Hàng trăm tiểu thương 'gõ cửa' Bí thư, Chủ tịch tỉnh để phản đối sáp nhập chợ

11/08/2015 19:58 GMT+7

(TNO) Hôm nay 11.8, hàng trăm tiểu thương kéo đến tập trung gần trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu gặp Bí thư Tỉnh ủy Võ Kim Cự và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn để bày tỏ những khó khăn, bức xúc về việc sáp nhập chợ Kỳ Anh cũ vào chợ thị xã Kỳ Anh mới.

(TNO) Hôm nay 11.8, hàng trăm tiểu thương đã kéo đến tập trung gần trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu gặp Bí thư Tỉnh ủy Võ Kim Cự và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn để bày tỏ những khó khăn, bức xúc về việc sáp nhập chợ Kỳ Anh cũ vào chợ thị xã Kỳ Anh mới.

 Công an lập hàng rào tại các tuyến đường chính ra vào trụ sở Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tĩnh - Ảnh: Nguyên Dũng
Có mặt tại hiện trường chiều nay 11.8, phóng viên Thanh Niên Online ghi nhận có khoảng 200 tiểu thương chợ Kỳ Anh tập trung tại đường Nguyễn Thiếp, gần trụ sở Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tĩnh, yêu cầu gặp ông Võ Kim Cự, Bí thư Tỉnh ủy và ông Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh.
Cả 3 tuyến đường chính dẫn vào trụ sở của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tĩnh gồm đường Nguyễn Thiếp, Lý Tự Trọng và Nguyễn Chí Thanh đều có hàng rào và xe công vụ chắn ngang.
Bà Đậu Thị Bích (62 tuổi, tiểu thương chợ Kỳ Anh) cho biết bà và những tiểu thương đại diện cho hơn 500 tiểu thương chợ Kỳ Anh đang trong tình cảnh khó khăn kể từ khi bị yêu cầu di dời, sáp nhập từ chợ Kỳ Anh cũ vào chợ thị xã Kỳ Anh mới. Theo bà Bích, vì chợ mới cách xa chợ cũ khoảng 3 km, lại xa khu dân cư, vị trí buôn bán không thuận lợi, giá thuê ki ốt cao nên các thương không đồng tình với việc di dời, sáp nhập chợ.
“Chúng tôi đã có ý kiến lên cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết nhưng không được nên hôm nay kéo ra đây để gặp Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh để đòi quyền lợi”, bà Bích nói.
Ông Trần Văn Xuân (58 tuổi, tiểu thương chợ Kỳ Anh) cho hay, ngay từ khi có chủ trương xây dựng chợ mới thị xã Kỳ Anh để di dời, sáp nhập chợ Kỳ Anh cũ, các tiểu thương không được lấy ý kiến và cơ quan chức năng cũng không tổ chức bất cứ một cuộc họp nào để giải thích cho tiểu thương hiểu về mặt chủ trương, chính sách.
“Nay chợ mới hoàn thiện, UBND thị xã Kỳ Anh mới tổ chức họp dân và yêu cầu tiểu thương phải di dời, sáp nhập chợ cũ vào chợ mới nên chúng tôi bị động, lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan”, ông Xuân nói.
Hàng trăm tiểu thương chợ Kỳ Anh cũ kéo đến gần trụ sở Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu được gặp Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh - Ảnh: Nguyên Dũng
Ông Nguyễn Bích Duy, tiểu thương chợ Kỳ Anh cũ, bức xúc: “Hàng trăm tiểu thương buôn bán ở chợ Kỳ Anh cũ hơn đã 30 năm nay nhưng việc tổ chức di dời chợ cũng cũng không được cơ quan chức năng thông báo ngay từ đầu. Điều này khiến chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm và bị động”.
Ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, cho biết việc di dời, sáp nhập chợ Kỳ Anh cũ vào chợ thị xã Kỳ Anh mới là phù hợp với quy hoạch tổng thể của thị xã Kỳ Anh và đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt.
“Việc sáp nhập chợ để từng bước chỉnh trang đô thị. Ngoài ra, vì chợ cũ đã xuống cấp, diện tích nhỏ, chỉ khoảng 8000 m2, không đảm bảo các tiêu chí của chợ thị xã, nhất là tiêu chí về công tác an toàn cháy nổ nên cần thiết phải sáp nhập”, ông Hà nói.
Cũng theo ông Hà, dự án xây dựng chợ thị xã Kỳ Anh mới do công ty TNHH xuất nhập khẩu Châu Tuấn làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 170 tỉ đồng và đây là dự án được triển khai theo hình thức xã hội hóa.
“Quy mô chợ mới là chợ hạng 1, hiện đại, đáp ứng đủ các tiêu chí của chợ ở một thành phố trong tương lai”, ông Hà giải thích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.