Khó có nguồn thanh toán hơn 15.000 tỉ đồng nợ đọng

06/10/2016 06:19 GMT+7

Đây là thực tế được ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu ra tại phiên họp cho ý kiến báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp sáng qua (5.10) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo báo cáo do ông Thanh trình bày, số liệu thống kê cho biết có 53/63 tỉnh thành có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỉ đồng. Cá biệt, đã có địa phương mất khả năng thanh toán như trường hợp H.Phước Long (Bạc Liêu) nợ xây dựng cơ bản tới 397 tỉ đồng.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng số nợ đọng này “không có nguồn thanh toán”. Ông Giàu đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Tài chính có hướng xử lý, đồng thời cần kiên quyết yêu cầu dừng ngay việc tạm ứng vốn xây dựng cơ bản mà không có nguồn cân đối.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn: “Nếu kiến nghị ngân sách sau này có nguồn trái phiếu hay nguồn gì cho đầu tư công sắp tới để ưu tiên trả nợ thì không công bằng, hợp lý, bất công với những xã khác. Nếu như thế thì theo phong trào cứ đầu tư đi, cứ vay nợ đi rồi sẽ được xử lý, sẽ được ưu tiên giải quyết nợ thì chúng ta thấy không hợp lý. Còn nếu tự phải nỗ lực tìm nguồn trả nợ thì tôi thấy đoàn giám sát chưa đưa ra được kiến nghị này”.
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết trong quá trình đi giám sát, các địa phương cũng nói rằng sẽ sử dụng quỹ đất của địa phương trong quá trình sau này đấu giá để trả nợ. Thế nhưng, đây là việc rất khó trong bối cảnh thị trường bất động sản đang khó khăn. Bên cạnh đó, nếu lấy đất từ các địa phương đấu giá thì hướng xử lý chủ yếu là phát triển đô thị, chứ không tạo ra sản xuất.
Liên quan đến việc giải quyết kiến nghị của cử tri, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện, cho biết đến thời điểm này vẫn còn 142 kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm và 751 văn bản hướng dẫn thực hiện luật, pháp lệnh hoặc các thông tư hướng dẫn nghị định không còn phù hợp với thực tiễn, nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung, ban hành. Trong đó, Bộ TN-MT (29 kiến nghị), NN-PTNT (29 kiến nghị), Tài chính (24 kiến nghị), GD-ĐT (11 kiến nghị), VH-TT-DL (11 kiến nghị) và LĐ-TB-XH (8 kiến nghị).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.