Hụi... hòm

Như Lịch
Như Lịch
24/04/2018 10:10 GMT+7

Nơm nớp lo không thể có được một chiếc quan tài lúc nhắm mắt xuôi tay, nhiều người gia cảnh khó khăn đã tham gia đóng “hụi hòm”...

 Hình thức “hụi hòm”, “hụi chết” (hằng tháng đóng tiền tích lũy cho tang sự sau này) tồn tại khá lâu tại một số chùa, cơ sở mai táng... ở TP.HCM và những tỉnh, thành khác. Có nơi quy định đóng tiền theo số lượng người chết (phổ biến là 10.000 đồng/người), song cũng có những nơi ấn định mức phí đóng hằng tháng (còn gọi là nguyệt liễm, từ 10.000 - 50.000 đồng/tháng), hoặc sử dụng cả hai hình thức này.
Tùy số tiền đã đóng, tùy thời gian tham gia mà hội viên qua đời sẽ được hưởng một phần hay trọn gói những dịch vụ an táng cơ bản.
Hụi... hòm
Lo sợ chết không có hòm thiêu, vợ chồng ông Tá - bà Trà (bán vé số dạo) đã gia nhập ban tương tế ở địa phương

Trước giúp người, sau giúp mình
Để nuôi bản thân và có tiền uống thuốc chữa bệnh cao huyết áp, bà Thanh (65 tuổi, ngụ ở Q.1, TP.HCM) ban ngày đi lượm ve chai, ban đêm bán trái cây “dạt” ở khu vực chợ Cầu Ông Lãnh. Với bà, cái cực thể xác không bằng nỗi lo tinh thần: “Tui sống cảnh đơn chiếc, không có người nương tựa, nên sợ sau này khi lìa đời chẳng ai ngó ngàng đến, ngay cả cái hòm cũng không có để thiêu”. Cuối năm 2017, bà Thanh mừng rỡ khi một người bạn đồng cảnh ngộ rủ đóng “hụi chết” (50.000 đồng/tháng) cho một trại hòm. Nhưng chỉ sau vài tháng, hai bà đành bỏ cuộc do không kham nổi.
Có 5 người con nhưng tất cả đều đã chết trẻ, đó là tình cảnh bi đát của vợ chồng ông bà Hồ Đắc Tá (76 tuổi) và Dương Thị Trà (69 tuổi). Hai người hành nghề bán vé số dạo và sống tạm bợ ở góc cầu thang lô 8, cư xá Thanh Đa, TP.HCM.
Trải qua mấy cơn đột quỵ thập tử nhất sinh, đôi vợ chồng già này thường bị ám ảnh về cái chết cô độc và túng quẫn. Vì vậy, vào năm 2009 và năm 2012, ông bà lần lượt làm đơn xin gia nhập Ban tương tế Hội Người cao tuổi P.27, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Bà Trà cho hay ngoài số tiền đóng chân quỹ (bà Trà được miễn khoản này), hễ một hội viên qua đời, mỗi người còn lại sẽ đóng 10.000 đồng.
Bà Trà kể có tháng không đóng đồng nào, có tháng đóng vài chục ngàn đồng. Cá biệt có tháng hai vợ chồng đóng trên 100.000 đồng. Những lúc ông bà bán vé số ế ẩm, người đi thu tiền cũng cho khất lại mấy hôm. Bà Trà thổ lộ: “Tham gia cái này tụi tui thấy rất yên tâm, coi như giúp qua giúp lại. Tui hy vọng lúc mình qua đời sẽ có được cái hòm và đám tang đơn sơ mà ấm tình người”.
Trước đây, một vị sư chùa Phước Nguyên (tỉnh Vĩnh Long) từng nêu lý do ra đời của hội tương tế ở chùa này: “Chúng tôi từng chứng kiến cảnh cha mẹ qua đời nằm đó mà con cái phải chạy vạy cậy nhờ người này, người nọ để xin tiền mua hòm chôn cất. Vậy tại sao hôm nay chúng ta không trích ra một phần rất nhỏ tiền lẻ của mình để tích lũy cho hậu sự sau này? Mỗi ngày chúng ta chỉ cần bỏ ra một chút ít tiền để tham gia, trước giúp người sau giúp mình. Ai cũng phải một lần qua chuyến đò chiều của ngày ấy...”.
Thẻ hội viên Hội Tương tế chùa Hạnh Nguyện, TP.HCM Ảnh: Như Lịch

“Hốt hụi” khi về... thế giới bên kia
Thấy tôi có ý định trở thành “con hụi” mới, bà Sáu Hương (60 tuổi, ngụ tại Q.6, TP.HCM) cắt nghĩa: Lâu nay, người ta hiểu đóng hụi chết là khi mình hốt hụi trước, đóng tiền sau nên phải chịu lỗ nhiều. Nhưng hụi chết ở đây rất khác! Một khi đã chấp nhận đăng ký dây hụi là phải đóng cho tới ngày chết mới thôi. Ngày đó coi như mình được hốt hụi bằng... một đám tang tiễn đưa về thế giới bên kia!
Lo lắng khi thấy mẹ chồng và mẹ ruột đau yếu, bà Nguyễn Diệu Tươi (56 tuổi, ngụ P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM) đã mạnh dạn đăng ký cho hai cụ vào hội tương tế. Bà Tươi quan niệm cuộc sống vô thường, đâu ai biết trước ngày mai ra sao. Đặc biệt, lỡ khi hữu sự, gia đình không có sẵn khoản tiền lớn thì biết xoay xở thế nào. Vì vậy, tiếp nối hai bà cụ, 6 năm nay bà Tươi cũng đóng “hụi hòm” đều đặn đồng thời giới thiệu một số người thân, bạn bè cùng tham gia.
“Lạ lắm nghe, trước đó mẹ chồng và mẹ ruột tui thay nhau đổ bệnh. Nhưng sau khi đóng hụi chết, không hiểu sao hai bà sống khỏe, sống thọ gần 10 năm nữa. Một bà mất ở tuổi 97, một bà ở tuổi 92”, bà Tươi thổ lộ.
Trong thẻ hội viên Hội Tương tế chùa Hạnh Nguyện có ghi rõ: “Có hội viên qua đời, thân nhân đem thẻ này đến văn phòng báo cho đội mai táng. Nếu tự ý mai táng nơi khác thì hội không chịu trách nhiệm và không bồi hoàn số tiền đóng góp trước đây. Vì số tiền đó đã đi cho người quá cố, chứ hội không có giữ tiền”.
Cũng theo quy định của hội này, nếu hội viên tham gia trong vòng 6 tháng, khi qua đời sẽ được hưởng 1/3 chi phí dịch vụ an táng cơ bản (gồm áo quan, thầy tụng kinh, đồ tẩm liệm, đội mai táng, xe tang). Nếu trên 6 tháng được hưởng 2/3 và trên 1 năm được hưởng toàn bộ chi phí.
Thông thường, tổng chi phí dịch vụ cơ bản đối với đám tang của hội viên ở mức từ 7 - 9 triệu đồng. Trường hợp gia đình muốn đổi áo quan tốt hơn và thuê thêm những dịch vụ khác thì phải bù thêm tiền.
Ông Nguyễn Văn Giao, Cơ sở mai táng Vạn Phúc Đức, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho rằng nhiều chủ trại hòm rất muốn lập “hòm hội” (hụi hòm). Tuy nhiên, nếu không liên kết được với nhà chùa hoặc địa phương thì tự thân họ sẽ rất khó vận động người dân tham gia. Bởi lẽ đa phần người dân có tâm lý kiêng kỵ, sợ nói đến cái chết.
“Cái gì cũng có mặt trái. Một số người không có cái tâm thực sự, khi họ quản lý hòm hội sẽ dễ dàng sử dụng nhiều chiêu trò, mánh khóe núp bóng từ thiện. Chẳng hạn lúc hội viên mất, họ đưa cái hòm kém chất lượng hoặc bán hòm này nhưng nói hòm nọ. Có ai đi mua hòm mà trả giá hoặc săm soi kiểm tra nó làm bằng gỗ gì đâu!”, ông Giao lưu ý.
Hụi hòm hút “khách”
Hụi hòm được nhiều bà con nghèo quan tâm. Chỉ riêng Hội Tương tế chùa Hạnh Nguyện (Q.Tân Phú, TP.HCM) đã có hơn 6.000 người tham gia (8 phân hội, 750 - 800 người/phân hội).
Hòa thượng Thích Thiện Xuân, trụ trì chùa, cho biết Hội tương tế của chùa hoạt động suốt 20 năm nay, trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng, giúp đỡ nhau lúc lâm chung. Người vào hội không phân biệt độ tuổi, tôn giáo, điều kiện kinh tế. Trong đó, những người trẻ nhất khoảng 14 - 15 tuổi, lớn tuổi nhất là ngoài 90.
“Có những người gia nhập mới 2 - 3 ngày đã mất, cũng có người vào gần 20 năm vẫn sống thọ. Với ca quá khó khăn, khi chết không có thân nhân bên cạnh, không có nơi quàn xác..., nhà chùa đứng ra lo liệu tất cả, ngay cả khi họ không phải là hội viên”, hòa thượng Thích Thiện Xuân chia sẻ.
Không chỉ người nghèo, người giàu cũng tham gia hụi hòm. Người phụ trách một hội tương tế ở Q.Tân Phú, TP.HCM cho biết có chủ tiệm vàng trên đường Lê Văn Sỹ, Q.3 đóng hụi hòm một thời gian dài, nhưng không ai biết về gia cảnh của ông. Đến khi ông qua đời, những người trong hội tới làm đám tang mới “bật ngửa” vì nhà cửa bề thế của ông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.