'Lão khùng' tìm mộ liệt sĩ: Ly kỳ tìm mộ anh trai

Quang Viên
Quang Viên
24/07/2021 09:00 GMT+7

Cứ đến tháng 7, ông giáo về hưu Nguyễn Sỹ Hồ, người đã lập nhiều kỷ lục trong việc tự nguyện tìm mộ liệt sĩ, lại “thở không nổi” vì có quá nhiều người nhờ tìm mộ người thân.

Dù vậy, ông giáo được nhiều người gọi là “lão khùng” vì “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này, cũng dành thời gian chia sẻ với Báo Thanh Niên những câu chuyện rất đặc biệt trong hành trình tìm mộ liệt sĩ của mình. 
Theo tâm nguyện của người cha, hơn 30 năm ròng ông Nguyễn Sỹ Hồ lặn lội khắp nơi để tìm mộ anh trai. Khi người cha gần như vô vọng, thì ông tìm được mộ anh.
“Nếu không có sự kiên trì, niềm tin vô bờ bến và sự mách bảo tâm linh nào đó… có thể tôi không tìm được mộ anh. Tôi cũng mong những gia đình đi tìm mộ liệt sĩ (LS) hãy dựa vào những hồ sơ, dữ liệu lưu trữ, thực chứng và có thể một số trường hợp phải thử ADN để tìm chính xác hài cốt LS”. Đó là lời ông Nguyễn Sỹ Hồ chia sẻ với chúng tôi khi nói về hành trình tìm mộ anh trai rất gian nan và không kém phần ly kỳ.

Manh mối từ tờ giấy khen

Anh trai ông Nguyễn Sỹ Hồ là Nguyễn Đăng Khoa, sinh năm 1950, nhập ngũ tháng 12.1969. Tháng 8.1971, người lính trẻ này được nghỉ phép thăm gia đình trước khi hành quân vào Nam chiến đấu, và từ đó biệt tin. “Sau giải phóng, hễ có bộ đội từ chiến trường miền Nam trở về, cha tôi đều đến hỏi thăm tin tức người con, nhưng ai cũng lắc đầu. Mỏi mòn chờ đợi, cuối năm 1977, gia đình chúng tôi mới nhận được giấy báo tử với thông tin: Nguyễn Đăng Khoa hy sinh ngày 15.10.1972 tại mặt trận phía nam”, ông Hồ tâm sự.
 'Lão khùng' tìm mộ liệt sĩ: Ly kỳ tìm mộ anh trai1

Giấy khen như “bửu bối” để ông Sỹ Hồ tìm mộ anh trai

Trong lúc ông Sỹ Hồ và gia đình không biết anh Đăng Khoa hy sinh cụ thể ở đâu tại mặt trận phía nam, thì có người kể trong chuyến công tác anh Khoa cùng với đại đội trưởng, chính trị viên đại đội và một lái xe đã bị bom mất tích. Sau đó một thời gian, anh bộ đội cùng quê từng chiến đấu ở miền Nam trở về cho cha ông Sỹ Hồ biết anh Khoa hy sinh tại Quảng Trị. “Hơn 30 năm gia đình chúng tôi có dịp là vào các nghĩa trang (NT) LS tỉnh Quảng Trị tìm mộ anh. Rồi cuối cùng đành tuyệt vọng nghĩ rằng anh Khoa là LS trong hàng ngàn LS chưa tìm thấy hoặc còn nằm đâu đó dưới đống gạch đá đổ nát của thành cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa 1972”, ông Sỹ Hồ nói.
May sao kỷ vật của anh Khoa mà gia đình còn giữ được là tờ giấy khen ố màu đã trở thành manh mối cho cuộc tìm mộ. Trước khi vào Nam chiến đấu, anh Khoa gửi về cho gia đình tấm giấy khen này với thành tích: "Hoàn thành tốt nhiệm vụ trong chiến dịch mở đường thắng lợi tại mặt trận B5" do thủ trưởng Trung đoàn 271 ký. Đầu năm 2008, gia đình ông Sỹ Hồ có điều kiện kết nối internet đăng mẩu tin tìm mộ LS, và ngày 20.7.2008 nhận được thư từ ban quản trị website nhantimdongdoi.org với nội dung: "Trung đoàn 271 thuộc Sư đoàn 5 hiện đóng tại H.Phú Giáo, Bình Dương, gia đình liên hệ với trung đoàn để biết được thông tin về LS...". “Niềm hy vọng trỗi dậy trong tôi, thúc giục tôi tìm bằng được nơi yên nghỉ của anh”, ông Sỹ Hồ tâm sự.
 'Lão khùng' tìm mộ liệt sĩ: Ly kỳ tìm mộ anh trai2

Hành trình tìm mộ anh trai liệt sĩ của ông Sỹ Hồ vô cùng gian nan vất vả

ẢNH: NGUYỄN LÊ

Tâm linh mách bảo

“Một buổi sáng đẹp trời, trước khi lên đường tới Trung đoàn 271, tôi đốt 3 nén nhang cầu khấn linh hồn anh tôi hãy chỉ đường dẫn lối. Và hình như lời khấn cầu đó linh nghiệm”. Đến Trung đoàn 271, ông Sỹ Hồ tìm được hồ sơ lưu trữ có tên người anh trong danh sách LS hy sinh từ 1972 - 1975. Nhưng hồ sơ ghi anh Khoa hy sinh ngày 16.4.1973 tại xã Mỹ Thạnh Đông, H.Đức Hòa, Long An chứ không phải ngày 15.10.1972 như trong giấy báo tử. “Tôi khóc òa lên như con trẻ. 31 năm qua, gia đình tôi đã làm giỗ cho anh không đúng ngày”, ông Sỹ Hồ bùi ngùi. Nhưng cuộc tìm mộ anh trai không đơn giản. Tại Long An, nơi người anh đã chiến đấu rồi hy sinh, Phòng LĐ-TB-XH H.Đức Hòa giới thiệu tới NTLS Đức Hòa. Tại đây, ông Sỹ Hồ lại “điên cả đầu” vì trong sổ quản trang không có tên người anh. Người quản trang cho ông Sỹ Hồ biết, nếu hy sinh tại xã Mỹ Thạnh Đông thì có thể được quy tập về NTLS Đức Huệ. Nhưng gia đình LS chới với, vì tại NTLS Đức Huệ có hơn 3/4 ngôi mộ LS chưa biết tên.
 'Lão khùng' tìm mộ liệt sĩ: Ly kỳ tìm mộ anh trai3

Ông Sỹ Hồ đến viếng mộ anh trai liệt sĩ

“Thất vọng nhưng không bỏ cuộc. Linh hồn người anh vẫn như luôn bên cạnh nhắc nhở tôi hãy kiên trì”, ông Sỹ Hồ thổ lộ. Bí mật dần dần được hé mở khi ông Sỹ Hồ quay trở lại Ban Chính trị Trung đoàn 271. Và lần này, trong đống hồ sơ đã ố vàng vì thời gian, có biên bản kiểm tra mồ mả LS đợt 2 ở khu vực Đức Hòa ghi thông tin anh Đăng Khoa được chôn cất tại xã Mỹ Thạnh Tây, H.Đức Huệ cùng với 6 đồng đội nữa. Tuy vậy, khi đến đây, chính quyền địa phương lại khẳng định làm ông giáo già rụng rời: Ở đây không có khu nào chôn 6 LS cả, nếu có thì quy tập về NTLS Đức Huệ rồi. “Hụt hẫng thêm lần nữa, nhưng linh tính tôi cảm nhận như mình sắp đi tới đích. Gia đình tôi lại quay về Trung đoàn 271. Trong đầu nghĩ, nếu trong sổ ghi chép đã có tên của từng LS chôn tại Mỹ Thạnh Tây thì hẳn phải có sơ đồ chôn của đồng đội để lại mới có thể ghi chép rõ ràng như vậy”.
Suy diễn của ông Sỹ Hồ đã đúng. “Cả buổi chiều tìm trong những tập hồ sơ ngồn ngộn, và khi tôi đã thở dài ngao ngán thì tấm bản đồ chôn cất LS hiện ra. Trên tấm bản đồ này ghi rất rõ ràng: 7 LS hy sinh tại ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Thạnh Tây được chôn tại ấp Voi, xã Mỹ Thạnh Tây (Đức Huệ, Long An), trong đó có tên anh tôi”, ông Sỹ Hồ kể. Tiếp tục hành trình, ông Sỹ Hồ cùng gia đình gặp được ông Sáu Dân (bộ đội địa phương thời kỳ 1972 - 1975), người tham gia trực tiếp chôn cất 7 LS và được xác nhận: “Sau giải phóng, 7 mộ LS được chôn tại đây, đến năm 1982 đã quy tập về NT Đức Huệ”. Gia đình ông Sỹ Hồ còn bùi ngùi xúc động khi biết anh Đăng Khoa là một trong 11 người có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu được cử đi dự đại hội chiến sĩ thi đua. Trên đường đi đến địa điểm tổ chức đại hội, họ lọt vào trận địa phục kích của địch và đã anh dũng hy sinh.
Vui mừng vì từ nay đã biết chính xác ngày anh hy sinh và nơi hy sinh, tự hào về trường hợp hy sinh của anh, nhưng gia đình ông Sỹ Hồ vẫn day dứt với câu hỏi: Trong 7 nấm mồ LS chưa biết tên, ai là LS Nguyễn Đăng Khoa? Và ông Nguyễn Sỹ Hồ đã có câu trả lời bằng phương pháp thử ADN. (còn tiếp)
Phản đối ngoại cảm, tin vào phương pháp thử ADN
“Có người khuyên nên tìm đến nhà ngoại cảm để xác định mộ nào có hài cốt của anh Khoa nhưng tôi đã cương quyết từ chối. Hành trình tìm anh của gia đình tôi suốt hơn 30 năm không thể cuối cùng chấp nhận với giải pháp mơ hồ này. Tôi bàn với 6 gia đình LS lấy mẫu đối chứng xét nghiệm ADN. Kết quả giám định gien của Viện Công nghệ sinh học Việt Nam công bố chính xác tên các LS, trong đó có anh trai của tôi”, ông Nguyễn Sỹ Hồ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.