Hàng trăm héc ta cao su “vô chủ” trồng trái phép trên đất rừng

14/05/2021 05:07 GMT+7

Câu chuyện khó tin này đang diễn ra tại lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch, H.Chư Prông (Gia Lai).

Cụ thể, tại 9 tiểu khu do ban này quản lý, có gần 360 ha rừng và đất rừng bị một số doanh nghiệp chặt phá, lấn chiếm. Trong số này có khoảng 200 ha cao su đã được trồng trái phép trên đất rừng từ khoảng 10 năm trở lại đây. Số cây cao su này được trồng trên nhiều khoảnh rừng và đã được khai thác trái phép. Hiện cây cao su đã có đường kính gốc khoảng 30 cm.

Hàng trăm ha cao su 10 năm tuổi trồng trái phép trên đất rừng

Ngày 12.5, có mặt tại hiện trường, chúng tôi thấy hầu hết cao su đã được mở miệng cạo với dấu vết khai thác khá lâu. Trên hầu hết các thân cây đặt chén để hứng mủ, chứng tỏ mọi việc vẫn diễn ra công khai. Trong khi đó, lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch vẫn không biết chủ rừng cao su là ai.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng ban, nói với PV Thanh Niên: “Diện tích cao su trái phép này được trồng ngay cạnh diện tích cao su trên đất rừng nghèo theo chủ trương Chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su giai đoạn 2008 - 2010. Hiện công an đã vào cuộc và chúng tôi đang chờ kết quả điều tra. Chúng tôi cũng không rõ cao su này là của ai”.

Hàng trăm ha cao su 10 năm tuổi trồng trái phép trên đất rừng

Chậm điều tra xử lý

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Gia Lai, trong giai đoạn 2008 - 2018, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch đã để cho nhiều đối tượng chặt phá, lấn chiếm hơn 1.200 ha đất rừng. Song ban chỉ lập biên bản vi phạm hơn 62 ha; kiến nghị xử lý hình sự 7 vụ, 18 đối tượng. Số còn lại chỉ xử lý hành chính, buộc trồng lại rừng. Số diện tích lớn còn lại bị lấn chiếm, trồng cây trái phép, thì chủ rừng... bó tay!
Sau khi Thanh tra tỉnh Gia Lai vào cuộc và có kết luận năm 2019, vụ việc được chuyển cho cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định. Nhưng từ đó đến nay mọi việc vẫn đang được tiến hành và chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng chiếm đất, phá rừng trồng cây. Sai phạm này, Thanh tra tỉnh Gia Lai cũng chỉ rõ thuộc trách nhiệm của hai trưởng ban là bà Nguyễn Thị Hương và ông Phan Quốc Huy. Cả hai đã bị cơ quan công an khởi tố để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Riêng diện tích rừng bị phá, lấn chiếm nói trên, các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được đối tượng vi phạm. Khoảng hơn 200 ha diện tích cao su được trồng ngay hàng thẳng lối nói trên chứng tỏ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép được diễn ra công khai, kéo dài nhưng chủ rừng đã bất lực.
Tại nhiều diện tích rừng bị lấn chiếm trái phép, hiện đã phủ dày cây nông nghiệp, cao su. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, các chủ vườn cao su đã chối bỏ vì sợ trách nhiệm. Sau một thời gian, họ tiếp tục khai thác mủ cao su. Diện tích cao su xen lẫn với những khoảnh rừng còn sót lại gây không ít khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Theo điều tra của chúng tôi, một số người dân ở các xã lân cận được thuê đến để khai thác mủ cao su. Nhiệm vụ của họ là đến các vườn cao su này từ khoảng
3 giờ sáng, cạo xong chờ đến gần trưa thì đi đổ mủ và giao cho một số cá nhân đứng ra thu gom mủ. Một người cạo mủ trong số này cho biết rằng họ chỉ cạo thuê lấy tiền, còn chủ thực sự là ai thì họ không rõ.
Ông Nguyễn Vũ Tú, Chủ tịch UBND H.Chư Prông, nói: “Việc chậm điều tra, xử lý vụ việc khiến địa phương gặp khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Chúng tôi mong cơ quan chức năng làm rõ vụ việc, xử lý những trường hợp sai phạm để có cơ sở thu hồi lại toàn bộ diện tích bị lấn chiếm, khôi phục lại màu xanh cho rừng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.