Hàng trăm ngàn người được sơ tán an toàn

26/12/2017 07:30 GMT+7

Hôm qua, công tác phòng chống bão số 16 được triển khai ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là khu vực ĐBSCL.

[VIDEO] Bữa cơm, giấc ngủ nặng lo âu trong ngày trốn bão Tembin
Ngày 25.12, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến kiểm tra công tác phòng chống bão tại các tỉnh ĐBSCL.
Bạc Liêu sơ tán gần 400.000 người
Tại H.Trần Đề (Sóc Trăng), Phó thủ tướng thị sát công tác kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu vào nơi trú ẩn an toàn; chỉ đạo, động viên lực lượng tham gia phòng chống bão... Báo cáo với Phó thủ tướng, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết toàn tỉnh đã có 667 tàu, thuyền vào bờ an toàn, 167 tàu, thuyền đã neo đậu tại Côn Đảo; công tác di dời dân cơ bản đã hoàn thành theo kế hoạch với khoảng 27.000 người được sơ tán đến nơi an toàn. Rời H.Trần Đề, Phó thủ tướng đến thăm bà con ở xã Vĩnh Hải (TX.Vĩnh Châu, Sóc Trăng) đang sơ tán tránh bão.
Chiều cùng ngày, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến Bạc Liêu kiểm tra công tác ứng phó, phòng chống bão. Báo cáo với Phó thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung cho biết tỉnh đã sơ tán trên 382.000 người dân đến các điểm trường, nhà văn hóa, trụ sở UBND xã, phường trú tránh an toàn. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến kiểm tra công tác phòng chống bão tại khu vực công trình Điện gió Bạc Liêu (TP.Bạc Liêu); kiểm tra công trình kè, công tác di dân tại khu du lịch cửa biển Nhà Mát (P.Nhà Mát, TP.Bạc Liêu) và kiểm tra khu neo đậu tàu thuyền trú bão dọc theo tuyến kênh 30/4 (P.Nhà Mát).
Cũng tại tỉnh Bạc Liêu, từ sáng 25.12, hàng ngàn người dân nghèo sinh sống ven đê biển và khu vực rừng phòng hộ sung yếu thu gom đồ đạc, quần áo để đi tránh bão. Tại điểm Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm (TP.Bạc Liêu), chỉ trong buổi sáng cùng ngày đã có hàng ngàn người già, trẻ em ở tạm kín 20 phòng học. Tại H.Đông Hải (Bạc Liêu), từ sáng sớm người dân gấp rút chằng chống nhà cửa. Đến 15 giờ ngày 25.12, H.Đông Hải đã tổ chức sơ tán trên 70.000 người về 29 trường học, 2 nhà chùa, 1 nhà thờ, các xã, trạm y tế và các điểm trường trên địa bàn.
Đến 8 giờ 30 cùng ngày nhiều người vẫn tiếp tục di tản khỏi H.Tân Phú Đông (Tiền Giang) Ảnh: Phạm Hữu
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre, đến 14 giờ cùng ngày, các địa phương trong tỉnh đã sơ tán hơn 41.000 người dân đến nơi tránh bão an toàn. Từ sáng sớm, tại H.Tân Phú Đông (Tiền Giang), hàng ngàn người dân rời khỏi nhà đi tránh bão tại các trường học, trung tâm văn hóa... Ông Phạm Văn Lực, Giám đốc Trung tâm y tế H.Tân Phú Đông, cho biết tại các điểm tránh bão người dân đều được phục vụ thức ăn tại chỗ. Theo UBND xã Phú Tân (H.Tân Phú Đông), đến 12 giờ, xã đã sơ tán gần 2.000 người.
Còn ở TT.Sông Đốc (H.Trần Văn Thời, Cà Mau), sáng 25.12, hàng ngàn căn nhà lợp mái lá sơ sài được tháo dỡ đề phòng xảy ra sự cố. Nhiều người dân được sơ tán đến nơi an toàn. Chiều cùng ngày, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đến đây kiểm tra công tác phòng chống bão. Theo báo báo của địa phương, tính đến 16 giờ cùng ngày, còn 37 tàu, với 220 người còn ở trên biển. Đáng lưu ý, tại Bạc Liêu, có 3 tàu với 17 người đã nhận thông báo nhưng không vào tránh bão. Lực lượng biên phòng tiếp tục kêu gọi.
Mua lương thực dự trữ
Ngày 25.12, các địa phương của tỉnh Cà mau đều căng mình chống bão. Tại cửa biển Rạch Gốc (H.Ngọc Hiển), từ sáng sớm, rất đông người dân đến chợ mua lương thực dự trữ, mua dây chằng chống nhà cửa. Đến 13 giờ cùng ngày, người dân H.Ngọc Hiển vẫn tiếp tục sơ tán. Ông Phạm Công Chức, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Tân Ân, H.Ngọc Hiển, thông tin đơn vị đã tiếp nhận khoảng 200 người dân đến tránh bão. Bà con được hỗ trợ ăn uống, thuốc men... trong thời gian tạm trú tại đây.
Cuối giờ chiều 25.12, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết đến 17 giờ ngày 25.12, tỉnh đã kêu gọi được 3.320 tàu với trên 21.000 người vào tránh bão an toàn. Hiện có 145 tàu với 1.034 người tránh trú tại Malaysia và Thái Lan. Tỉnh đã thực hiện chằng chống 89.361/104.074 nhà thuộc diện phải chằng chống. Đến tối qua, tỉnh sơ tán khoảng 56.000 người.
Trưa 25.12, UBND tỉnh Trà Vinh có văn bản chỉ đạo cho toàn thể cán bộ, nhân viên của tỉnh nghỉ từ trưa 25 đến 26.12. Các lực lượng chức năng của tỉnh này di dời hơn 3.000 người dân và kêu gọi tàu thuyền vào bến neo đậu an toàn. UBND TP.Cần Thơ thì phát đi văn bản yêu cầu giám đốc sở, thủ trưởng ban ngành TP, lãnh đạo cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn, chủ tịch UBND quận, huyện và đề nghị giám đốc công ty, doanh nghiệp cho phép nữ công chức, viên chức, người lao động có con nhỏ đang công tác tại đơn vị mình được nghỉ làm việc từ chiều 25.12 đến hết ngày 26.12.2017 để chăm con.
Bão số 16 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, lúc 22 giờ ngày 25.12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,5 độ vĩ bắc; 107,2 độ kinh đông, ngay gần khu vực Côn Đảo. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 7 - 8 (50 - 75 km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây và suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới, tốc độ di chuyển 15 - 20 km/giờ, đến 10 giờ ngày 26.12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,7 độ vĩ bắc; 104,5 độ kinh đông, ngay trên vùng biển Cà Mau - Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50 km/giờ), giật cấp 8.

Trong 12 - 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng tây và suy yếu thành một vùng áp thấp, tốc độ di chuyển khoảng 20 km/giờ, đến 22 giờ ngày 26.12, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 8,9 độ vĩ bắc; 102,2 độ kinh đông, trên khu vực vịnh Thái Lan, cách Thổ Chu khoảng 140 km về phía tây tây nam. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).
Trong đêm 25.12, vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm bão đi qua cấp 7 - 8, giật cấp 9.
Trên đất liền các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau có gió giật cấp 6 - 7, các khu vực khác trên đất liền Nam bộ có gió giật cấp 6, các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoàn lưu phía bắc bão số 16 kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận (bao gồm cả đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9; sóng biển cao từ 3 - 5 m.
Do ảnh hưởng của bão số 16, ở Nam bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to; các tỉnh nam Trung bộ và trung Trung bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2 - 3 ngày. Từ đêm 26.12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra bắc Trung bộ và Bắc bộ.
(Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.