Kiếp ve chai: Rủi ro trong nghề

Như Lịch
Như Lịch
08/08/2020 06:36 GMT+7

Ngày đêm lang thang ngoài đường, nhiều khi còn tải đồ cồng kềnh, không ít người lượm, mua ve chai gặp tai nạn giao thông, bệnh tật; có khi còn đụng phải 'dê xồm'...

Một tối, tôi đạp xe đi lượm ve chai với chị Bảo (35 tuổi, ở trọ Q.Bình Tân, TP.HCM). Chị Bảo quê Thanh Hóa, nhiều năm nay bán vé số. Khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, vé số ế ẩm, chị Bảo chật vật kiếm các kế sinh nhai khác để nuôi con.
Chúng tôi moi móc các bịch rác dọc những tuyến đường: Lũy Bán Bích, Âu Cơ, Trần Tấn… Gặp một bịch rác to, chị Bảo nhảy lên giẫm đạp để thăm dò có lon chai gì không. Chợt chị giật mình: “Lỡ đạp nhằm kim tiêm thì tiêu đời!”.
Suốt buổi cắm mặt vào những đống rác, chúng tôi dường như tách biệt với cuộc sống sôi động xung quanh. Hồi hộp nhất là khi qua đường trên xe đạp lỉnh kỉnh ve chai, không thể giơ tay xin đường…

Ám ảnh tai nạn

Hằng đêm, bà Nguyễn Thị H. (51 tuổi, xã Ngũ Kiên, H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) chỉ về nhà trọ khi chiếc xe đạp chất đầy ve chai. Có hôm, trên đường Âu Cơ (P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM), tôi thấy bà dựng xe ở làn bên này, hai lần bốn lượt băng qua làn bên kia để khuân về đống giấy. Bà bộc bạch: “Mỗi lần qua đường, tôi rất sợ bị xe tông. Đứa em cùng quê, ở cùng chỗ trọ với tôi đã chết do ô tô tông khi đang lượm ve chai”.
Bà H. cho hay người phụ nữ xấu số nói trên tên A., nhỏ hơn bà 12 tuổi. Cách đây 4 năm, chị A. lượm ve chai trên vỉa hè gần chợ An Đông (Q.5, TP.HCM) thì bị một ô tô húc trọng thương. Chị A. được chuyển vào bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. “A. chết tức tưởi, để lại hai đứa con, gia cảnh rất khó khăn”, bà H. nghẹn giọng.
Kiếp ve chai: Rủi ro trong nghề1
Xóm trọ của bà H. nằm trong một con hẻm thuộc đường Nguyễn Văn Săng (Q.Tân Phú, TP.HCM). Nơi đây có nhiều người từ miền Bắc và một số từ miền Trung kiếm sống bằng công việc lượm ve chai.
Đêm ở xóm trọ này dường như ngắn lại và chộn rộn hơn với các cuộc bươn chải mưu sinh. Từ khoảng 21 giờ đến nửa đêm, nhiều người trở về khu trọ trên những chiếc xe đạp chở ve chai cao ngất ngưởng. Sau khi ngả lưng vài tiếng, khoảng 4 giờ sáng họ bắt đầu thức dậy phân loại phế liệu đem bán. Có những người buổi sáng đã đi lượm ve chai nhưng đa số lên đường vào đầu giờ chiều.
15 năm nay, bà H. theo một số người đồng hương Vĩnh Phúc vào TP.HCM lượm ve chai. Nhờ đó, bà nuôi hai đứa con ăn học và người chồng bị ung thư (nay đã mất).

Hễ đi nhặt là có cái ăn, nhưng nghề này, mình hốt (hốt hoảng) nhất là xe cộ tông vào. Cạnh đó là luôn phải móc rác dơ dáy, rất dễ mắc bệnh. Vừa rồi mình phải đi khám viêm xoang, tim mạch, phụ khoa, mua thuốc uống mất toi 5 triệu đồng

Nguyễn Thị H. (Vĩnh Phúc)

Thời gian mới vào đây, bà H. hay bị đám choai choai quậy phá, ức hiếp. Nhiều đêm khi bà cặm cụi đạp xe đi lượm ve chai, đám trẻ trâu chạy ngang qua đập bôm bốp vào đầu, nón úp xuống mặt khiến bà ngã nhào. “Hồi đó, chị sợ quá định không đi nhặt ve chai nữa. Nhưng mình chả biết làm nghề gì khác, lại không có vốn liếng để bán hàng rong hay vé số, nên đành cắn răng tiếp tục”, bà H. bày tỏ.
Từ quê ra phố, bà H. cũng rất căng thẳng khi đạp xe chở phế liệu trên đường đông đúc. Bà rùng mình nhớ lại: “Lúc đó chị chỉ chở 20 cân (kg) mà ngã lên ngã xuống. Ve chai cồng kềnh, mình chở ngập ngà ngập ngoạng nên thường bị đụng xe, may mà không thiệt mạng”.
Hiện tại, mỗi ngày bà H. lượm được trên dưới 50 kg ve chai. Trừ chi phí phòng trọ (1,5 triệu đồng/tháng), ăn uống tằn tiện, bà dành dụm được hơn 100.000 đồng/ngày. Bà H. chia sẻ: “Hễ đi nhặt là có cái ăn, nhưng nghề này, mình hốt (hốt hoảng) nhất là xe cộ tông vào. Cạnh đó là luôn phải móc rác dơ dáy, rất dễ mắc bệnh. Vừa rồi mình phải đi khám viêm xoang, tim mạch, phụ khoa, mua thuốc uống mất toi 5 triệu đồng”.
Kiếp ve chai: Rủi ro trong nghề2

Một người lượm ve chai dựng xe ngoài đường, ngủ mê mệt

Gặp “dê cụ”, kẻ cắp...

21 năm đạp xe len lỏi trong những thôn xóm để mua ve chai, chị C. (45 tuổi, xã Đa Kai, H.Đức Linh, Bình Thuận) định nghĩa công việc của mình là “nghề bần cùng của trần gian”. Chị C. giải thích: “Chứ không phải à? Ve chai là phế thải của nhà người ta, họ xả ra còn mình lượm lại”.
Nhắc đến buồn vui trong công việc, giọng chị C. rổn rẻng: “Ôi giời ơi, nghề này thật đúng là làm dâu trăm họ. Đi mua ve chai từ 24 tuổi đến giờ, tôi gặp đủ thành phần, loại người, kể cả từng bị một ông già trên 70 tuổi quấy rối”. Theo chị C., lúc ấy giữa trưa, ông ta ngọt ngào kêu chị vào nhà. Chị C. hỏi: “Ông có gì bán cho con vậy?”. Ông ta suồng sã vỗ vai chị C., chỉ ra những cây mít ngoài vườn: “Ra chỗ kia mát lắm, có ve chai ở đó”. Chị C. không thấy mẩu ve chai nào, nổi cơn tam bành: “Ông già rồi mà mất nết! Lần sau cạch mặt tôi ra nhé!”. Từ đận đó, chị C. rút kinh nghiệm: “Mỗi khi đàn ông kêu bán đồ, tôi nói họ phải đưa ve chai ra chứ tôi không vô nhà họ nhặt. Mình đâu biết ai là kẻ gian người thật, phải lo thân mình thôi”.
Cùng nghề, cùng xã với chị C., chị T. (48 tuổi) cho biết cũng từng gặp “dê cụ”. Ông này kêu chị T. vào lượm ve chai, rồi cứ chỉ chị vô buồng. Khi chị T. cúi xuống nhặt nhạnh lon chai trong buồng, ông ta vỗ mông chị. Chị T. kể: “Đống đồ đã lượm mình để trước đường, có chi còn thoát được. Mình cột hết đồ lên xe, không trả tiền và vọt chạy luôn. Mình phải chơi cỡ nớ mới được, ổng làm bậy nên đâu dám nói gì”.
Cạnh đó, có những trường hợp đi lượm vỏ chai đựng thuốc khai hoang ngoài ruộng về dồn bán. Dù biết rằng phế liệu này có thể gây hại sức khỏe con người, đặc biệt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ càng phải tránh xa nó, nhưng không ít người mua ve chai chấp nhận những rủi ro như vậy.
Một số đàn ông trong nghề này cho hay họ cũng từng gặp sự cố. Chuyên lượm ve chai kiếm sống tại TP.HCM, ông Duyên (quê Kiên Giang) thường ngủ ở vỉa hè, trạm xe buýt gần chợ Võ Thành Trang, Q.Tân Bình. Có đêm, ông ngủ trong chợ để tránh chiến dịch “thu gom” người lang thang, không có giấy tờ tùy thân như ông. Ông Duyên nhăn nhó kể: “Khi ngủ, tui cẩn thận gác giò lên xe đạp. Vậy mà tên trộm cuỗm mất chiếc xe, lấy luôn mấy bao ve chai tui cày cục lượm còn cột trên xe”.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.