Hòa giải bất thành vụ cá chết

23/06/2016 06:18 GMT+7

Buổi hòa giải đầu tiên do Chánh án TAND TP.Vũng Tàu Nguyễn Văn Sơn trực tiếp chủ trì để giải quyết vụ kiện 14 doanh nghiệp xả thải làm chết cá trên sông Chà Và hôm qua đã không đạt kết quả.

Nguyên đơn yêu cầu bồi thường
Đại diện cho các luật sư nguyên đơn và người dân nuôi cá trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu) bị thiệt hại, luật sư Hoàng Long Hà yêu cầu các doanh nghiệp (DN) xả thải độc hại phải bồi thường cho người dân. Luật sư Hà khẳng định: “Việc thiệt hại là có thật, phía nguyên đơn sẽ chứng minh thiệt hại, xác định nguyên nhân dẫn đến thiệt hại để các DN bồi thường”.
Theo luật sư Hà, trong tháng 9.2015, cá nuôi lồng bè của 33 hộ dân trên sông Chà Và chết hàng loạt nên các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Từ khi có thiệt hại, các cơ quan chức năng đã tham gia lấy mẫu từ lòng sông, cửa miệng cống số 6... Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng khẳng định nguyên nhân chính khiến cá chết là do các DN xả thải gây nên.
Con số thiệt hại (tổng cộng hơn 18 tỉ đồng) mà 33 hộ dân đưa ra dựa vào chứng cứ trong hồ sơ, gồm hợp đồng mua bán cá giống, thức ăn... mà người dân đã kê khai ngay sau khi đợt cá chết đầu tiên xảy ra dưới sự chủ trì của cơ quan chức năng.
Đại diện một luật sư phía nguyên đơn khẳng định theo phương pháp tính toán để đưa ra kết luận bồi thường thì DN nào xả thải nhiều phải bồi thường nhiều. Các DN phải chịu trách nhiệm về mức độ xả thải và đề nghị các DN chấp nhận yêu cầu của người dân.
Bị đơn… cố cãi
Trong khi đó, ông Phan Văn Lộc (chủ DN tư nhân Phúc Lộc) cho rằng cá nuôi lồng bè chết là “do mưa” và khẳng định chỉ hỗ trợ người dân chứ không bồi thường. Ông này còn “đề nghị cho thành lập cơ quan điều tra nguyên nhân cá chết, vì báo cáo của ngành tài nguyên chưa đủ căn cứ xác định nguyên nhân cá chết”.
Luật sư Chu Minh Đức, đại diện cho bị đơn là 5 DN chế biến hải sản cũng nói: “Khi cá chết đáng lẽ cơ quan chức năng phải kiểm tra xác cá để xác định nguyên nhân có chất độc hay không. Nhưng ở đây chỉ xác định thiếu ô xy, nguyên nhân này không thể do việc xả thải của DN. Theo tôi, kết luận này chỉ là suy đoán mà không có căn cứ thực tế. Các hộ dân dựa vào các báo cáo để đưa ra căn cứ khởi kiện là thiếu cơ sở”.
Ông Phạm Văn Thông, một người nuôi cá bị thiệt hại nặng nề lập tức phản ứng: “Nếu nói mưa làm cá chết thì từ năm 1997 đến nay người dân không còn vốn để nuôi cá nữa rồi, người dân lên bờ hết rồi. Khi nào DN hết xả nước thải ra sông thì người dân mới nuôi cá được”.
Luật sư Hà cũng phản bác các lý lẽ của bị đơn, khẳng định việc xả thải là có thật và góp phần không nhỏ vào hậu quả xảy ra, do đó các DN phải có trách nhiệm bồi thường cho bà con. “Khi cá chết, các cơ quan chức năng đã xét nghiệm và xác định cá chết không có thương tích mà là do bị ngộ độc”, luật sư Hà nhấn mạnh.
Cơ quan chức năng “đề nghị chia sẻ”
Tại phiên hòa giải, ông Nguyễn Thái Sinh, Chánh thanh tra Sở TN-MT, đại diện UBND tỉnh, đề nghị các DN chia sẻ khó khăn với người dân. Hiện tỉnh đã đình chỉ hoạt động 9 DN chế biến hải sản và 6 DN tạm đình chỉ có thời hạn từ 6 - 12 tháng.
Kết thúc buổi hòa giải, Chánh án TAND TP.Vũng Tàu Nguyễn Văn Sơn nói: “Không phải người dân tự nhiên yêu cầu DN bồi thường. Các DN phải hiểu được khó khăn của người dân nuôi cá”.
Vì sao chưa khởi tố vụ án hủy hoại môi trường?
Theo luật sư Trương Xuân Tám, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, căn cứ theo điều 624 bộ luật Dân sự quy định về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường thì cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi. Như vậy, 14 DN có hành vi xả nước thải ô nhiễm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các hộ dân có cá bị chết. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các hộ dân và 14 DN có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường. Tuy nhiên, theo thông tin từ các hộ dân thì 14 DN này luôn cố ý tránh né trách nhiệm và không đồng ý bồi thường.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, các hộ dân thực hiện thủ tục khởi kiện yêu cầu tòa án buộc các DN này bồi thường. Nếu sau này, khi bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực (từ 1.7.2016) mà các DN còn vi phạm thì người dân không chỉ có quyền khởi kiện dân sự, mà còn có quyền tố cáo, yêu cầu cơ quan khởi tố đối với pháp nhân vi phạm là các DN.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.