Lo bình cứu hỏa nổ trong xe

Theo quy định của Thông tư 57, từ 6.1 xe 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị bình cứu hỏa . Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo chính bình này có thể phát nổ trong xe, và thực tế đã từng xảy ra.

Theo quy định của Thông tư 57, từ 6.1 xe 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị bình cứu hỏa. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo chính bình này có thể phát nổ trong xe, và thực tế đã từng xảy ra.

Bãi đậu xe ngoài trời hiện phổ biến ở nước ta - Ảnh: Diệp Đức MinhBãi đậu xe ngoài trời hiện phổ biến ở nước ta - Ảnh: Diệp Đức Minh
Theo chuyên gia - kỹ sư ô tô Nguyễn Minh Đồng, bình cứu hỏa được khuyến cáo không để ngoài ánh sáng và nơi nhiệt độ quá 55 độ C. Trong khi đó, nhiệt độ trong xe hơi để ngoài trời trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như VN có khi lên tới 70 - 80 độ C, chưa kể xe màu đen còn hấp thụ nhiệt nhiều hơn. Vì vậy, sẽ dẫn đến nguy cơ không an toàn cho xe cũng như người sử dụng xe.
Trong trường hợp xe cháy, người ngồi trong xe có thể chạy được. Ngược lại, bình chữa cháy nổ trong xe thì không thể chạy được. Tôi đã đi 40 - 50 nước vẫn chưa thấy nước nào quy định để bình chữa cháy trên xe
Chuyên gia - kỹ sư ô tô Nguyễn Minh Đồng
“Việc xe di chuyển liên tục cũng sẽ khiến dung dịch trong bình bị sốc, tạo áp suất cao. Vì vậy, khi mở bình ra để xịt rất dễ bị nổ do khí CO2 bị nén, giống như để chai bia ngoài trời nắng nóng rất dễ nổ”, ông Đồng nói.
Nổ ai chịu trách nhiệm?
Là kỹ sư nhiều năm làm việc cho một hãng sản xuất ô tô lớn tại Đức, đồng thời thường xuyên lái ô tô tại những nước khu vực châu Âu, Mỹ, ông Đồng cho rằng quy định của Thông tư 57 không khoa học.
“Tại Đức, Mỹ có quy định mỗi xe phải có hộp cứu thương, sát trùng để băng bó vết thương chứ không có quy định bình chữa cháy. Hơn nữa, tại các cường quốc về ô tô thường có quy định danh mục những dụng cụ để bên trong xe khi không may xảy ra tai nạn được xem như vũ khí, tức gây tác động xấu cho người ngồi xe. Cho nên, thiết kế xe không có chỗ để kính, viết... trên táplô”, ông Đồng nói và cho rằng chỉ những chiếc xe chuyên dụng chở những mặt hàng dễ cháy như xăng dầu, vật liệu dễ nổ... thì mới cần trang bị bình chữa cháy, nhưng tài xế phải được đào tạo nghiệp vụ sử dụng để chữa cháy.
“Trong trường hợp xe cháy, người ngồi trong xe có thể chạy được. Ngược lại, bình chữa cháy nổ trong xe thì không thể chạy được. Tôi đã đi 40 - 50 nước vẫn chưa thấy nước nào quy định để bình chữa cháy trên xe. Không thể vì một chiếc xe bị cháy mà bắt hàng triệu xe phải mua bình chữa cháy. Còn nếu bắt buộc có bình chữa cháy trong xe thì bình đó phải chịu được nhiệt độ 100 độ C, mà loại bình này chắc chắn không có chỗ nào bán”, ông Đồng nói.
Tiến sĩ - chuyên gia giao thông Phạm Sanh cũng cho rằng, nguy cơ bình chữa cháy phát nổ trên xe là cao, khi xe để ngoài trời nắng. “Chưa kể, gặp bình chữa cháy chất lượng kém thì rất đáng sợ, nhất là gia đình có trẻ em ngồi trên xe”, ông Sanh nói và đặt câu hỏi: “Nếu không may bình chữa cháy trên xe bị nổ thì ai chịu trách nhiệm?”.
Bình chữa cháy mini hầu hết từ Trung Quốc - Ảnh: Minh Sang
“Đang hoàn thiện tài liệu hướng dẫn”
Trả lời Thanh Niên hôm qua, đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), nhìn nhận đã có trường hợp bình cứu hỏa phát nổ trong xe, nhưng số liệu cụ thể thì “đang tiến hành xác minh”. Về nguyên nhân phát nổ, ông Thắng cho rằng cần phải xem xét đầy đủ các khía cạnh như chất lượng bình, vị trí lắp đặt, yếu tố vật lý tác động.
"Sau khi Thông tư 57 có hiệu lực vào ngày 6.1, chúng tôi ghi nhận nhiều luồng ý kiến trái chiều từ dư luận. Trong đó, đa phần người dân ủng hộ và chấp hành quy định mới này. Hiện không chỉ VN mà có ít nhất 15 nước áp dụng quy định tương tự, trong đó có nước lớn như Nga. Về thời gian áp dụng xử phạt, theo đúng luật có thể xử phạt ngay, nhưng để người dân có thời gian nắm rõ, trước mắt, Cảnh sát PCCC và CSGT chỉ kiểm tra, nhắc nhở”, ông Thắng nói.
Về vị trí lắp đặt bình chữa cháy trong xe để đảm bảo an toàn và lấy kịp thời khi xảy ra cháy, ông Thắng nhìn nhận hầu hết các loại xe 4 - 9 chỗ đều không thiết kế vị trí đặt bình chữa cháy. “Chúng tôi đang hoàn thiện tài liệu hướng dẫn chi tiết về các cách lắp đặt, sử dụng phương tiện PCCC trên ô tô và sẽ đăng trên cổng thông tin của Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ đồng thời tuyên truyền rộng rãi để các chủ phương tiện, cơ quan tham khảo. Một số vị trí được khuyến cáo để đặt bình cứu hỏa như hốc đựng đồ ở cánh cửa xe, dưới ghế ngồi. Lưu ý, không nên lắp bình cứu hỏa ở sát cửa kính vì dễ hấp thụ nhiệt, hoặc những vị trí dễ va đập”, ông Thắng cho biết.
Ông Thắng nhìn nhận, thời tiết ở VN rất nóng, khi đỗ ngoài trời thì nhiệt độ bên trong ô tô có thể lên tới trên 60 độ C và lo ngại bình chữa cháy bị nổ của người dân là có cơ sở. “Nhiệt độ cao là một trong những nguyên nhân gây nổ bình chữa cháy. Tuy nhiên, với những bình đảm bảo chất lượng, có tem kiểm định, nhà sản xuất đã nghiên cứu mức độ chịu nhiệt lớn hơn so với mức khuyến cáo từ - 7 độ C đến 55 độ C”, ông Thắng nói và khuyến cáo: “Chỉ những bình cứu hỏa có tem kiểm định mới được phép lưu hành và sử dụng, nếu dùng bình không đạt chuẩn, chủ phương tiện vẫn bị xử phạt theo quy định”.
Ông Thắng cho biết, trong năm 2015 đã xảy ra 182 vụ cháy xe trên toàn quốc. “Trong những trường hợp chập điện, lỗi kỹ thuật gây cháy xe, nếu người dân sử dụng bình chữa cháy kịp thời và đúng cách, hoàn toàn có thể khống chế được đám cháy”, ông Thắng nói.
Theo Cục Đăng kiểm VN, trang bị bình cứu hỏa trên ô tô không phải là điều kiện để đăng kiểm xe cơ giới. Việc kiểm định được thực hiện theo quy định Thông tư số 70 của Bộ GTVT, còn Thông tư số 57 của Bộ Công an quy định về kiểm soát trên đường. Khi đăng kiểm, các trạm đăng kiểm chỉ nhắc nhở chủ xe về quy định liên quan tới trang bị bình chữa cháy.
Cục Đăng kiểm cũng khuyến cáo không gian xe 4 chỗ thường nhỏ nên khi xảy ra cháy nổ, tốt nhất người trong xe nên rời ra xa thay vì cố gắng tìm hoặc mở cốp tìm bình chữa cháy.

Phát hiện bình giả
Ngày 6.1, một lượng lớn bình chữa cháy giả bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ tại Công ty TNHH xuất nhập khẩu và phát triển Ngọc Linh (ngõ 1295/11 Giải Phóng, P.Thịnh Liệt, Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội). Thời điểm kiểm tra, lực lượng liên ngành còn thu giữ nhiều tem giả có in chữ của Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật PCCC, Trường ĐH PCCC, vật liệu dung dịch để sản xuất bình chữa cháy giả. Chủ cơ sở là Lê Trung Thành (35 tuổi, ngụ ở H.Ba Vì, TP.Hà Nội) khai mua số bình chữa cháy đã qua sử dụng trôi nổi trên thị trường, sau đó “tái chế” lại, dán nhãn mác và cung cấp ra thị trường với giá từ 40.000 - 50.000 đồng/bình.
Vụ việc khiến nhiều người dân lo ngại về chất lượng bình chữa cháy mini đang bán trên thị trường. Theo khảo sát của PV Thanh Niên, bình chữa cháy mini tại Hà Nội những ngày qua bán rất chạy. Tại một số tuyến phố chuyên bán dụng cụ bảo hộ như Yết Kiêu, Nguyễn Du, Lê Duẩn, khu chợ trời trên phố Huế... nhiều điểm kinh doanh “cháy hàng”. Các loại bình dạng bọt (sử dụng một lần) dung tích 500 ml, 1.000 ml bán rất chạy. Nếu như ngày đầu tiên Thông tư 57 có hiệu lực, giá các loại bình còn dao động từ 70.000 đồng đến hơn 300.000 đồng tùy loại, thì ngày 8.1, giá bình tăng gấp 3 - 4 lần. Đáng chú ý, một số chủ cửa hàng thừa nhận, chủ yếu bình trên thị trường có xuất xứ Trung Quốc. Ngoài ra, còn có một số loại bình được giới thiệu sản xuất từ một số nước như Nhật Bản, Ý... nhưng không rõ ràng về tem nhãn.
Trước một số thông tin dư luận nghi ngờ việc tồn tại lợi ích nhóm khi ban hành Thông tư 57, đại tá Đoàn Hữu Thắng khẳng định “không có lợi ích nhóm trong việc này”. “Chúng tôi quán triệt các cán bộ của Cục không mua hộ bình, giới thiệu khách hàng cho doanh nghiệp hay buôn bán dễ gây hiểu nhầm là có lợi ích nhóm. Nếu cán bộ vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”, ông Thắng nhấn mạnh.
Hà An - Minh Chiến
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.