Huyền thoại về những phật tử "cởi cà sa ra trận"

17/12/2006 23:28 GMT+7

Thăm chùa Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) để tìm hiểu về huyền thoại của những chiến sĩ phật tử "cởi áo cà sa ra trận", thắp nén hương thành kính dâng các bậc chân tu yêu nước, trong tâm thức chúng tôi lại vang vọng lời phát nguyện của 27 chiến sĩ nhà sư trong những ngày Toàn quốc kháng chiến: "Cởi áo cà sa, khoác chiến bào/Tuốt gươm, cầm súng dẹp binh đao/Ra đi quyết rửa thù đất nước/Vì nghĩa quên thân hiến máu đào". Đã 60 năm trôi qua nhưng hình ảnh cao đẹp của những "Phật tử chiến sĩ" vẫn mãi sáng ngời.

Dừng chân trước đài tưởng niệm các liệt sĩ pháp danh, nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Thế Vinh - nguyên là đại đức Thích Trí Không, Ủy viên Hội Phật giáo cứu quốc Nam Định, Trưởng ban tổ chức lễ phát nguyện cởi áo cà sa ra trận - nhớ lại: "Cuối tháng 12/1946, sau khi Hồ Chủ tịch hiệu triệu "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" và Trung ương Đảng ra chỉ thị toàn quốc kháng chiến, hòa thượng Thích Thế Long, khi đó là trụ trì chùa Cổ Lễ cho gọi tôi và Thích Pháp Lữ lên thư phòng, hỏi: "Chúng ta là người xuất gia, phụng đạo nhưng đều mang dòng máu Tiên-Rồng. Quốc gia lâm nguy, Phật pháp bất ly thế gian pháp, các con có sáng kiến gì không?".

Do đã nhiều lần tháp tùng hòa thượng đi thuyết pháp cho phật tử, vận động nhân dân ủng hộ và tham gia Việt Minh, nuôi giấu cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng... nên tôi biết hòa thượng Thích Thế Long luôn đề cao chân lý "việc đạo không rời việc đời" để hòa mình vào phong trào quần chúng kháng Nhật, đuổi Tây, giành lại chính quyền. Tôi mạnh dạn đáp lời: Bạch sư phụ! Việc đời loạn, nghiệp tu hành cũng không thể yên ổn. Con nghĩ, trong giới phật tử rất nhiều tăng ni có tâm huyết xả thân cứu nước. Mong sư phụ làm lễ "giải pháp y", thành lập đội nghĩa sĩ phật tử, cho phép các tăng ni tạm rời cửa thiền ra chiến trường đánh giặc".

Đại tá Đinh Thế Hinh, nguyên nhà sư - pháp danh Thích Pháp Lữ, là một trong 27 tăng ni đầu tiên khởi nguyện xung kích vào đội quân nghĩa sĩ phật tử, xúc động kể: Đúng 8 giờ 30 phút ngày 27.2.1947, chùa Cổ Lễ rợp bóng cờ hoa, biểu ngữ, hàng ngàn đồng bào các giới, tín đồ thập phương đã tề tựu. Đại đức Thích Trí Không (tức Nguyễn Thế Vinh) thay mặt Ban tổ chức tuyên bố lễ phát nguyện. 27 nhà sư cởi áo cà sa, đội mũ gắn sao, khoác ba lô trở thành 27 chiến sĩ Vệ quốc đoàn. Và ngay trận đánh đầu tiên của các chiến sĩ pháp danh tại trận địa chùa Non Nước (Ninh Bình), 12 người đã anh dũng hy sinh...

Những tấm gương "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" ấy là minh chứng về sự nhập thế của Phật giáo Việt Nam, cũng là sự hiện thân của giáo lý nhà Phật trong sáng hòa quyện chặt chẽ giữa đạo và đời, kế tục xứng đáng sự nghiệp phò vua giúp nước của các bậc thiền sư, pháp sư, phật tử từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần.

Chúng tôi may mắn được trò chuyện với nhiều nhà sư từng xung phong vào các lực lượng vũ trang, trực tiếp đánh giặc như: Thượng tọa Thích Hạnh Nghiêm (chùa Cả, TP Nam Định), đại đức Thích Pháp Lữ, Thích Tâm Vượng, Thích Trí Không (chùa Cổ Lễ), sư thầy Thích Đàm Hiếu (chùa Minh Xá)... Họ đã bái biệt cửa Phật trở thành những thanh niên xung phong, bộ đội cụ Hồ, dân công hỏa tuyến... để "cùng cả nước, vì cả nước" chiến đấu anh dũng. Nhiều người đã được Đảng, Nhà nước trao tặng huân, huy chương các loại.

Đất nước hòa bình, có nhiều chiến sĩ pháp danh phục hồi giáo phẩm, tiếp tục con đường tu hành. Trong sự nghiệp phát triển đất nước hôm nay, cùng với các tăng ni, phật tử, các chiến sĩ pháp danh năm xưa luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng giáo hội đoàn kết, trang nghiêm "hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh". Sư cụ Thích Đàm Cẩn, hiện là trụ trì của chùa Bình Lương (xã Yên Thọ, huyện Ý Yên) là một trong những tấm gương đó. Những ngày toàn quốc kháng chiến, ni cô Thích Đàm Cẩn hăng hái cùng nhân dân địa phương tham gia cách mạng, xung phong vào đội xung kích, rào làng kháng chiến, chống địch càn. Năm 1952, theo tinh thần "tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng", sư Cẩn xin phép sư phụ đi chiến dịch, là chiến sĩ thuộc C3, D38 hăng hái ngày đêm phá đá, mở đường cho xe ta ra trận. Khi xuất ngũ trở về, sư thầy Thích Đàm Cẩn quyết định tiếp tục tu hành.

Hiện nay đã vào tuổi "xưa nay hiếm" nhưng sư Đàm Cẩn vẫn tích cực tham gia công tác chữ thập đỏ, khuyến học, nhiều năm là ủy viên UB MTTQ xã Yên Thọ. Quá trình "thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh" của sư thầy Thích Đàm Cẩn cũng như các vị chư tôn yêu nước, các chiến sĩ, liệt sĩ pháp danh là minh chứng cao đẹp cho phương châm hoạt động "Đạo pháp dân tộc - xã hội chủ nghĩa" của Phật giáo dân tộc.

Phạm Tiếp - Việt Thắng (TTXVN)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.