Hiệp hội bệnh viện tư nhân muốn có đại diện làm Thứ trưởng Y tế

30/11/2017 20:16 GMT+7

Hiệp hội Bệnh viện tư nhân vừa đưa ra kiến nghị cần có đại diện của hiệp hội này tham gia bộ máy quản lý của ngành y tế các cấp.

Chiều 30.11, buổi tọa đàm với chủ đề “Kiến tạo môi trường cho y tế tư nhân phát triển, nhìn từ chính sách" đã được tổ chức. Nhiều ý kiến của đại diện các bệnh viện, phòng khám gay gắt chỉ ra các phân biệt đối xử y tế công - tư.
20 năm chưa được xếp hạng
Ông Phạm Văn Học, Chủ tịch HĐQT Bệnh viện đa khoa T.Ư Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết: trong những năm vừa qua, Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế đã có nhiều cơ chế chính sách cho y tế tư nhân phát triển nhưng chưa đủ mạnh để họ thực sự phát triển. Ở các nước Mỹ La Tinh và Châu Á, y tế tư nhân chiếm 20 - 30%, Anh (10%), Thái Lan (24%), Ấn Độ (93%)... Ở Việt Nam, tỷ lệ y tế tư nhân rất thấp, chiếm 5,4%.  Có tỉnh như Tuyên Quang không có bệnh viện tư nhân nào. Tỷ lệ y tế tư nhân ở Việt Nam đang thấp nhất trong khu vực và trên thế giới. Ông Học cho biết thêm, theo luật Khám chữa bệnh năm 2009, hệ thống khám chữa bệnh chia làm 4 hạng để tính suất đầu tư, cơ cấu bộ máy: tuyến xã, huyện, thành phố, trung ương… "Bây giờ có nhiều bệnh viện tư nhân nhưng không biết ở hạng nào vì chưa có quy định xếp hạng với bệnh viện tư”, ông Học nói.
“Nhân lực bệnh viện tư không được quan tâm đào tạo như bệnh viện công lập. Nhiều chương trình đào tạo có kinh phí của Nhà nước nhưng chỉ có cơ sở công lập mới được tham gia, còn các cơ sở tư nhân, bệnh viện tư nhân không được quan tâm. Hoặc nhiều tổ chức phi chính phủ muốn hỗ trợ cơ sở vật chất cho các bệnh viện tư nhân, nhưng cơ chế để bệnh viện tư nhân được nhận hỗ trợ thì hầu như không có, mà chỉ có đầu tư cho các cơ sở của Nhà nước”, Bà Nguyễn Thị Quang Hiền, Phó chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân bất bình.

tin liên quan

Cả nước có 170 bệnh viện tư
Ngày 21.3, tại Đà Nẵng, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân VN tổ chức hội nghị, nhằm tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các bệnh viện là hội viên để kiến nghị các bộ, ngành T.Ư nghiên cứu giải quyết tháo gỡ.
Còn Bà Trương Thị Màu, Trưởng phòng khám đa khoa Lương Điền (Thanh Hóa) nêu bất cập: tại điểm B khoản 3 điều 3 thông tư 43, Bộ Y tế quy định phòng khám đa khoa tư nhân tuyến huyện tương đương với tuyến 3. Còn đối với tuyến xã chỉ được phân tuyến 4 (tương đương với trạm y tế -NV). Tuy nhiên tuyến xã chỉ được điều trị nội trú cấp cứu 3 ngày. "Điều này tạo ra bất cập bởi phòng khám đa khoa tư nhân đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng bác sĩ hơn hẳn trạm y tế bình thường nhưng không được điều trị cho bệnh nhân cấp cứu thời gian như trạm y tế. Trong khi thực tế, trạm y tế ngay bên cạnh phòng khám đa khoa tư nhân, điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, ô xy thở, thuốc men nhiều khi không có còn phải chạy sang phòng khám đa khoa tư nhân mượn để đối phó với đoàn kiểm tra, nhưng thời gian điều trị cấp cứu lưu trú ở trạm này lại được lâu hơn phòng khám đa khoa tư nhân. Nếu xét về thực lực, phòng khám đa khoa tư hơn hẳn trạm y tế, nhưng cơ chế, chính sách để hoạt động đôi khi lại không bằng trạm y tế”, bà Màu nêu rõ.
Nên có ít nhất một thành viên của khối bệnh viện tư nhân làm Thứ trưởng
Tại tọa đàm, các đại biểu đề nghị cần sớm có chính sách “cởi trói” và công bằng hơn cho y tế tư nhân so với y tế công lập. Đáng lưu ý, đại diện Hiệp Hội bệnh viện tư nhân, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam kiến nghị, Bộ Y tế sớm ban hành chủ trương cho phép chuyển đổi bệnh viện công lập thành bệnh viện tư nhân khi hoạt động không hiệu quả. Đặc biệt, tại tọa đàm, trong báo cáo của hiệp hội đưa ra kiến nghị: “Khi đã xem y tế tư nhân là một thành phần cấu thành nên hệ thống y tế thì cần thiết phải có đại diện của các bệnh viện tư nhân trong hệ thống quản lý y tế. Để thực sự tương xứng, nên có ít nhất một thành viên của khối bệnh viện tư nhân tham gia vào vị trí Phó giám đốc sở y tế (quy mô tỉnh, thành phố) hoặc Thứ trưởng Bộ Y tế (quy mô Bộ Y tế)”.

Trước ý kiến của các đại biểu tại diễn đàn cho rằng, sau 20 năm thực hiện, chủ trương của Chính phủ về xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, hiện tại hệ thống y tế tư nhân, trong đó các bệnh viện công vẫn gặp các trở ngại trong quá trình hoạt động, Bà Phan Thị Hải, Phó Trưởng phòng Quản lý hành nghề Khám chữa bệnh, Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế cũng thừa nhận, hiện chưa có cơ sở pháp lý để phân hạng bệnh viện tư nhân. "Lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu, ngay trong tuần sau sẽ có cuộc họp do đích thân Bộ trưởng chủ trì để bàn các giải pháp giúp bệnh viện tư nhân có các điều kiện hoạt động thuận lợi hơn. Còn các chính sách liên quan đến đào tạo chúng tôi sẽ báo cáo lại lãnh đạo bộ hoặc các anh chị có thể tổng hợp các kiến nghị, đề xuất gửi lên", bà Hải nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.