‘Lệ làng’ ở Arieu

04/03/2017 10:26 GMT+7

Nơi lưng chừng mây trắng, giữa núi rừng Trường Sơn, một ngôi làng người Cơ Tu đã tự thảo ra một “bộ luật” độc đáo, đủ để tạo nên kỷ cương nhưng cũng thấm đẫm tính nhân văn...

Ngôi làng mà chúng tôi nhắc đến là Arieu (thuộc xã Tr’Hy, H.Tây Giang, Quảng Nam).
Phạt nặng “bắt vợ, bắt chồng” trước tuổi
Chỉ có những người bản địa thông thuộc địa hình mới dám cầm lái xe máy, vượt cung đường rộng chỉ vài tấc, mong manh như sợi chỉ vắt qua cả chục quả núi để vào Arieu. Dọc đường đi, anh cán bộ xã Pơloong Chới liên tục nhắc “đừng nhìn xuống vực mà ngợp” rồi anh liên tục bẻ lái, hãm phanh, rồ ga xe mới đến được chân cầu treo. Ngày mưa hay nắng, để đặt chân đến làng, khách đều phải cuốc bộ thêm nửa giờ đồng hồ nữa. Bởi không ai đủ dũng cảm cho xe leo con dốc Ti Căn dựng đứng như mái Gươl (nhà làng). Ngay cả những người thuộc hàng “tay lái lụa” như Chới khi đến chân núi cũng phải ngã mũ chào thua. Chính sự biệt lập bao đời đã hình thành nên một Arieu đậm nét văn hóa của người Cơ Tu với mấy chục nóc nhà sàn quây quần trên ngọn núi cao, với những con người hiếu khách và “lệ làng” độc đáo.
Chúng tôi tạt vào nhà của Pơ Loong Mơi (50 tuổi) nhấp chén nước và cố gắng hỏi chuyện về ngôi làng. Thế nhưng vì ông Mơi không rành tiếng Kinh nên đành ngồi chờ thanh niên trong làng đi làm về. Thấy tôi có vẻ băn khoăn vì làng vắng người, Chới liền giải đáp: “Ở làng này, trai tráng trong làng chăm lo làm ăn lắm chứ không rượu chè bê tha, lười đi rẫy hay đánh đập vợ con đâu. Cũng nhờ “bộ luật” riêng của làng cả đấy…”. “Bộ luật” mà Chới nhắc đến không có tên nhưng hễ đã là người làng thì ai cũng thuộc. “Không thuộc thì cũng phải cố mà thuộc vì nếu không nhớ rồi làm bậy, làm sai thì không chịu nổi tiền phạt đâu”, Clâu Vũ (36 tuổi) đặt chiếc gùi có chứa ít rau rừng xuống đất, góp chuyện.
Luật làng Arieu “đánh” vào tất cả vấn đề, từ an ninh trật tự, hôn nhân gia đình cho đến tình làng, nghĩa xóm... Mọi thứ đều được “khép vào” luật để thi hành. “Uống rượu vào mà gây rối, bị phạt từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng, tùy nặng nhẹ. Nghe khiếp chưa. Ở đây dễ chi kiếm ra từng đó tiền để nộp phạt. Thanh niên uống rượu xong, tức giận nhau cái chi thì cũng bỏ qua hết. Nhớ luật là sợ liền”, Vũ tiếp lời. Luật làng cũng quy định, nếu không có tiền thì nộp của, như: chum, chiêng, ché… có giá trị tương đương. Nếu không có của thì lấy lúa ra nộp. Hình thức nộp phạt này cũng áp dụng cho các “mảng” khác. Vũ lấy ví dụ, năm ngoái, con gái Zơrâm Bun là Zơrâm Bê phải nộp cho làng 1 triệu đồng vì “bắt chồng” sớm hơn 1 tuổi so với quy định. “Thấy con trai làng bên đẹp, nó bắt chồng khi mới 17 tuổi. Thế thì phải chịu phạt thôi”, Clâu Vũ kể, theo quy định của làng, con trai phải trên 20 tuổi và con gái trên 18 tuổi mới được “bắt vợ, bắt chồng” nhằm chống lại nạn tảo hôn.
Luật trọng tình làng
Giữa trưa, Arieu trở nên đông vui hơn khi dân làng từ rẫy trở về. Và câu chuyện về “bộ luật Arieu” được nhiều người kể ra càng trở nên thú vị. Già làng Zơrâm Bhơơnh kể, hồi chưa “làm luật”, thanh niên trong thôn cứ có vài ba ly rượu vào là xách xe ra biểu diễn, rú ga, nẹt pô ầm ĩ. Người già không ưng cái bụng, la mắng nhưng đám trai làng không nghe. “Mấy đứa nó cười khanh khách còn chúng tôi nói mãi không được cũng bất lực. Nhưng 2 năm trở lại đây thì khác. Không đứa nào dại mà nẹt pô, lạng lách… để chịu phạt cả”, già Bhơơnh cho biết, luật quy định tiền phạt cho “hành vi” này là từ 100.000 đồng trở lên. Thanh niên nào tái phạm hay lì lợm cứ thế nhân số tiền ra mà nộp.
Còn Clâu Vũ thì nhớ rõ câu chuyện, năm ngoái, làng phạt ông Clâu A Mé ở làng bên 1 triệu đồng vì để trâu vào phá nát ruộng lúa cạn của ông Clâu Nhia. “Trâu của mình thì phải lo mà chăm chứ. Thả rông lung tung để đi vào rẫy người ta thì phải lo đền thôi. Chứ không đền thì người ta lấy gì ăn. Vì có luật rồi nên A Mé cũng vui lòng mà nộp phạt thôi”, Vũ nhớ lại. Vũ bảo, người Cơ Tu trọng tình làng nên luật đề ra quy định phạt này là để không xảy ra chuyện hai nhà tự giải quyết không thành dẫn đến xích mích kéo dài. “Theo luật phân xử thì ai cũng vui vẻ cả”, Vũ nói thêm. Riêng về chuyện trai làng trót đánh nhau, ngoài việc phải nộp phạt thì cả hai còn phải chịu phạt một con dê để làng cúng hòa giải. Bởi theo quan niệm của người Cơ Tu, đánh nhau là điềm xấu khiến mảnh đất của làng xấu theo. Cũng nhờ có luật, 2 năm qua, ở Arieu không hề xảy ra vụ đánh nhau nào như trước đây.
Đàn ông trong làng uống nước lá và ăn mía nói chuyện, chứ không chè chén say sưa Ảnh: Hoàng Sơn

“Bộ luật Arieu” đặc biệt “hà khắc” với “tội danh” ngoại tình. Ai trót ngoại tình thì có bán nhà cũng trả không đủ. Nhẹ thì phạt 5-6 triệu đồng, nếu không có tiền thì nộp heo cho làng. Nặng thì phạt 20-30 triệu đồng, tương đương con trâu, con bò. “Ở Arieu nhà nào cũng nghèo, với mức phạt đó thì không ai dám tòm tem gì. Vì lỡ mà bị làng phát hiện thì gom góp tài sản chắc chi đã đủ. Thế nên từ khi có luật, trong làng chưa ai phải chịu tội này”, già Bhơơnh nói.
“Bộ luật” của đoàn kết
Arieu là ngôi làng còn “sót lại” của xã Tr’Hy chưa có điện, đường. Bao năm biệt lập giữa rừng già, 157 con người trong làng sống tựa vào nhau và chủ yếu tự cung tự cấp. Chính vì sự cố kết có từ bao đời mà hôm thảo luật cho làng, những người già, uy tín, những cán bộ thôn… dặn nhau làm sao phải công bằng, để “bộ luật” uốn nắn từng cá nhân nhưng không gây chia rẽ. Với suy nghĩ không áp đặt và buộc người dân phải nghe theo, trước khi “bộ luật Arieu” được thông qua, làng đã có một cuộc họp kéo dài đến tận khuya để tiếp tục thảo luận. Già làng Zơrâm Bhơơnh nhớ lại, hôm đó, khi đọc đến “điều khoản” uống rượu say, gây lộn với mức phạt hàng trăm ngàn đồng nhiều đàn ông trong làng đã phản ứng vì cho rằng quá cao. “Hội đồng” luật đã phải hạ mức phạt xuống đến khi cả làng đồng ý mới được. “Luật là để mọi người làm theo, còn không thì có luật cũng như không. Do đó phải dân chủ, phải để cả làng thông qua”, già Zơrâm Bhơơnh nói.
Luật Arieu đề cập đến vấn đề dân số cũng đưa ra mức phạt cao cho trường hợp hộ nào sinh con thứ 3. Nhưng cũng nhân văn ở chỗ, cả làng sẽ xem xét cụ thể để đưa ra mức phạt thấp hoặc phê bình đối với những gia đình quá nghèo khó. Như anh Pơloong Yếu (30 tuổi) và chị Bling Thị Vân (29 tuổi) trót có thêm đứa con gái thứ 3 đã bị làng phê bình rất dữ. Nhưng khi xét gia cảnh khó khăn làng đã “du di” cho vợ chồng trẻ. “Xấu hổ lắm. Mấy năm qua, ai cũng chấp hành cả chỉ mình là lỡ lầm thôi… Mình sẽ không bao giờ tái phạm nữa”, Yếu tỏ ra có lỗi khi vi phạm “luật” làng. Luật Arieu cũng có nội dung công khai rõ ràng số tiền phạt thu được sẽ đưa vào quỹ chung để thăm những người ốm đau, hỗ trợ những nhà thiếu ăn hay dùng để mua quà, bánh khi có hội làng.
Chúng tôi đang “say chuyện” trong Gươl bỗng ngoài sân chộn rộn tiếng của thanh niên hò nhau đi khiêng tủ giúp một gia đình cuối làng. Thấy tôi ghé mắt nhìn qua khe cửa, già Bhơơnh cười: “25 năm từ ngày cả làng rời núi A Nót để về Ti Căn này, việc giúp nhau đã thành lệ. Cứ nhà nào có việc thì trai tráng đều xúm lại giúp một tay. Nhà nào nghèo thì người làng mang lúa, sắn, ngô đến cho... Ở đây nghèo nhưng không có nhà nào đói”.
Làng Cơ Tu làm thủy điện
Tuy lưới điện quốc gia vẫn chưa kéo vào Arieu nhưng cả ngày lẫn đêm, trong làng đều có ánh điện sáng trưng. Hỏi ra mới biết, người dân đã học cách làm hệ thống thủy điện chạy bằng tua bin từ nhiều năm qua. Nhà nào có điều kiện thì sở hữu luôn một chiếc, khó khăn hơn thì 2-3 nhà cùng chung nhau. Đập ngăn dòng được đặt cách làng khoảng 1 km tại một con suối có độ dốc cao.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.