Không chấp nhận tố cáo nặc danh

12/11/2011 01:21 GMT+7

Chiều 11.11, Quốc hội biểu quyết thông qua 4 luật: Lưu trữ; Khiếu nại; Tố cáo; Đo lường.

Chiều 11.11, Quốc hội biểu quyết thông qua 4 luật: Lưu trữ; Khiếu nại; Tố cáo; Đo lường.

Luật Tố cáo quy định, hình thức tố cáo thực hiện bằng đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp. Lý giải về việc không bổ sung các hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại như một số ĐBQH đề nghị trước đó, Ủy ban Thường vụ QH (TVQH) cho rằng trên thực tế, việc quản lý các thông tin thuộc loại này còn nhiều khó khăn, bất cập. Do đó, vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết trước khi cụ thể hóa trong luật nhằm tránh bị lợi dụng để xuyên tạc, vu khống, gây rối, làm mất đoàn kết nội bộ hoặc để phát tán thông tin về việc tố cáo, nhất là trên các trang mạng điện tử, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của người khác hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.

Phạt nặng hành vi gian lận đo lường

Luật Đo lường quy định: trường hợp vi phạm hành chính về đo lường có số tiền thu lợi bất chính trong suốt quá trình vi phạm lớn hơn mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì áp dụng hình thức phạt tiền với mức bằng từ 1 đến 5 lần số tiền thu lợi bất chính đó. Số tiền thu lợi bất chính phải bị tịch thu. Cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và thực hiện các quy định khác của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Tuyết Mai

Luật Tố cáo quy định, người tố cáo có nghĩa vụ nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình; trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo.

Quy định bảo vệ người tố cáo, luật nêu rõ: việc bảo vệ người tố cáo thực hiện tại nơi cư trú, công tác, làm việc, học tập, nơi có tài sản của người cần được bảo vệ hoặc những nơi khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Đối tượng bảo vệ gồm có: người tố cáo; người thân thích của người tố cáo. Thời hạn bảo vệ do cơ quan có thẩm quyền quyết định tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng vụ việc, mức độ, tính chất của hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng cần được bảo vệ.

Có thể khởi kiện ra tòa án

Đối với luật Khiếu nại, trình tự khiếu nại được quy định: trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của luật Tố tụng hành chính. Nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì tiếp tục có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án.

Ủy ban TVQH cho rằng việc quy định người khiếu nại có thể khởi kiện ra tòa án ở bất cứ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại là quy định có lợi cho người khiếu nại trong việc lựa chọn các cách thức giải quyết.

Về việc nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung, luật Khiếu nại quy định: trường hợp nhiều người đến khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản; trường hợp nhiều người khiếu nại bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ nội dung theo quy định, có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.