Làm 1 đồng phá 10 đồng thì chết

06/06/2013 15:36 GMT+7

(TNO) Thảo luận tại tổ về luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) chiều 6.6, nhiều đại biểu lo ngại, luật mới khó có thể khắc phục được tình trạng làm 1 đồng, phá 10 đồng, xây chợ không có ai vào, làm cảng tàu thuyền không đậu...

>> Xử lý nghiêm với các quyết định gây lãng phí
>> Lãng phí là gì, ai chịu trách nhiệm ?
>> Đầu tư như thế thì lãng phí quá
>> Giận quá hóa... lãng phí
>> 30-40% thực phẩm bị mất mát và lãng phí

Ra quyết định đầu tư sai phải bị xử lý

Đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nêu, tình hình lãng phí ai cũng bức xúc khi hàng nghìn ha đất nông nghiệp thu hồi làm dự án bị bỏ hoang, giờ các địa phương phải trả lại đất cho dân. Chợ xây xong không ai đến họp, bến cảng làm xong không có tàu đến đỗ; đê kè vừa hoàn thành thì nghìn tỉ đồng cũng trôi sông. "Làm 1 đồng phá 10 đồng, chưa làm được gì đã phá thế thì nghiêm trọng quá”, ĐB bức xúc.

Vì vậy, ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng, việc sửa luật đạt mục tiêu chống lãng phí đặc biệt cần thiết nhưng cần thay đổi nguyên tắc làm luật tư duy theo nếp cũ. Đặc biệt, chú trọng đến việc quyết định đầu tư mà gây lãng phí, ra quyết định sai phải bồi thường.

"Cứ vẽ dự án ra để đầu tư, xong không biết sử dụng vào việc gì, rồi quyết toán, làm vậy thậm chí đây là tội. Phải bổ sung vào luật hình sự tội gây lãng phí, vì nó nghiêm trọng hơn tham ô, tham nhũng. Bởi công trình nghìn tỉ tham ô 100 triệu, nhưng rốt cuộc không hiệu quả phải vứt đi cả nghìn tỉ đồng”, ĐB Đỗ Văn Đương đề xuất.

 
ĐB Đỗ Văn Đương: "Làm 1 mà phá 10 như thế thì chết" - Ảnh: Ngọc Thắng

Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) dẫn lại ví dụ trường hợp thất thoát tài sản của Tập đoàn Vinashin, và cho rằng nguyên nhân không chỉ do tiêu cực, mà còn là điển hình của sự lãng phí. Vì vậy, luật phải sửa đổi khắc phục được tình trạng này để đi vào cuộc sống.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) trước khi đề xuất đã gói lại sự lãng phí có nguy cơ xảy ra cao nhất và thiệt hại nặng nhất nằm ở các lĩnh vực. Thứ nhất, tài sản nhà nước gồm trụ sở, ô tô, nhà. Thứ hai, chi tiêu từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN), năm 2013 dự toán 978.000 tỉ đồng. "Nếu chống lãng phí được 10% cũng lên tới vài chục nghìn tỉ đồng để chúng ta có tiền làm phúc lợi xã hội. Vậy mà năm nào tôi đi dự QH, cũng nghe kiểm toán báo cáo công trình vượt dự toán, một số nơi chi sai mục đích, lãng phí nghiêm trọng”, ĐB Trần Hoàng Ngân nêu.

Thứ ba là khu vực DN nhà nước, theo thống kê hiện cả nước còn 3.254 DN có vốn chủ sở hữu trên 1 triệu tỉ đồng, tổng nguồn vốn trên 5 triệu tỉ đồng. Dù nhiều DN hoạt động hiệu quả, nhưng theo ĐB Ngân đâu đó có nhiều DN lãng phí, gây thất thoát. Các lĩnh vực còn lại như khai thác quản lý, sử dụng tài nguyên. ĐB Ngân kiến nghị luật phải có hệ thống định mức tiêu chuẩn, định lượng sử dụng vốn, tài sản và đảm bảo cơ chế công khai; phải có chế tài xử lý hành chính, thậm chí là hình sự nếu gây lãng phí mức độ nghiêm trọng.

ĐB Đỗ Văn Đương đề nghị luật cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu từ những hành vi nhỏ nhất như không dùng xe công đưa vợ con đi chùa. Bởi nếu không cấp dưới sẽ rất dễ "noi gương” làm theo. "Phải quy định trách nhiệm pháp lý, chứ không phải chung chung, căn cứ tùy theo mức độ vi phạm trong đơn vị của mình, trước hết phải chịu trách nhiệm, kỷ luật, nếu nghiêm trọng thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Nói như vậy không phải nhằm xử lý ai cả, nhưng tính răn đe là quan trọng. Không để dự toán thấp quyết toán cao, cứ vẽ thêm ra”, ĐB Đương bày tỏ.

Anh Vũ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.