Hơn 32.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi người có công mỗi năm

Thu Hằng
Thu Hằng
25/07/2019 15:59 GMT+7

Sự hy sinh của các thương binh, liệt sĩ thôi thúc chúng ta hãy sống tốt nhất, làm việc có ích nhất để cống hiến cho sự trường tồn và chủ quyền của đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.

Đây là chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 diễn ra sáng nay, 25.7, tại Hà Nội.
Chương trình tuyên dương do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và T.Ư Đoàn tổ chức, nhân kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2019).
Tham dự buổi gặp mặt có nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh; Trưởng Ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai; Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng; Trưởng Ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc;... đại diện các bộ, ban, ngành và 500 thương binh nặng tiêu biểu, đại diện cho 12.000 thương binh nặng trong 1,2 triệu thương binh trên cả nước.
 

Thủ tướng hỏi thăm động viên các thương binh nặng

ẢNH Quang Hiếu

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, rất nhiều người trở về sau chiến tranh với thương tật suốt đời, chịu nhiều đau đớn do vết thương để lại, nhiều người bị nhiễm chất độc hóa học... Máu đào, sự hy sinh cao cả của các thương binh, liệt sĩ đã tô thắm màu cờ Tổ quốc, để đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”, Thủ tướng xúc động bày tỏ, và khẳng định: “Những hy sinh, mất mát đó đã cho chúng ta cơ hội và thôi thúc chúng ta hãy sống tốt nhất, làm việc có ích nhất để cống hiến cho sự trường tồn, sự tôn nghiêm và chủ quyền của đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, ấm no, hạnh phúc cho mọi nhà”.

Đến 2020, 100% gia đình người có công phải có mức sống cao hơn mức trung bình

Mặc dù có nhiều chính sách chăm lo cho người có công (NCC) với cách mạng, song Thủ tướng cho rằng chưa thể bằng lòng với kết quả đó, bởi hiện vẫn còn một bộ phận thương binh, bệnh binh, gia đình người có công có cuộc sống còn khó khăn; nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; vẫn còn những người, những gia đình người có công vì nhiều lý do khác nhau chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi.
“Đây là những điều day dứt trong lòng người thân và trong mỗi chúng ta, cần được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của toàn xã hội”, Thủ tướng chia sẻ.
Với tinh thần trách nhiệm đó, Thủ tướng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, giải quyết căn bản hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng.

Thủ tướng tặng bằng khen cho các thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc

Ảnh Quang Hiếu

Ông đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư và Chỉ thị của Thủ tướng về công tác chăm sóc người có công với cách mạng, quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh; cải cách thủ tục hành chính trong xác nhận người có công qua các thời kỳ kháng chiến, tạo điều kiện thuận lợi để người có công thụ hưởng chính sách của Đảng, của Nhà nước. Thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách với người có công.
 Nhân dịp này, Thủ tướng đã trao Bằng khen, tặng quà cho các thương binh nặng tiêu biểu.
Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước, nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo thực hiện tốt công tác người có công với cách mạng.
Hàng năm, ngân sách Nhà nước dành hơn 32.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi cho hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng. Trong đó, có gần 1,2 triệu liệt sĩ; gần 138.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hơn 2 triệu thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ; hàng trăm người bị địch bắt, tù đày, người nhiễm chất độc hóa học…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.