>> NHƯ LỊCH

Suốt 11 tháng nay, Trần Mai Hoa (27 tuổi, quê Hải Phòng) phải ở hẳn trong một trung tâm cai nghiện ma túy tại TP.HCM. Thỉnh thoảng ba mẹ Hoa đến thăm và dẫn con gái đi ăn uống nhưng không đón về nhà. Hoa giải thích: “Cả nhà sợ em tái nghiện như những lần trước. Mẹ nói chờ đến khi nào làm xong giấy tờ, cho em đi nước ngoài luôn theo dạng định cư hoặc xuất khẩu lao động”.

Bốn năm trước, Hoa từng du học tại Singapore, ngành quản trị nhà hàng khách sạn. Khi đó Hoa đã nghiện ma túy đá, gia đình kỳ vọng cô sẽ cai được nơi xứ lạ quê người. Nhưng Hoa thừa nhận: “Chỗ lạ, em chỉ tạm ngưng vài ngày đầu rồi nhanh chóng tìm ra nguồn hàng để chơi lại. Thực ra, cái mình muốn chơi thì bất cứ lúc nào cũng có và rất dễ kiếm. Sau khi xài hết mấy trăm triệu đồng gia đình gửi qua, em trốn về”. 

Còn lần này? Hoa trầm tư: “Em cũng chưa biết ra sao. Nhưng em nghĩ do mình rảnh rỗi nên mới buồn rồi đi chơi. Nếu có công việc để làm, em hy vọng mình sẽ thay đổi”.

Khi đang là sinh viên, Đinh Hùng (27 tuổi, quê Đồng Nai) bị nghiện heroin. Gia đình gửi Hùng sang nhà bà con bên Úc du học. Hơn ba năm ở Úc, Hùng sử dụng heroin và thêm ma túy đá, rồi bị ảo thanh ảo giác. Gần đây, Hùng buộc phải về VN để điều trị.

Cô Phạm Thị Dịu, Trưởng Khoa tư vấn, tâm lý trị liệu Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa, TP.HCM cho biết: Trong khi cho con đi cắt cơn và điều trị, nhiều phụ huynh đã chuẩn bị visa và những thủ tục liên quan để đưa con ra nước ngoài (du học, xuất khẩu lao động, định cư…) hoặc gửi con cho người thân ở vùng sâu vùng xa nhằm muốn con mình đoạn tuyệt ma túy không có bạn bè cũ rủ rê, không kiếm được ma túy để chơi.

Tuy nhiên, theo cô Dịu việc cai ma tuý phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Thực tế, tỷ lệ tái nghiện thường khá cao bởi sự hấp dẫn, thèm nhớ ma túy đã gây tổn thương và in hằn trong hệ thống não của những người sử dụng. Cho nên lúc vui hay buồn cũng dễ đẩy họ quay lại con đường chơi ma túy.

“Muốn cai họ phải có ý chí và thực sự quyết tâm, phải được hướng dẫn về vấn đề phục hồi hành vi, nhận thức nhân cách, hình thành thói quen tốt... Cạnh đó, rất cần sự hỗ trợ của gia đình về công ăn việc làm, động viên khích lệ để các bạn tự tin bước ra ngoài xã hội”, cô tư vấn.

Học viên cai nghiện ma túy tại TP.HCM. Ảnh: Như Lịch

Chúng tôi có mặt tại cơ sở cai nghiện ma túy trên đường Bình Quới (P.28, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vào ngày mưa tầm tã. Sau giờ sinh hoạt, một số học viên ùa ra sân tắm mưa. Họ vui sướng đón những dòng nước chảy tràn từ mái nhà xuống tưới tắm đầu tóc và cơ thể mình, hồn nhiên đuổi bắt nhau và cười giòn giã. Trong đó, tôi thoáng thấy những nhân vật mình vừa tiếp xúc. Họ đã kể rằng khi “ngáo đá”, họ từng xách dao tìm người để chém hoặc suýt bóp cổ cô bồ đến chết… Dưới màn mưa mát lạnh và thanh bình này, nếu quá khứ ấy bất chợt dội về, phải chăng họ cũng ngỡ ngàng tưởng đó là một giấc mơ xa xăm!

“Ai vô đây mà chẳng từng khóc. Bên ngoài tụi mình cố gồng thôi, chứ thực sự trong lòng rất buồn về những chuyện mình đã làm, buồn về gia đình, buồn về hậu quả mình gây ra và buồn cho tương lai của mình”, học viên Trần Quân (30 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) tâm sự.

Đình Tuấn (27 tuổi, Q.Gò Vấp, TP.HCM), bạn cùng phòng với Quân cũng rớm nước mắt khi tự nhận hồi ở nhà, Tuấn luôn “hận” gia đình không quan tâm mình. Còn bây giờ, Tuấn thổ lộ: “Lần nào mẹ vô thăm, em cũng xin lỗi mẹ. Em đã nhận ra sai lạc của mình. Do 'đá’ điều khiển nên đầu óc mình nghĩ lung tung, thành điên khùng”.

37 tuổi, 21 năm sử dụng heroin và về sau chuyển sang ma túy đá, Đặng Phong (ngụ Thừa Thiên-Huế) trở thành học viên “kỳ cựu” với 13 lần đi cai nghiện. Theo Đặng Phong, những lần trước anh tái nghiện bởi vẫn muốn phiêu diêu: “Tôi không thích cuộc sống nhàm chán, bằng phẳng. Tôi thích có gì đó để khám phá bản thân, kể cả ma túy”.

Đợt này, đã ở trại cai nghiện hơn 18 tháng, Đặng Phong lột xác trong suy nghĩ: “Mình đã lãng phí và đánh mất quá nhiều thứ trong đời. Mong ước nhất hiện nay của mình là làm người bình thường, yên ổn của gia đình, được trở về làm đứa con biết lo lắng cho mẹ, ông bà”.


Cũng như Đặng Phong, cô gái Nhật Liên (27 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM) không muốn tiếp tục ra vào những trung tâm cai nghiện. Đôi lúc cô khát khao có được hạnh phúc bình dị, lấy chồng sinh con như bao người khác. Tuy nhiên, Liên lo lắng không biết bước chân ra khỏi trại, cô có đủ bản lĩnh để từ chối cám dỗ, không rơi lại vào vòng lẩn quẩn lâu nay?

Trong khi không ít người đổ lỗi hoàn cảnh như do gia đình bỏ bê, bạn bè rủ rê khiến họ nghiện ngập thì học viên Nguyễn Nghĩa (35 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) khẳng định nguyên nhân ở bản thân mình. Nghĩa cho rằng anh đã tự đánh mất tất cả niềm tin yêu mà gia đình đã trao cho.

Chìm vào thế giới ma túy đá hơn 10 năm nay, Nghĩa cho biết đợt này anh thực sự quyết tâm dừng hẳn cuộc chơi tai hại. Với anh, đứa con 8 tháng tuổi sẽ là động lực lớn giúp Nghĩa làm lại cuộc đời. Anh chia sẻ: “Bây giờ, mình phải sống vì con nữa. Nếu mình thực sự muốn là sẽ bỏ được vì cám dỗ chẳng qua do vọng tưởng của mình mà ra”.

Hy vọng là như thế…


Đồ họa: Duy Quang

Báo Thanh Niên
09.11.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.