Khắc phục sạt lở đê kè ven biển Bạc Liêu

Theo các đơn vị tư vấn, giải pháp là khắc phục ngay đoạn mái kè bị vỡ bằng cách bỏ đá hộc xuống, sau đó đào phía trong tường kè nơi mủ kè bị vỡ để đóng một tường kè song song, nhằm bảo vệ tường kè.

* Chấp thuận phương án thay đê đất bằng đê bê tông của Hà Nội 
Ngày 14.2, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức cuộc họp với các đơn vị tư vấn, gồm: Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, Công ty tư vấn Trường đại học Thủy lợi và Viện Thủy công nhằm tìm giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở nghiêm trọng đê kè ven biển Bạc Liêu.
Theo các đơn vị tư vấn, giải pháp là khắc phục ngay đoạn mái kè bị vỡ bằng cách bỏ đá hộc xuống, sau đó đào phía trong tường kè nơi mủ kè bị vỡ để đóng một tường kè song song, nhằm bảo vệ tường kè không bị áp lực đất đá phía trong đẩy ra. Ngoài ra, cần phải có tuyến đê ngầm phía ngoài để giảm sóng.
Các đơn vị tư vấn thống nhất phải dùng những khối bê tông (loại hình 3 chân) có trọng lượng từ 1 - 2 tấn/khối để lên mái kè nhằm làm giảm năng lượng sóng tác động lên tường kè và mái kè hiện nay.
Tuy nhiên, các sở, ngành tỉnh Bạc Liêu lo ngại với trọng lượng lớn như vậy sẽ xảy ra tình trạng lún hoặc trượt những khối bê tông này ra ngoài biển. Vì vậy các đơn vị tư vấn phải tính toán thật kỹ khi sử dụng giải pháp này, bởi đoạn sạt lở gần cửa sông Gành Hào (H.Đông Hải), nơi có mực nước sâu đến 20 m. Phát biểu tại buổi làm việc, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng để khắc phục lâu dài cần phải có giải pháp gây bồi, tạo bãi cho cửa biển Gành Hào và biển Nhà Mát (TP.Bạc Liêu).
Trước đó, liên tiếp trong hai ngày 12 - 13.2, triều cường dâng cao kèm theo sóng to, gió lớn đã làm nhiều đoạn đê kè ven biển Gành Hào (H.Đông Hải) và đê kè Nhà Mát (TP.Bạc Liêu) sạt lở nghiêm trọng, làm ảnh hưởng cuộc sống của nhiều hộ dân. Hai tuyến kè đê biển này có vai trò quan trọng trong việc chắn sóng, bảo vệ cuộc sống cho hàng nghìn hộ dân phía trong đê.
* Cùng ngày 14.2, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội cho biết bộ này thống nhất với đề nghị của UBND TP.Hà Nội về việc thay thế một phần kết cấu đê đất bằng kết cấu đê bê tông cốt thép đê hữu sông Hồng, đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trước đó, ngày 24.1, UBND TP.Hà Nội có văn bản gửi Bộ NN-PTNT để thỏa thuận về phương án thiết kế, điều chỉnh kết cấu đê hữu của sông Hồng để phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.