“Khởi nghiệp” từ bộ máy quản lý

29/04/2016 05:33 GMT+7

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội sáng 28.4.

Chủ trì phiên họp, trước lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, ông Nguyễn Thành Phong bày tỏ sự sốt ruột về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa công bố xếp hạng TP.HCM thứ 47/63 tỉnh, thành, có đến 5/6 chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số chỉ số có xếp hạng rất thấp: Sự tham gia của người dân cấp cơ sở (57/63), kiểm soát tham nhũng khu vực công (55/63)...
Đặc biệt là chỉ số về tính minh bạch giảm mạnh, từ hạng 4 xuống hạng 17.
Sâu sát để dân và doanh nghiệp nhờ
Động viên người ta khởi nghiệp còn mình phục vụ yêu cầu khởi nghiệp lại kéo dài thời gian chờ đợi, làm người ta chán nản, buông xuôi là không được
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM
Ông Phong cảnh báo, TP.HCM hiện nằm ở tốp cuối chỉ số PCI, trong khi Đà Nẵng giữ vững vị trí số 1 trong 3 năm liền, nhiều địa phương vươn lên rất tốt như Đồng Tháp. Vì thế, các sở, ngành phải nghiên cứu đưa ra giải pháp để nâng điểm từng chỉ tiêu lên. “Lãnh đạo các sở ngành lưu ý không để kéo dài thời gian. Làm được hay không được, nghiên cứu hồ sơ phải trả lời trong mấy ngày. Người ta làm ăn có thời cơ kinh doanh, đợi nghiên cứu thì không biết chừng nào. Các sở ngành cần phải xác định điều này. Lãnh đạo phải trực tiếp chỉ đạo chứ không giao hết cho các phòng ban. Phải sâu sát để dân và doanh nghiệp nhờ”, ông Phong nhấn mạnh.
Dẫn chứng cho sự chậm trễ của cấp dưới, ông Phong liệt kê một số vụ việc điển hình: Từ tháng 3.2016, ông đã kết luận về việc thành lập tổ giải quyết vụ việc tại số 64 Phó Đức Chính (Q.1). Chuyện đơn giản nhưng sau một tháng cấp dưới mới trình ông ký thành lập tổ. Hay việc ông giao trình kế hoạch thành lập dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, có 12.500 căn nhà tái định cư, giao Giám đốc Sở Xây dựng làm tổ trưởng, nhưng gần 1 tháng sau vẫn chưa thấy trình kế hoạch lên. Trong khi chậm tiến độ dự án một ngày là có biết bao nhiêu căn nhà tái định cư bị ảnh hưởng.
“Các đồng chí biết dự án Thủ Thiêm kéo dài một ngày chúng ta phải trả bao nhiêu tiền không? Đây là tiền của dân chứ của ai? Không lẽ không phải tiền của mình nên các đồng chí không xót và nôn nóng”, ông Phong nhấn mạnh và chia sẻ bản thân ông thấy sốt ruột khi các chỉ số cạnh tranh của TP tụt giảm, ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư. “Lòng tự trọng của người nhận nhiệm vụ trước Đảng, trước dân không cho phép chúng ta làm thế. Chưa kể tôi còn nghe phản ánh một số sở cứ kéo dài thời gian làm người dân, doanh nghiệp chờ đợi, rồi hạch sách”, ông Phong nói.
Ông yêu cầu lãnh đạo các sở ngành, nhất là Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, TN-MT… phải sâu sát cán bộ cấp dưới, chịu khó giải quyết công việc.
Đẩy mạnh phong trào và tinh thần khởi nghiệp
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm cho rằng vừa qua “có nhiều ý kiến” xung quanh việc tiếp dân, việc này cần phải rà soát lại. “Bốn tháng vừa qua, các đồng chí ngồi đây có người nào trực tiếp tiếp dân chưa hay là ủy quyền cho phó chủ tịch”, ông Liêm hỏi.
Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan nói thêm: Thời gian qua, TP làm nhiều việc cho dân, cho doanh nghiệp nhưng ít được người dân ghi nhận. Điều này cho thấy quan hệ giữa cán bộ với người dân chưa tốt, cán bộ chưa sát với dân. Thời gian tới cần phải xem xét đội ngũ cán bộ, từng cơ quan phải rà soát xem cán bộ đã hướng dẫn, có thái độ với người dân đã chuẩn mực chưa. Ngoài ra, cần phải luân chuyển công việc của cán bộ để loại những người có năng lực yếu cũng như bổ sung cán bộ có năng lực, đạo đức tốt vào vị trí phù hợp. “Công khai, minh bạch thủ tục là xu thế mà chúng ta bắt buộc phải làm. Chúng ta không thể đẻ ra thủ tục mà phải xem xét việc tác động của thủ tục tới người dân, doanh nghiệp. Cán bộ trong giao tiếp cần phải xem lại thái độ. Từ trước tới nay chúng ta quen tư duy xin - cho mà không chịu tư vấn, trao đổi trực tiếp với người dân. Chỉ một việc nhưng lại quá nhiều cửa giải quyết rồi cuối cùng không ai làm cả. Nội bộ từng cơ quan cũng phải xem lại cơ cấu. Chỗ nào cũng có quyền nhưng rồi không có trách nhiệm”, ông Hoan nói.
Kết thúc cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng hơn, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng tăng trưởng của TP. “Phải đẩy mạnh phong trào và tinh thần khởi nghiệp. Nhưng đừng hiểu một cách máy móc là khởi nghiệp đây chỉ dành cho người trẻ hay doanh nghiệp, mà phải khởi nghiệp ngay từ bộ máy, cán bộ quản lý, tạo điều kiện môi trường kinh doanh là trách nhiệm với doanh nghiệp. Động viên người ta khởi nghiệp còn mình phục vụ yêu cầu khởi nghiệp lại kéo dài thời gian chờ đợi, làm người ta chán nản, buông xuôi là không được”, ông Phong nói.
Cà phê Xin Chào: đáng tiếc và đáng buồn
Tại cuộc họp báo diễn ra sau cuộc họp trên, Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho biết thêm: “Vụ việc cà phê Xin Chào là vụ việc thật đáng tiếc và thật đáng buồn. Trong những nỗ lực của lãnh đạo, cơ quan nhà nước kêu gọi đầu tư mà chỉ cần vụ việc như thế thôi đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư. Bây giờ chính mình phải tự chấn chỉnh lại đội ngũ của mình. Nếu còn hành vi tương tự thì mọi nỗ lực của TP cả một thời gian dài sẽ đổ sông, đổ biển hết”.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về đường dây nóng của Bí thư Thành ủy TP Đinh La Thăng, ông Hoan cho biết từ ngày 25.3 đến 25.4, đường dây nóng tiếp nhận được 4.350 tin báo, trong đó tin báo cấp độ 1 (hướng dẫn giải đáp về thủ tục) là 1.500 tin, cấp độ 2 (vấn đề phát sinh, xử lý liền): 2.380 tin, cấp độ 3 (có văn bản chỉ đạo, kiểm tra): 150 tin, cấp độ 4 (đề nghị gặp trực tiếp lãnh đạo TP): 240 tin, cấp độ 5 (hiến kế cho TP): 80 tin. Trong đó, hơn 55% tin báo tập trung vào vấn đề xây nhà trái phép, kinh doanh gây tiếng ồn, sản xuất ô nhiễm, lấn chiếm lòng đường vỉa hè... Hiện UBND TP đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan nhanh chóng xử lý và phản hồi cho người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.