Khai thác san hô: S.O.S!

21/03/2010 00:13 GMT+7

Mặc dù Luật Thủy sản và các quy định của Chính phủ nghiêm cấm khai thác san hô, nhưng người dân vẫn khai thác và buôn bán công khai ở vùng biển Vĩnh Tân, Tuy Phong (Bình Thuận).

Xã Vĩnh Tân, thuộc H.Tuy Phong là vùng đất giáp ranh với Cà Ná (Ninh Thuận). Biển vùng này chỗ nào cũng có san hô. Chúng tôi theo chân một người lấy san hô bên những rạn đá ngay sát ven biển. Chỉ cần lội xuống biển, men theo những triền đá, chừng nửa tiếng, Quý - một thanh niên có hộ khẩu ở Phú Quý (Thuận Nam, Ninh Thuận) đã kiếm được một bao san hô. Quý bảo mỗi bao san hô chết (san hô đã gãy lượm ngay ven bờ) có thể bán được 15-20 nghìn đồng. Còn san hô tảng dễ bán vì người ta mua về để làm hòn non bộ. Hoặc chỉ cần kiếm được vài cành san hô sống (còn hình thù nguyên vẹn); hoặc san hô tảng to có thể bán kiếm được vài trăm nghìn đồng một ngày.

Có hôm cả nhà Quý, cùng với hai đứa con đi hái san hô kiếm được 2-3 trăm nghìn đồng. Mùa khô này Quý bảo: “Tụi em ở đây không đi lấy san hô thì cũng lên núi đá đào cây kiểng về bán. Cây kiểng trên núi cũng bán chạy lắm anh ạ”.

Chúng tôi cho xe chạy một vòng ra đến sát ranh vùng biển Cà Ná, Ninh Thuận, nhiều căn nhà chòi ven đường vẫn trưng san hô ra bán công khai ngay ven đường. Trong vai khách đi đường, chúng tôi ghé lại một điểm bán san hô, cô bán hàng nhanh nhảu nói: Anh mua màu trắng đi. Màu đỏ, xanh là san hô nhuộm đó. Tụi em nhuộm cho đẹp thôi. Chỉ cần 40 nghìn đồng mua hai cây san hô khá đẹp; người bán san hô không chỉ dễ dàng cho chụp ảnh san hô “làm kỷ niệm”; mà còn dẫn chúng tôi vào tận trong chòi xem san hô xếp lớp phía trong. “Tụi em chỉ trưng chút xíu thôi. Nếu có khách mua nhiều sẽ đưa vào đây coi. Để ngoài, mấy ông biên phòng để ý có khi bị tịch thu” - cô bán san hô tỏ ra hiểu biết.

Theo Điều 6, Chương I, Luật Thủy sản quy định: Cấm những hành vi khai thác, hủy hoại trái phép các rạn đá ngầm, rạn san hô, các bãi thực vật ngầm.

Điều 8, Chương II, Nghị định số 128/2005/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một trong những hành vi này từ 3 - 5 triệu đồng.

Trở về Trạm bộ đội biên phòng Vĩnh Tân, chúng tôi gặp đại úy Phạm Bá Phước, trạm trưởng. Anh Phước cho biết, biển Vĩnh Tân chỗ nào cũng có san hô, san hô dày đặc. Người khai thác san hô chủ yếu đến từ vùng giáp ranh Ninh Thuận. Hễ bị động là họ lại chạy về phía Ninh Thuận, đoàn kiểm tra đi qua thì quay lại khai thác tiếp. Chúng tôi có ít người, phải kết hợp với công an địa phương và thanh tra thủy sản mới bắt được, nhưng đâu lại vào đó. Anh Phước kể, có hôm đoàn công tác bắt được đến 18 tấn san hô khai thác trái phép. Một ngày bắt hai ba vụ. Một người thu mua có đến hàng chục người khai thác. Khi phát hiện biên phòng tuần tra, dân vứt san hô xuống biển. Biên phòng đi rồi họ lại kéo từng bao lên chở vào bờ bán, rất khó quản lý.

Chánh thanh tra thủy sản Bình Thuận Lê Thanh Bình cho biết, cuối năm 2009 đến nay thanh tra thủy sản liên tục kết hợp với công an, bộ đội biên phòng truy quét khai thác, buôn bán san hô trái phép. Nhưng cũng chỉ giảm được vài ngày, rồi đâu lại vào đó. Cái khó là họ không có việc làm, không có thu nhập. Trong khi đó khai thác san hô lại quá dễ kiếm tiền. Người khai thác san hô chủ yếu là dân tứ xứ, không có hộ khẩu nên rất khó xử lý. Ông Bình cho rằng mức xử phạt chỉ 5 triệu đồng đối với những trường hợp khai thác, buôn bán san hô trái phép như hiện nay là quá thấp, chưa đủ mạnh để răn đe. Ông bình nói, người bán san hô thu được không bao nhiêu tiền. Nhưng tác hại của việc khai thác san hô dưới biển thì lại vô cùng. Nó phá vỡ hệ sinh thái biển và làm mất khả năng che chắn, nơi trú ẩn cho các loài cá tôm dưới biển... 

Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.