Hàng loạt dấu hiệu sai phạm trong vụ phá 575 ha rừng ở Bình Phước

14/08/2016 00:00 GMT+7

Công an bước đầu phát hiện một số sai phạm nghiêm trọng của cơ quan chức năng tại tỉnh Bình Phước

Liên quan đến phản ánh của Báo Thanh Niên, ngày 13.8, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an cho biết, qua điều tra, bước đầu C49 phát hiện một số sai phạm nghiêm trọng của cơ quan chức năng tại tỉnh Bình Phước.

tin liên quan

Phá 575 ha rừng để... chăn nuôi
Hơn 575 ha rừng tại tiểu khu 69 - Nông lâm trường Bù Đốp (H.Bù Đốp, Bình Phước) vừa được UBND tỉnh cho phép chuyển đổi sang thực hiện “dự án chăn nuôi kết hợp trồng rừng”.
Theo C49, Công ty TNHH MTV cao su Sông Bé (gọi tắt Công ty cao su Sông Bé) chưa thực hiện các thủ tục pháp lý về môi trường và lập dự án trình các cơ quan chức năng phê duyệt nhưng Sở NN-PTNT đã cấp phép khai thác rừng tự nhiên để khai thác tận dụng lâm sản tại khoảnh 1 tiểu khu 69, vi phạm về trình tự thủ tục cấp phép khai thác rừng theo quy định của pháp luật. Khi phát hiện sai phạm, C49 đề nghị Sở NN-PTNT dừng dự án, yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan để làm rõ. Ngoài ra, C49 cũng sẽ tiếp tục làm rõ những vụ phá rừng trước đây tại Bình Phước.
Theo thông tin ban đầu, năm 2009, UBND tỉnh Bình Phước chấp thuận bàn giao cho Công ty Savibico (sau đổi tên thành Công ty CP đầu tư phát triển Sài Gòn - Bình Phước) thuê đất lâm nghiệp để thực hiện “dự án chăn nuôi và chế biến” trên diện tích 1.022 ha. Nhưng do Savibico chậm triển khai dự án nên năm 2013, UBND tỉnh Bình Phước thu hồi dự án. Đến năm 2015, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương giao 575,206 ha đất thu hồi từ Savibico cho Công ty cao su Sông Bé triển khai thực hiện dự án chăn nuôi kết hợp trồng cao su. Ngày 19.4.2016, Sở NN-PTNT Bình Phước ký quyết định cấp phép cho Công ty cao su Sông Bé khai thác tận dụng lâm sản trong khi công ty này chưa lập hồ sơ dự án chăn nuôi kết hợp trồng cao su.
Đáng chú ý, thời điểm này mặc dù Công ty cao su Sông Bé không có ngành nghề chăn nuôi nhưng cơ quan chức năng sở tại vẫn cấp phép cho công ty này thực hiện dự án.
Điều đáng nói, sau khi phát hiện sai phạm này, thay vì yêu cầu tạm ngưng thực hiện dự án thì ngày 5.8.2016, UBND tỉnh Bình Phước đồng ý cho Công ty cao su Sông Bé phối hợp với đơn vị khác có ngành nghề chăn nuôi, năng lực để thực hiện dự án và báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết theo quy định (!?).
Đáng nói hơn, theo giấy phép cấp khai thác tận thu lâm sản từ ngày 19.4.2016 đến 30.6.2016 là chấm dứt nhưng Công ty cao su Sông Bé vẫn ngang nhiên khai thác đến đầu tháng 8.2016, khi Thanh Niên phản ánh thì mới chính thức tạm ngưng.
Ngoài ra, theo quy định, khi bàn giao dự án này cho Công ty cao su Sông Bé lẽ ra phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cho Bộ TN-MT phê duyệt mới được cấp phép triển khai.
Mặc dù Công ty cao su Sông Bé không xuất trình được báo cáo trên nhưng Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước vẫn “ưu ái” cấp phép cho công ty “phá rừng” bất chấp tuyên bố đóng cửa rừng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.