Lệ làng thời nay - Bài cuối: 'Người trẻ đang công phá những tập tục lỗi thời, lạc hậu'

06/05/2014 00:05 GMT+7

(TNO) Đó là chia sẻ của Phó giáo sư, tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) xung quanh loạt bài Thanh Niên Online đã phản ánh về những câu chuyện lệ làng vẫn đang diễn ra ở nhiều làng quê.

(TNO) Đó là chia sẻ của Phó giáo sư, tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) xung quanh loạt bài Thanh Niên Online đã phản ánh về những câu chuyện lệ làng vẫn đang diễn ra ở nhiều làng quê.

>> Lệ làng thời nay - Bài 1: Cấm yêu!
>> Lệ làng thời nay - Bài 2: Bát nhang và rào cản tình yêu
>> Lệ làng thời nay - Bài 3: Một tháng chỉ được cưới hai ngày
>> Lệ làng thời nay - Bài 4: Hóa giải lời nguyền
>> Một trường hợp chết oan vì hủ tục
>> Rùng rợn hủ tục hiến tế thần linh

Trái ngược luật hôn nhân gia đình

Ông nhìn nhận, đánh giá chung như thế nào về lệ làng trong đời sống của người dân ở các làng quê bây giờ?

Câu chuyện về lệ làng ở mỗi làng quê khác nhau đều là một trường hợp cá thể riêng biệt nhưng đều gặp nhau ở một chỗ có tính chất chung là những quy định, những chuẩn mực xưa cũ để lại thì nó đi trái ngược tinh thần luật hôn nhân gia đình, ánh sáng phong hóa trong giai đoạn sau này. Những hương ước, lời nguyền hình thành trên cơ sở của những dòng họ lớn trong làng luôn có tính chất thiêng liêng với các cộng đồng quần cư quy tụ từ lâu đời. Nó có thể trở thành quy ước thành văn hoặc không thành văn có tính chất đeo đẳng với cả cộng đồng. Cùng với sự phát triển đời sống văn hóa, sự dịch chuyển dân cư và tác động của rất nhiều chiều tăng trưởng kinh tế xã hội… những quy tắc ngược lại tinh thần chung vẫn đang bị công phá từng ngày từng giờ.

Tại sao những hương ước, lệ làng vẫn còn được duy trì qua thời gian?

Những hủ tục chật chội, lạc hậu, phi lý như thế vẫn tồn tại, trước hết gốc rễ của nó là tính bảo lưu văn hóa truyền thống.  Bảo lưu một cách phản động những tập tục có tính chất chống lại tiến bộ trong khi chủ trương xây dựng gia đình văn hóa, bình đẳng, văn hóa, hạnh phúc, tiến bộ... đối chọi rất mạnh mẽ. Tôi cho rằng ở thời điểm nào mà tâm lý tiểu nông vẫn còn bén rễ thì kiểu phép vua thua lệ làng vẫn còn đất để tồn tại.

Thứ hai, do sự trì trệ bảo thủ ít nhiều của tư tưởng Nho giáo. Nếu tiểu nông thuần túy thì chỉ có khẩu ước, người dân truyền miệng và quên rất nhanh còn khi có thêm văn tự của Nho giáo sẽ được chuyển hóa thành văn bản mang tính thâm căn cố đế. Hơn nữa khi nó được truyền đạt qua kênh của những người có học vấn tiếp tục sẽ ăn sâu trong các họ tộc và sâu trong các cộng đồng.

Thứ ba, do áp lực của đời sống cộng đồng quá lớn. Có vùng còn có hẳn cả điều luật để xử phạt, có vùng nhẹ nhàng hơn là sự lên án của cộng đồng dân cư khiến người dân ở nơi đó không dám đi ngược lại.

Quan điểm của riêng ông về những hương ước, lệ làng còn duy trì tới hôm nay?

Tôi không tán thành những hủ tục không có logic về mặt khoa học, mặt tổ chức cộng đồng. Tôi thấy những tập tục tẩy chay vô lối theo kiểu như cấm trai gái kết hôn ở 2 ngôi làng Xuân Biều và Cẩm Hoàng ở Hiệp Hòa, Bắc Giang không được phép tồn tại trong giai đoạn này. Ngay cả luật pháp cũng quy định trong cùng một họ tộc thì sau 3 đời vẫn được kết hôn, chứ hai làng ở đây hoàn toàn không có mối quan hệ huyết thống.

Giới trẻ phải tự cởi trói cho mình

Theo ông, đến bao giờ những lệ làng kiểu như thế mới được thay đổi?

Tôi cho rằng những cái sai trái trì trệ như thế sẽ không còn đất để tồn tại. Tôi dám chắc rằng với sự công phá của quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự di cư, không lâu lắm sẽ thay đổi được. Cho tới nay những lề thói cổ hủ vẫn chưa bị phá dỡ thì đó chính là xiềng xích, gông cùm đè nặng lên tình cảm tươi mới, đột khởi của giới trẻ. Chính người trẻ là người phá bỏ chế định chật chội lạc hậu lỗi thời và phi lý như thế để tự cởi trói cho chính mình. Nhiều bạn trẻ đã rung động rồi đi tới hôn nhân thậm chí chối bỏ hàng xóm, chối bỏ gia đình để quyết đến với nhau. Tôi ủng hộ giới trẻ để công phá hủ tục lạc hậu. Đó chính là cú hích nhỏ để thay đổi, công phá và trên thực tế cũng có nhiều ngôi làng đã phá bỏ được những hủ tục lạc hậu.

 
Chính người trẻ là người phá bỏ chế định chật chội lạc hậu lỗi thời và phi lý như thế để tự cởi trói cho chính mình
PGS.TS Trịnh Hòa Bình

Lệ làng ra đời đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng, hệ thống nhu cầu của người trong làng… Không phải lệ làng nào cũng xấu. Như quy ước cả tháng cho phép 2 ngày tổ chức đám cưới, không xấu thậm chí lợi thực hiện cũng được. Tuy nhiên chuyện tuyệt đối hóa là không nên. Chẳng hạn như cho tới bây giờ, chuyện cấm kết hôn đã trở thành gánh nặng, rào cản không còn phù hợp hệ thống quan hệ mới đã mở ra. Lệ làng giống như vỏ ngoài là quần áo mặc chật, khi cơ thể lớn lên sẽ đến lúc chiếc váo vỏ bọc đó bị nứt vỡ.

Ở những làng quê còn giữ những hủ tục lạc hậu đó, chính quyền địa phương là người ngoài cuộc?

Chính quyền địa phương có trách nhiệm chứ. Chúng ta thường nói không mang “bục công an đặt vào giữa trái tim người” nhưng có thể nói thế này, chính quyền là người quản lý cộng đồng, quản lý toàn diện, nếu hủ tục đó không có lợi cho sự phát triển thì chính quyền phải có ý kiến, phải can thiệp chứ.

Hương ước, khoán ước (hay còn gọi nôm na là lệ làng) ở Việt Nam xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ XV. Đó là những quy ước liên quan đến các mặt của đời sống làng xã được ghi chép thành văn bản (cũng có thể gồm cả những điều lệ không được ghi chép mà truyền khẩu trong dân gian) được cộng đồng làng xã cùng nhau tuân thủ. Hương ước quy định về hầu hết các mặt hoạt động của làng xã người Việt như cách tổ chức và hoạt động của các thiết chế tổ chức trong làng xã; các hội tư văn, tư võ, hội thiện, phe giáp, xóm ngõ; các hoạt động xã hội như hội hè đình đám, tế lễ, tuần phòng, khao vọng, giao hiếu; và một số hoạt động kinh tế. Những quy ước này vừa có những nét chung vừa mang những nét riêng biệt của mỗi làng Việt.

(PGS.TS Bùi Xuân Đức - Viện nghiên cứu Nhà nước và pháp luật)

Nguyễn Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.