Không thể xem cơ quan báo chí là một doanh nghiệp thuần túy

20/09/2007 00:19 GMT+7

Ngày 19.9, tại Hà Nội, Hội Nhà báo VN đã tổ chức tọa đàm với chủ đề "Chính sách tài chính đối với các cơ quan báo chí". Đại diện các cơ quan báo chí tập trung góp ý vào 3 vấn đề chính: thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với các cơ quan báo chí; việc các báo điện tử không được hưởng phí truy cập với một tỷ lệ % nhất định; việc thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Ông Lê Quốc Trung - Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN nói: "Báo chí là một đơn vị sự nghiệp mang tính đặc thù, với nhiệm vụ chính trị hàng đầu là tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước, định hướng dư luận... Xét cả về tính chất, nội dung hoạt động, cơ quan báo chí không thể được xem là một loại hình doanh nghiệp thuần túy, bởi vì doanh nghiệp được thành lập để kinh doanh còn cơ quan báo chí phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Do đó, việc quy định báo chí nộp thuế TNDN như doanh nghiệp thuần túy là chưa hợp lý". 

Ông Trung cũng nêu kiến nghị là thuế TNDN đối với cơ quan báo chí (hiện nay đang ở mức 28%) chỉ nên ở mức 13-15% là hợp lý để các báo có điều kiện tích lũy, đầu tư đổi mới trang thiết bị và bù đắp kinh phí cho những năm khó khăn, kinh doanh thua lỗ. Theo thống kê sơ bộ, trong số hơn 600 tờ báo đang hoạt động, chỉ có khoảng 50 tờ báo cân đối được thu - chi và có lãi.  Liên quan đến doanh thu của các cơ quan báo chí để tính quỹ nhuận bút, các đại biểu từ các cơ quan báo chí tham dự cũng nêu ý kiến về việc cần hiểu đúng doanh thu của các cơ quan báo chí không chỉ bao gồm tiền bán báo mà còn bao gồm doanh thu từ quảng cáo. Các đại biểu cũng đề xuất việc quy định quỹ nhuận bút không nên cứng nhắc mà nên để quyền quyết định cho tổng biên tập, nhất là đối với những tờ báo đã tự chủ về tài chính. 

Thanh Thúy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.