Khổ vì quốc lộ thi công quá chậm!

26/09/2009 01:02 GMT+7

Khởi công từ năm 2008, dự án mở rộng quốc lộ 50 đoạn TP.HCM - Gò Công (Tiền Giang) dự kiến sẽ hoàn thành trong 3 năm và đoạn Gò Công - Mỹ Tho hoàn thành trong 2 năm. Nhưng một năm đã trôi qua mà dự án triển khai vẫn hết sức ì ạch.

Cho đến nay, đoạn từ phà Mỹ Lợi đến thị xã (TX) Gò Công chỉ mới đào, đặt cống thoát nước qua đường. Riêng đoạn Gò Công - Mỹ Tho thì đang san lấp phần mở rộng mặt đường. Trong khi đó, rất nhiều đoạn mặt đường cũ đã bị xuống cấp trầm trọng với hàng loạt “ổ voi” xuất hiện khiến cho việc lưu thông hết sức khó khăn.

Ông Bùi Văn Chí (ngụ ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, TX Gò Công) nói: “Bây giờ người dân hết kêu rồi mà chỉ còn... rên thôi, bởi vì bị té hoài, đau quá !”. Chỉ tay về những “ao nước” ngay trước trụ sở UBND xã Long Hưng, ông bức xúc: “Cứ mỗi lần mưa thì nước đọng thành ao trên mặt đường và người dân phải đem cuốc, xẻng ra khai thông. Người đi xe gắn máy qua những ao nước đó cứ bị sụp hố hoài. Chẳng biết bao giờ đường mới được thi công?”.

Không chỉ gây nguy hiểm cho người đi đường mà dự án thi công chậm còn gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thành Trung (Công ty CP Trung Thành, TP.HCM) cho biết đơn vị ông đầu tư dự án tại TX Gò Công. Ông kể bình thường đoạn đường Gò Công - Mỹ Tho đi xe hơi chừng 45 phút, nhưng từ khi khởi công quốc lộ 50 tới giờ đường sá ngày càng xuống cấp nên thời gian đi phải mất ít nhất một tiếng rưỡi. Tương ứng, trước đây di chuyển đoạn đường này chỉ tốn chừng 18-20 lít xăng, còn bây giờ tốn 30-35 lít. Đó là chưa nói tình trạng đơn vị thi công cống thoát nước qua quốc lộ đắp mặt cống cao hơn mặt đường hiện hữu gần một mét, nên ô tô chạy tới những đoạn này phải "bò" qua. Tài xế nào chạy không quen sẽ phải... để cái pô xe lại!

Dự án mở rộng quốc lộ 50 được Bộ GTVT phê duyệt ngày 21.5.2007 và được chia làm 2 dự án. Đoạn TP.HCM - Long An - Gò Công có tổng chiều dài 40,9 km, bắt đầu tại điểm giao với đường Nguyễn Văn Linh (Q.7, TPHCM); trong đó đoạn qua TP.HCM khoảng 8 km, qua Long An khoảng 23 km và từ phà Mỹ Lợi đến TX Gò Công khoảng 10km; tổng mức đầu tư của dự án là 1.543 tỉ đồng. Đoạn từ TX Gò Công đến Mỹ Tho dài 41,3 km, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 1.380 tỉ đồng.

Tương tự, ông Huỳnh Văn Danh (DNTN Vinh Hiển, xã Yên Luông, Gò Công Tây) cho biết khoảng cách từ nhà máy xay xát gạo của ông tới Mỹ Tho chừng 25 cây số. Trước đây xe chở gạo đi khoảng 60 phút còn bây giờ phải hơn một tiếng rưỡi nên cước vận chuyển cũng tăng theo, cứ mỗi xe gạo 8 tấn phải mất thêm 160.000 đồng. Bà chủ xe khách biển số 53S-3548 thì than thở: “Từ Bến xe Gò Công đi TP.HCM hiện mất khoảng 3 tiếng đồng hồ, trong đó riêng đoạn Gò Công - Mỹ Tho đã mất khoảng một tiếng rưỡi vì có những đoạn xe chỉ "bò" với tốc độ 5 km/giờ. Đó là chưa kể thiệt hại do xe thường xuyên bị hư hỏng vì đường quá xấu. Một cặp vỏ xe giá 5,2 triệu đồng, bình thường sử dụng ít nhất một năm, còn bây giờ chỉ vài ba tháng thì bị đá chém bể. Mỗi khi trời mưa, chỉ cần sụp “ổ voi” là mất 500.000 đồng vì xe bị gãy nhíp”.

Còn rất nhiều những người dân bị thiệt hại mà không biết kêu ai như trường hợp các hàng quán, phố xá dọc hai bên đường, do mặt tiền của họ thường trực những vũng nước hoặc bãi sình lầy nên việc bán buôn luôn bị ế ẩm.

Không chỉ dân than mà chính quyền cũng kêu. Ông Phạm Văn Hạt, Chủ tịch UBND xã Long Hưng (TX Gò Công), nói: “Tuyến đường này tuy cũ nhưng trước đây có duy tu thường xuyên. Vậy mà từ khi khởi công, bàn giao cho nhà thầu rồi... để đó nên xuống cấp trầm trọng. Thỉnh thoảng họ có chở đá tới đổ xuống dặm vá các chỗ trũng, nhưng chỉ vài ba trận mưa thì ổ voi lại hoàn ổ voi”. Về việc người dân thường xuyên bị sụp té, ông Hạt nói: “Đây là quốc lộ, tiếp giáp với TP.HCM. Mỗi khi mưa, nhiều người đi xe gắn máy từ TP.HCM xuống đâu có biết nên thường bị sụp hố. Trong rất nhiều cuộc họp chúng tôi đều phản ánh ý kiến của dân về thực trạng trên và đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công để người dân bớt khổ, nhưng đành chịu, vì đây là công trình do Bộ GTVT quản lý. Bồi thường, giải tỏa, mặt bằng đã bàn giao xong hết rồi nhưng thi công thì quá ì ạch”.

Bà Nguyễn Thị Minh Thủy, Phó giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, thừa nhận: “Đúng là việc thi công quá chậm, không những dân kêu mà nhiều vị lãnh đạo tỉnh cũng rất bức xúc, vì đây là con đường duy nhất, đi qua các huyện ven biển từ TP.HCM về miền Tây”. Nhưng theo bà Thủy, có nguyên nhân khách quan là do điều chỉnh dự án. Lúc đầu dự định giai đoạn 1 chỉ thi công mặt đường rộng 7m, đến giai đoạn 2 sẽ mở rộng 11m. Nhưng sau khi khởi công, địa phương có ý kiến và được Bộ GTVT cho triển khai luôn giai đoạn 2 (mở rộng mặt đường mỗi bên thêm 2m), vì vậy phải chờ điều chỉnh hồ sơ thiết kế.

Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.