Hà Nội và TP.HCM đề nghị giữ nguyên các sở

28/03/2017 08:42 GMT+7

Khi thảo luận về việc tách nhập các sở, cả hai lãnh đạo Hà Nội và TP.HCM đều đề nghị giữ nguyên hiện trạng.

* H.Bình Chánh chưa đủ tiêu chí thành quận
Chiều 27.3, đoàn giám sát do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu đã làm việc với UBND TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.
Tại cuộc làm việc, nhiều ý kiến quan tâm tới dự thảo nghị định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến, trong đó có nội dung nhiều sở, ngành được đề xuất sáp nhập lại với những quy định cụ thể số lượng cấp phó và bộ máy nhân sự.

tin liên quan

TP.HCM bổ nhiệm 18 giám đốc sở
Trong số 22 Ủy viên UBND TP.HCM là giám đốc các sở ngành, có 18 người được bổ nhiệm tái giữ chức vụ trong nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Phó giám đốc Sở Xây dựng TP Đỗ Phi Hùng cho biết khối lượng công việc mà Sở Xây dựng TP đảm nhận trong thời gian qua rất lớn. Trong 3 năm gần đây, hằng năm Sở Xây dựng thụ lý 70.000 hồ sơ các loại. Theo ông Hùng, khối lượng công việc, nhu cầu của người dân ở TP.HCM rất lớn nhưng biên chế để làm việc lại không tăng, thậm chí giảm.
Khi được ông Uông Chu Lưu đề nghị nêu ý kiến về việc đang có dự thảo sáp nhập Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị, ông Hùng cho rằng cần cân nhắc, khối lượng công việc mà Sở Xây dựng TP đang đảm nhận, quản lý lớn hơn rất nhiều so với địa phương khác.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay liên quan góp ý cho dự thảo sáp nhập một số sở, vừa rồi Bộ Nội vụ cũng làm việc với lãnh đạo Hà Nội và TP.HCM. Trong buổi làm việc này, khi thảo luận về việc tách nhập các sở, cả hai lãnh đạo Hà Nội và TP.HCM đều đề nghị giữ nguyên hiện trạng. Đưa ra ví dụ Sở Kế hoạch - Đầu tư, ông Phong cho hay với lộ trình thành lập 50.000 doanh nghiệp mỗi năm, từ đây đến năm 2020, trung bình sở này phải thành lập hơn 4.100 doanh nghiệp mỗi tháng. Theo ông Phong, với khối lượng công việc nhiều như vậy, nếu nhập lại các sở sẽ không đảm đương, bao quát hết công việc.
Ông Phong cũng lo ngại nếu nhập sở Xây dựng, Giao thông vận tải, Quy hoạch - Kiến trúc thì sở mới lập sẽ trở thành siêu sở.
Liên quan đến dự thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho hay đã có 54/63 tỉnh, thành góp ý thì có 46 địa phương đồng ý kế hoạch của dự thảo và 44 địa phương đồng ý sáp nhập các sở Xây dựng, Giao thông vận tải, Quy hoạch - Kiến trúc. Ông Thăng cho hay cần lấy ý kiến kỹ dự thảo bởi có khi ý kiến số đông cũng chưa phải là hợp lý.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng ngạc nhiên trong cuộc làm việc với UBND H.Bình Chánh, lãnh đạo huyện này cứ xin đưa Bình Chánh lên quận; nếu không lên được quận thì đề nghị một số xã có cơ chế của phường. Ông Thăng cho hay trong luật Tổ chức chính quyền địa phương thì TP trực thuộc T.Ư có thị xã. Vậy tại sao Bình Chánh không đề xuất lên thị xã bởi mô hình thị xã có phường và có xã. Trả lời Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho hay, đó là đề nghị của UBND H.Bình Chánh, nhưng sau khi xem xét, UBND TP thấy H.Bình Chánh chưa đủ tiêu chí để lên quận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.