>> Như Lịch

4 giờ 30 sáng 9.1, tôi bám theo những “đồng nghiệp” bán vé số dạo cùng lưu trú tại đại lý bà Hai. Nhóm chúng tôi hơn chục người đón xe buýt số 53 từ Cống Quỳnh (Q.1) ra hướng Q.Bình Thạnh, giá 6.000 đồng/vé. Chị Hiền, người cho tôi gia nhập nhóm này, giải thích: “Các khu gần đây người ta đã quen mặt tụi này, khó bán lắm nên phải đi xa hơn, cứ vài ba hôm lại đổi địa bàn”.

Xe dừng trả khách trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Tôi theo chân đàn anh, đàn chị bán vé số, tấp vào quán cóc gần chung cư Ngô Tất Tố. Mọi người kêu cà phê đen (5.000 đồng/ly) hoặc cà phê sữa (7.000 đồng/ly) uống cho tỉnh táo.

Sau cữ cà phê chờ trời sáng, cả nhóm tỏa ra nhiều hướng và khuyên tôi nên bán ở các chung cư gần đấy: “Mày mới đi bán, khách thấy lạ sẽ mua, coi như đổi tay lấy hên. Cứ bán thí xác, gặp ai cũng mời!”. Họ còn cho tôi số điện thoại để nếu đi lạc hay gặp sự cố thì gọi.

PV Báo Thanh Niên bán vé số dạo tại khu vực Q.Bình Thạnh

6 giờ sáng, tôi mời “mở hàng” hai thanh niên ăn phở ở khu vực chung cư Ngô Tất Tố, nhưng họ đều lắc đầu. Đến bàn khác, tôi chìa xấp vé số chưa kịp nói gì, khách đã xua tay: “Đây chỉ mua ủng hộ người khuyết tật, cụ già, trẻ em thôi. Sức dài vai rộng kiếm nơi khác bán”. Tiếp đó, tôi bị một phụ nữ quát: “Người ta đang nói chuyện mà xen vào là sao?”. Tôi quay lưng lén lau những giọt nước mắt tự dưng ứa ra, rồi sực nhớ mình chỉ tạm nhập vai bán vé số, còn nghề của mình là viết báo kia mà. Trời đất ơi, mừng quá!

Nghĩ đến lời dặn của “sư phụ”, tôi mạnh dạn hẳn lên. Tôi mời người đàn ông đang lướt điện thoại: “Anh mua vé số giùm em, em mới bán lần đầu”. Người này ngẩng lên nhìn mặt tôi thăm dò: “Có phải lần đầu không đó? Tui mua hoài của mấy người cũ, không trúng gì hết”. Rốt cuộc, vị này mua cho 10 tờ đuôi 07.

Tôi quần đi đảo lại giữa hai chung cư Ngô Tất Tố và Phạm Viết Chánh (P.19, Q.Bình Thạnh), có lúc suýt chạm mặt vài người quen đang uống cà phê. Trong con hẻm đường Phạm Viết Chánh, một ông cụ nhờ tôi dò mấy tờ vé số mua hôm trước. Khi tôi đang chăm chú đối chiếu, ông làm như vô tình chạm vào người, vào tay tôi...

Gần 10 giờ sáng, bụng đói cồn cào, tôi đổi một tờ vé số lấy gói xôi 10.000 đồng (nước thì uống ở những thùng trà đá miễn phí dọc đường). Chị Chung đột ngột xuất hiện, hỏi tôi còn bao nhiêu vé. Lúc này, tôi còn 48 tờ. Trong khi đó, chị Chung lấy 250 vé và đã bán được gần 150 tờ. Chị thật tình: “Em bán 100 tờ, lời được 100 ngàn mà ăn sáng hết 10 ngàn là quá sang. Làm sao có tiền gửi về nuôi con? Hồi mới bán như em, chị gặm bánh mì không, hoặc nhịn đói”.

Sau một ngày mời chào khô cổ và say nắng đứ đừ, tôi bán được 87 vé. Hơn chục vé còn lại, tôi không thể trả cho đại lý mà tự “bao tiêu”.

Hôm sau, tôi chuyển sang bán ở khu vực Q.3, Q.10. Gần chợ Hòa Hưng, tôi gặp chị Lan Anh (tạm trú trên đường Cách Mạng Tháng 8, Q.3) đẩy xe nôi đưa con đi bán vé số. Chị quê Thanh Hóa, sau khi tốt nghiệp ĐH ngành công nghệ thông tin tại Hà Nội thì vào miền Nam lập nghiệp. Chưa đầy một tháng sau, chị bị bỏng, gương mặt biến dạng vì bị nổ bình gas mini trong phòng trọ. Biến cố ấy đã đưa chị đến nghề bán vé số suốt 8 năm qua.

Không có người trông nom nên mới ba tháng tuổi, con gái chị Lan Anh (bé Bảo Bảo, nay được chín tháng tuổi) đã phải theo mẹ bán vé số. Một số người hỏi mua Bảo Bảo với giá 100 triệu đồng, nhưng Lan Anh từ chối vì đứa con là báu vật của đời chị.

Mỗi ngày, chị bán 100 - 150 tờ. Nhiều hôm nắng gắt, Bảo Bảo quấy khóc không chịu nằm xe nôi, chị Lan Anh phải vừa ôm con vừa đẩy xe, vừa bán vừa hát ru để dỗ con ngủ… “Thiếu gì trường hợp cho em bé uống thuốc ngủ li bì rồi ẵm đi bán vé số. Nhiều người ban đầu cũng nghi ngờ tôi thuê em bé để dễ bán vé số kiếm tiền nhưng dần dần thấy tôi thương yêu Bảo Bảo thực sự, họ mới tin nó là con ruột”, chị kể.

Thấy tôi bán ế, chị Lan Anh hào sảng đề nghị “chia lửa” cho tôi một số vé (chị không chịu lấy tiền lời, nên tôi mua sữa tặng Bảo Bảo) rồi cùng đi bán dọc đường Trần Văn Đang. Cùng quán cà phê, khi tôi mời thì hiếm ai mua, nhưng mẹ con Lan Anh được khá nhiều người ủng hộ.

11 giờ 30, Bảo Bảo bắt đầu khóc vì đói. Chị Lan Anh dừng trước một ngôi nhà khóa cửa trên đường Hoàng Sa (P.11, Q.3) để pha sữa. Con bé cứ uống vài ngụm lại ngưng vì mắc bệnh trào ngược dạ dày, hay bị ói. Chừng 10 phút sau, chủ nhà chạy xe máy về quát tháo: “Sao lại ngồi đây? Làm ơn đi giùm!”.

Chị Lan Anh tạm dừng chân cho con uống sữa. Con bé cứ uống vài ngụm lại ngưng vì mắc bệnh trào ngược dạ dày, hay bị ói

Tôi phụ gom bình sữa đang uống dở cùng một số vật dụng của Bảo Bảo. Như đã quen với cảnh này, chị Lan Anh nhẫn nại ôm con tìm chỗ khác. Giọng chị trầm xuống: “Có những người tốt, giúp đỡ mẹ con tôi. Nhưng cũng không ít người tỏ vẻ khinh thường”.

Tám năm bán vé số, người phụ nữ này đúc kết: Nhiều lúc mình thấy bán vé số chẳng khác gì ăn xin, chỉ “cao cấp” hơn một tí là được phép làm. Lúc nào cũng phải năn nỉ, thiên hạ thích thì mua, không thích có khi chửi mình. Và dù bị ai đó nói xàm hay chửi bậy, mình cũng phải cười. Nghề này không chai mặt, không lì lợm, không dẹp tự ái thì không bao giờ theo được (?!).(còn tiếp)

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Như Lịch, Trác Rin

Báo Thanh Niên
26.03.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.