được sắp xếp để đảm bảo chậm nhất là ngày 1.3.2021 sẽ đi vào hoạt động. Hôm qua (24.12), Bộ Nội vụ phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức phiên làm việc thứ 2 (cũng là phiên làm việc cuối cùng) của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT) tại TP.HCM.

Đà Nẵng: Phân cấp, ủy quyền cụ thể cho chính quyền địa phương quận, phường

Ngoài TP.HCM, Đà Nẵng cũng đang gấp rút để tổ chức mô hình CQĐT ở địa phương này. Theo đó, để chuẩn bị cho việc thực hiện Nghị quyết (NQ) số 119/2020/QH14 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2021) về việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình CQĐT và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng, ngày 9.12 vừa qua, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết đã ký ban hành NQ về việc triển khai NQ 119. Theo đó, từ ngày 1.1.2021, UBND TP.Đà Nẵng sẽ tổ chức rà soát, phân cấp, ủy quyền cụ thể cho chính quyền địa phương ở quận, phường phù hợp với tổ chức quản lý đô thị và khả năng thực tiễn của từng địa phương; có phương thức kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định trong thực thi chính sách, nhiệm vụ tại các quận, phường. UBND TP.Đà Nẵng sẽ chủ động phối hợp với bộ, ngành trung ương xây dựng, trình Chính phủ ban hành và triển khai hiệu quả, đồng bộ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành NQ 119.
Đáng chú ý, với việc tổ chức CQĐT theo hướng chính quyền địa phương ở các quận thuộc TP.Đà Nẵng là UBND quận (không tổ chức HĐND quận) và chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận là UBND phường (không tổ chức HĐND phường), HĐND TP.Đà Nẵng xác định tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng, huyện, xã nhiệm kỳ 2021-2026 gắn với việc triển khai thí điểm tổ chức mô hình CQĐT theo NQ 119.
HĐND TP.Đà Nẵng cũng yêu cầu UBND TP phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành T.Ư tham mưu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình khắc phục những vi phạm theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, nhất là trên lĩnh vực đất đai. Chính quyền TP.Đà Nẵng tổ chức lấy ý kiến nhân dân bằng các hình thức thích hợp; lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành nghị định hướng dẫn bảo đảm cơ chế, chính sách được ban hành đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển TP.Đà Nẵng nhanh hơn, bền vững hơn. Về phía Thường trực HĐND TP.Đà Nẵng sẽ giám sát hoạt động của UBND quận, UBND phường… và sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận và các hoạt động khác theo NQ số 119.
Thời gian qua, để chuẩn bị cho việc thí điểm mô hình CQĐT, Đà Nẵng đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm mô hình tổ chức CQĐT tại Đà Nẵng. Theo Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, TP.Đà Nẵng đã ký văn bản gửi Bộ Nội vụ.
Đà Nẵng là 1 trong 10 địa phương được chọn làm thí điểm thực hiện không tổ chức HĐND tại 7 quận, huyện và 45 phường từ tháng 4.2009 đến tháng 5.2016. Theo đánh giá của HĐND TP.Đà Nẵng, qua thí điểm không tổ chức HĐND, UBND các cấp chủ động, xây dựng và ban hành một số giải pháp chủ yếu thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội bảo đảm duy trì được sự ổn định và phát triển tương ứng như thời kỳ còn HĐND. UBND các huyện, quận, phường vẫn hoạt động ổn định trong tình hình mới, quyền làm chủ của người dân cơ bản vẫn được đảm bảo. Hoạt động của chính quyền các cấp ổn định, thông suốt. Người dân và cộng đồng doanh nghiệp hài lòng với cách thức phục vụ của chính quyền trong việc cung cấp các dịch vụ công…

Mọi mô hình sẽ đều có ưu - nhược

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, việc thí điểm mô hình CQĐT là cần thiết, vì đô thị và nông thôn có những đặc điểm khác nhau, áp dụng mô hình chính quyền thống nhất như nhau sẽ gây khó khăn cho chính quyền khi thực thi công vụ. Việc thí điểm hiện nay đang thực hiện trên 3 khía cạnh: cơ cấu tổ chức chính quyền, thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ của chính quyền. Về tổ chức chính quyền thì thể hiện rõ nhất là việc bỏ HĐND ở một số cấp.
“Tôi cho rằng xu hướng chung là phải thực hiện. Sau này các thành phố khác cũng sẽ thực hiện theo mô hình này thôi, vì chiếc áo thể chế hiện nay đã chật chội với các thành phố. Hiện nay, ở Hà Nội có tranh luận về chức năng, nhiệm vụ của chủ tịch phường, là ông này sẽ hoạt động theo cơ chế thủ trưởng hay cơ chế tập trung, dân chủ. Theo tôi thì vẫn phải thực hiện theo luật. Luật Tổ chức chính quyền địa phương nói là UBND phải hoạt động theo cơ chế tập trung dân chủ, nhưng có vai trò của người đứng đầu là chủ tịch UBND. Chính phủ cũng như vậy, bên cạnh trách nhiệm của chính phủ là trách nhiệm của thủ tướng. Nguyên tắc thì vẫn phải là lãnh đạo tập thể, nhưng vẫn phải có vai trò của người đứng đầu”, ông Dĩnh nêu quan điểm. Để giải quyết vấn đề thẩm quyền hiện nay, các văn bản hướng dẫn thực hiện thí điểm mô hình sẽ phải phân nhiệm rõ cái gì do chủ tịch UBND quyết và cái gì do thập thể quyết. Nhận định về mức độ đổi mới, đột phá của các mô hình đang được thí điểm hiện nay, ông Dĩnh cho rằng chắc chắn mô hình mới sẽ tốt hơn mô hình cũ (sẽ nhanh hơn, nêu cao trách nhiệm của UBND hơn), nhưng có tốt như kỳ vọng hay không thì phải đợi kết quả vận hành thực tế.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, một chuyên gia về thể chế, cho rằng việc thí điểm này có 3 cái được, là bớt hình thức, quy trình nhanh hơn và tiết kiệm được ngân sách (tuy không quá nhiều). Đó là những cái được thấy rõ. Tuy nhiên, cũng sẽ có những vấn đề phát sinh, như nếu bỏ HĐND cấp quận, phường thì thể chế hoá các quyết định của cấp ủy thế nào?
“Đây là cải cách đi ra khỏi mô hình Xô viết. Nguyên tắc của mô hình Xô viết là đã có cấp hành chính thì bắt buộc phải có cấp đại diện. HĐND không phải mang quyền lập pháp hay quyền quyết định như chúng ta hiểu, mà là cơ quan thể chế hoá đường lối của đảng. Nếu vẫn có cấp ủy ở phường, quận, thì Nghị quyết của đảng phải qua HĐND thì mới thành pháp luật, thành thứ người dân phải thực hiện. TP.HCM bỏ cả HĐND cấp quận và TP.Thủ Đức mới thành lập cũng sẽ chỉ có cấp hành chính thôi, như vậy, HĐND thành phố sẽ phải quyết từng việc bé của cấp phường như: cải tạo con ngõ này, xây nhà văn hoá chỗ kia… e rằng không bao nổi, vì quá nhiều việc phải làm. Vậy thì các việc trên có thể sẽ do cơ quan hành chính quyết, nó sẽ gây ra vấn đề nếu chính quyền không khách quan, cá nhân, thiên vị…”, ông Dũng chỉ ra vấn đề.
Theo ông Dũng, mô hình của Hà Nội tương đối chuẩn theo mô hình quốc tế là một nước có 3 cấp chính quyền: chính quyền T.Ư, chính quyền cấp tỉnh và chính quyền địa phương. Các mô hình Mỹ, Nhật, châu Âu đều như vậy. Việc bầu cử HĐND và bầu cử thị trưởng ở các nước là công cụ để xác lập ưu tiên của địa phương, vì người tranh cử phải tìm hiểu xem người dân mong muốn gì nhất, nếu không sẽ thất cử. Nếu chính quyền không có một thiết chế do bầu cử mà có, thì việc xác lập ưu tiên sẽ khó khăn. Việc của quận sẽ do TP.Hà Nội quyết, tức là ưu tiên được xác lập bởi TP.Hà Nội, chưa chắc đã là ưu tiên của quận. Xuống đến cấp phường còn khó khăn hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.