>> Hoàng Phương - Ngọc Phan


Ông Nguyễn Văn Dũng, một cư dân ở ấp Đầu Doi cho biết, giai đoạn ăn nên làm ra nhất của người dân ấp này có lẽ vào thập niên 1980. Lúc bấy giờ trong ấp có trên 200 nhà làm cà ràng. Còn nắn nồi đất thì nhà nào cũng làm. Vào những ngày nắng đẹp, cà ràng, nồi ơ các loại được bày ra phơi kín hai bên đường. Sản phẩm làm ra không kịp giao, ghe xuồng đậu tấp nập dưới bến sông chờ lấy hàng đi bán khắp vùng.

Nhưng hiện nay thị trường tiêu thụ đã thu hẹp lại, nguồn đất sét nguyên liệu không đủ để cung cấp cho người sản xuất. Hiện khu vực nắn nồi chỉ còn năm ba hộ, chỉ làm và bán được trong dịp tết. Vì vậy mấy năm gần đây người ta chuyển sang làm lò củi. Theo ông Dũng thì chiếc lò củi còn nhiều người sử dụng vì nó tiện hơn, đun nấu ít bị khói và ít tốn củi hơn chiếc cà ràng. Trước đây gia đình ông cũng sản xuất cà ràng, nhưng nay ông sắm ghe chở lò đi bán cho các vựa, thu nhập không cao nhưng đỡ vất vả hơn.

Công đoạn nắn đầu… ông Táo.

Trong khi đó thì theo ông Sáu, chủ một cơ sở sản xuất lò củi ở ấp Đầu Doi, muốn làm được cái lò phải pha trộn hai thứ đất sét ruộng và đất sét pha cát ở Hòn Đất. Đất sét ở Hòn Đất có độ mịn và dẻo nên khi nắn, nung, sản phẩm ít bị hỏng và có độ bền rất cao. “Đất sét ở bên Hòn người ta khai thác sẵn rồi đem xuống mé kinh bán, muốn mua mình phải đem ghe tới đó chở. Hai ghe đất Hòn cộng với đất sét ruộng trộn lại được khoảng 6 tấn nguyên liệu và nắn được khoảng 800 cái lò”, ông Sáu chia sẻ.

Nghề làm lò đất tưởng đơn giản nhưng rất vất vả, đòi hỏi sự khéo tay và tinh tế. Để hoàn thành một sản phẩm phải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên đất sét Hòn và đất sét ruộng phân theo tỉ lệ đưa vào máy xay nhồi trộn. Các khâu còn lại thì thuê các chị trong xóm làm. Mỗi người thợ làm một công đoạn. Người dập khuôn lấy kích cỡ lớn nhỏ, người kéo ống, người ráp mâm, người nắn đầu, người đập đít… rất chuyên nghiệp. Chiếc lò nắn xong để vài ngày cho ráo rồi đem phơi nắng khoảng 9-10 ngày cho khô mới đem vào lò nung bằng trấu, chừng 4 ngày sau là cho ra sản phẩm. Mùa nắng thì đỡ cực hơn, nhưng mùa mưa phải căng lều sẵn để tránh mưa. Trước kia không có máy phải đạp trộn đất bằng chân.

Theo chị Điệp, người làm công ở cơ sở của ông Sáu, thì công đoạn cực nhất là kéo ống. Người đứng kéo ống đòi hỏi sự nhanh nhẹn khéo tay và phải có sức khỏe. Cái ống đã được dập khuôn đặt trên giá, người kéo dùng miếng gỗ dẹp đi xoay tròn, vừa đi vừa gạt, nếu không quen người kéo bị chóng mặt và cái ống sẽ không tròn trịa. Ống lò kéo xong để cho ráo rồi chuyển sang công đoạn ráp mâm. Từ cái ống người thợ cắt ra làm ba phần, một phần lấy làm mâm dưới, có khoét lỗ thông hơi và cào tro. Một phần chẻ ra làm thân trên của lò, phần còn lại làm cái mâm chụm củi.

Công đoạn ráp mâm.

Trong lúc thao tác, phải thấm nước liên tục để đất không dính tay, thân lò mới láng mịn. Ráp mâm xong thì dùng gang tay đo khoảng cách cho đều để gắn đất làm đầu rau (ông Táo), sau đó dùng miếng vỗ bằng tấm ván mỏng, vỗ đầu rau cho cân đối. Cuối cùng lấy một dụng cụ lăn tạo hoa văn trên rìa lò. Người phụ trách công đoạn gắn đầu… ông Táo là bà Ba, quê gốc miền Bắc. Bà Ba cho biết mình vào nghề từ năm 15 tuổi, nay đã 55 tuổi cho nên rất quen tay. Khi gắn cục đất làm đầu rau bà không cần phải đo, đặt chỗ nào là chính xác chỗ nấy.

Công đoạn dập đít.

Đập đít lò là công đoạn cuối cùng trước khi đem nung. Khi chiếc lò hoàn chỉnh để khô ráo, người thợ dùng dao gỗ gọt phần đáy rồi thấm chút nước chà cho láng, chỗ nào bị nứt hở thì trét thêm đất sét vào. Ở công đoạn này tuy không quan trọng, nhưng nếu không làm kỹ, khách hàng chê không chịu lấy. Cơ sở của ông Sáu sản xuất 4 loại lò củi. Hiện nay, mỗi cái lò loại lớn ông đếm cho ghe với giá 32.000 đồng, loại nhỏ nhất thì 20.000 đồng. Bạn hàng ở vùng An Giang, Rạch Giá thường hợp đồng trước, tới ngày ra sản phẩm họ thuê ghe đến đếm chở đi các tỉnh và qua Campuchia bán.

“Riêng nhân công nắn lò được mướn làm theo sản phẩm. Một người thợ làm giỏi trong một buổi có thể hoàn thành 150 cái, được trả công khoảng 1.000 đồng một cái. Lúc lò bán chạy thì thợ có thể kiếm được 200.000 mỗi ngày. Nhưng lúc này lò bị ế, cơ sở của tôi làm một ngày, nghỉ tới 5-7 ngày. Tính ra làm lò nấu củi lời không được bao nhiêu, vì đam mê mà làm. Hơn nữa vì không có ruộng nên phải bám nghề, biết làm gì khác”, ông Sáu chia sẻ.

Vào mùa này, đi dọc theo bờ kinh Một thuộc ấp Đầu Doi, thấy ghe tàu đậu san sát. Số thì đang chất lò lên ghe, số thì chuyển đất sét lên bờ. Ông Bảy Thành, 67 tuổi, cho biết: “Xóm này hiện còn khoảng 40 nhà làm lò nấu củi, lò than… Đa số đều là những gia đình làm nghề lâu đời. Mấy năm gần đây đời sống của người dân được nâng lên. Các mặt hàng gia dụng như bếp gas, đồ điện, nồi ơ xoong chảo được sản xuất từ nhôm, inox phổ biến nên việc sử dụng nồi đất và lò đất giảm dần, hàng làm ra khó bán hơn trước. Nguồn thu nhập từ sản phẩm đất nung đã không còn đảm bảo được đời sống nên vài năm nay nhiều người đã chuyển sang nghề khác, thanh niên nam nữ thì bỏ đi làm ăn xa. Nghề đắp lò, nắn cà ràng, nắn nồi và các sản phẩm đất nung ở xóm Đầu Doi càng ngày càng teo tóp lại”.

Sản phẩm đã hoàn chỉnh.

Như gia đình chị Lệ đã qua 3 đời nắn nồi đất, cà ràng rồi chuyển sang làm lò đất. Chị  Lệ cho biết trước kia cả nhà chị đều sống bằng nghề này và coi như nghề truyền thống. Còn bây giờ nhà nhà dùng bếp gas, nồi điện, còn ít người mua lò nấu củi, nên sản phẩm làm ra bán rất chậm. Phần do thiếu vốn nên gia đình chị thu hẹp lại qui mô sản xuất, giờ chỉ có hai vợ chồng làm, không mướn nhân công. Chồng chị thì lo khâu xay đất, nắn mâm, phơi phóng, nung lò. Các công đoạn còn lại thì chị đảm nhiệm.

Theo tính toán của chị Lệ, sau khi cộng hết các khoản chi phí thì coi như bỏ công làm lời. Nhưng vì muốn giữ nghề truyền thống nên chị tiếp tục làm. (còn tiếp)

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Hoàng Phương

Báo Thanh Niên
31.12.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.