Kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hà Nội: Nóng bỏng chuyện chung cư xuống cấp và đất rừng Sóc Sơn

22/07/2006 00:24 GMT+7

Cả ngày 21/7, kỳ họp thứ 6 - HĐND TP Hà Nội khóa XIII đã dành thời gian cho chất vấn và trả lời chất vấn. Trong đó, nóng bỏng nhất vẫn là những vấn đề lâu nay dư luận quan tâm: xây lại các chung cư cũ như thế nào và chủ trương bán đất rừng Sóc Sơn.

Giải đáp các câu hỏi bức xúc về vấn đề cải tạo, xây mới các chung cư cũ, xuống cấp trên địa bàn Hà Nội, ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường và  nhà đất TP Hà Nội khẳng định: "Thành phố đã xác định danh mục các nhà chung cư nguy hiểm, đang tổ chức kiểm định, lập dự án cải tạo phá dỡ chung cư cũ nguy hiểm theo hướng xã hội hóa (các nhà C17 Giảng Võ, P3 Phương Liệt, B6 Giảng Võ, I-1,2,3 Thành Công, nhà A Ngọc Khánh) và chủ động sử dụng ngay quỹ nhà ở để di chuyển tạm các hộ dân ra khỏi công trình nguy hiểm. Đối với các khu chung cư cũ đã được sự đồng thuận của 2/3 dân cư, thành phố sẽ cho phép chủ đầu tư triển khai thực hiện sau khi dự án được thẩm định và sẽ tổ chức cưỡng chế các hộ dân cố tình chây ỳ làm ảnh hưởng đến cộng đồng".


Đại biểu Ngô Văn Ny chất vấn

Đại biểu Nguyễn Đức Biền đặt câu hỏi: "Ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước tính mạng và tài sản của người dân nếu 7 nhà chung cư gỗ ở ngoài đê xuống cấp nguy hiểm bị đổ sụp khi còn phải chờ Luật Đê điều thì mới được cải tạo 7 nhà nguy hiểm này?". Ông Vũ Văn Hậu cho biết: "7 nhà chung cư cũ ở bãi sông, có 6 nhà nguy hiểm và 1 nhà vừa bị cháy. Thành phố đã quyết định lấy quỹ nhà cho người thu nhập thấp ở Cầu Diễn và Xuân Đỉnh để di dời ngay các hộ này. Hiện các ngành đang lập phương án hỗ trợ tái định cư  cho các hộ dân đang sống ở các khu nhà chung cư nguy hiểm".

Trả lời các câu hỏi bức xúc của đại biểu Ngô Văn Ny "Ai phải chịu trách nhiệm trong vụ bán đất rừng Sóc Sơn trái phép và cấp đất cho trang trại của trùm ma túy Trịnh Nguyên Thủy?", Giám đốc Vũ Văn Hậu giải trình: "Hiện nay, các cơ quan chức năng của Trung ương và thành phố Hà Nội đang kiểm tra, làm rõ việc chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng rừng ở huyện Sóc Sơn để có những biện pháp xử lý kiên quyết. Nhưng trong vụ việc này, thiệt hại cũng không lớn lắm bởi theo con số thống kê có khoảng 7 ha rừng được chuyển đổi, chuyển nhượng trái phép, trong khi cháy rừng hằng năm ở đây cũng làm thiệt hại hàng chục héc ta” (?!).

Theo Giám đốc Hậu, vấn đề liên quan đến trang trại của Trịnh Nguyên Thủy ở Từ Liêm thì hiện nay cơ quan công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ. Khu đất này trước đây do người dân địa phương tự ý chuyển nhượng cho nhau để Trịnh Nguyên Thủy làm trang trại, không được lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho phép, vì vậy sau này đã bị thành phố giải tỏa để xây dựng theo quy hoạch. Còn việc Trịnh Nguyên Thủy sau khi bị giải tỏa ở huyện Từ Liêm có xin phép thành phố cho lập dự án trang trại ở huyện Đông Anh, mới chỉ là xin giới thiệu địa điểm và còn phải trải qua nhiều khâu kiểm tra khác. "Đến khi có thông tin của cơ quan công an về việc Trịnh Nguyên Thủy liên quan đến ma túy  thì UBND TP Hà Nội đã ra quyết định thu hồi giấy giới thiệu địa điểm trước đó và việc này không có hậu quả gì", ông Hậu nói.

Trả lời thắc mắc vì sao việc chậm tiến độ thực hiện 3 dự án công viên Tuổi trẻ Thủ đô, Yên Sở, Đống Đa là do yếu kém của các chủ đầu tư cũ mà thành phố không thay chủ đầu tư khác và tổ chức đấu thầu, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Đỗ Hoàng n cho rằng: "Các dự án này là do thành phố lựa chọn chủ đầu tư, không qua đấu thầu. UBND TP đã yêu cầu các chủ đầu tư thay thế cán bộ yếu kém không đủ năng lực, bổ sung cán bộ khác để tổ chức thực hiện dự án. Trong trường hợp cần thiết, thành phố có thể lựa chọn chủ đầu tư khác thay thế hoặc cho đấu thầu lại dự án".

V.C

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.