Lũ trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đang lên nhanh

17/11/2007 17:35 GMT+7

* Các địa phương miền Trung cần quyết định xả nước hồ chứa khi lũ tràn về (TNO) Mưa to, lũ đang lên nhanh; khả năng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng thấp, hạ lưu các sông có thể xảy ra. Đó là cảnh báo do TTDBKTTV T.Ư đưa ra trong bản tin phát lúc 15h hôm nay 17.11, cho tình hình thời tiết các tỉnh miền Trung.

Mực nước lúc 13 giờ ngày 17.11 trên các sông như sau:

- Sông Bồ tại Phú Ốc (Thừa Thiên Huế): 2,39m, dưới BĐ2: 0,61m;
- Sông Hương tại Kim Long (Thừa Thiên Huế): 1,41m, dưới BĐ2: 0, 09m;
- Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa (Quảng Nam): 6,60m, trên BĐ1: 0,20m;
- Sông Trà Bồng tại Châu Ổ (Quảng Ngãi): 3,12m, ở mức BĐ2;
- Sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc (Quảng Ngãi): 4,74m, trên BĐ2: 0,54m;
- Sông Vệ tại trạm Sông Vệ (Quảng Ngãi): 3,97m, dưới BĐ3: 0,13m;
- Sông Lại Giang tại Bồng Sơn (Bình Định): 6,64m, trên BĐ2: 0,14m;.
- Sông Kôn tại Thạch Hoà (Bình Định): 7,11m, dưới BĐ3: 0,39m.

Dự báo trong 24 giờ tới, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có mưa vừa, mưa to đến rất to; lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Định, Kon Tum và Gia lai tiếp tục lên; tối và đêm nay, lũ trên các sông như sau:

- Các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Bình Định có khả năng lên trên mức BĐ3 từ 0,1 – 0,5m: tại trạm Kim Long lên mức 3,5m (trên BĐ3: 0,5m), tại Châu Ổ lên mức 4,5m (trên BĐ3: 0,4m), tại Trà Khúc lên mức 6,0m (trên BĐ3: 0,3m), tại trạm Sông Vệ lên mức 4,6m (trên BĐ3: 0,5m), tại Bồng Sơn lên mức 8,2m (trên BĐ3: 0,2m), tại Thạch Hòa ở mức: 7,7m (trên BĐ3: 0,2m).

- Các sông ở Quảng Nam, Đà Nẵng lên mức BĐ2 đến BĐ3: tại Ái Nghĩa lên mức 8,5m (dưới BĐ3: 0,4m), tại Cẩm Lệ lên mức 1,5m (dưới BĐ3: 0,2m), tại Câu Lâu lên mức 3,1m (ở mức BĐ2), tại Hội An lên mức 1,5m (dưới BĐ3: 0,2m).

- Các sông ở Quảng Trị và bắc Tây Nguyên lên mức BĐ1 đến BĐ2.

* Theo tin từ TTXVN, tại cuộc họp ngày 17.11 ở Hà Nội, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương nhận định, hiện nay các hồ chứa ở các khu vực trên đã đầy nước, để đối phó với đợt lũ mới từ ngày mai (18.11), các địa phương cần quyết định việc xả nước hồ trước khi lũ về vừa đảm bảo an toàn hồ chứa, giảm lũ cho hạ du và tích nước cho mùa khô.

Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố: Quảng Bình; Quảng Trị; Thừa Thiên Huế; Đà Nẵng; Quảng Nam; Quảng Ngãi; Bình Định; Phú Yên; Khánh Hoà; Ninh Thuận; Bình Thuận; Tây Ninh; Bình Phước; Gia Lai; Kom Tum; Đắk Lắk; Lâm Đồng; Đắk Nông; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Bộ Công Thương căn cứ vào hiện trạng các hồ chứa, bản tin dự báo mưa lũ của Trung tâm khí tượng thuỷ văn Trung ương và tình hình mưa, lũ thực tế tại địa phương để quyết định và chỉ đạo việc xả bớt nước hồ trước khi có đợt lũ tới.

Ngày 16.11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp với Ban chỉ đạo PCLBTƯ, Uỷ ban QGTKCN và đại diện các Bộ, ngành chỉ đạo công tác triển khai khắc phục hậu quả của các đợt mưa lũ ở miền Trung vừa qua và chuẩn bị đối phó với đợt lũ mới.

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xuất 100 tấn gạo hỗ trợ cho các huyện (Phong Điền, Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang, thành phố Huế, Hương Thuỷ, Phú Lộc, Nam Đông và A Lưới). Ngoài ra, tỉnh cũng chuẩn bị để tiếp nhận và phân phối 115 tấn mì ăn liền hỗ trợ của Chính phủ cho người dân. Thành phố Đà Nẵng đã xuất 130 tấn gạo cho các huyện (Hoà Vang 40 tấn, Liên Chiểu 15 tấn, Sơn Trà 15 tấn, Cẩm Lệ 30 tấn, Ngũ Hành Sơn 30 tấn) và 10.500 thùng mì ăn liền cho các huyện (Hoà Vang 4.000 thùng, Liên Chiểu 1.000 thùng, Sơn Trà 500 thùng, Hải Châu 500 thùng, Thanh Khê 500 thùng, Cẩm Lệ 2000 thùng, Ngũ Hành Sơn 2000 thùng). Đồng thời xuất 5 tỷ đồng để khắc phục các công trình giao thông, xử lý môi trường và 250 triệu đồng để xử lý phòng dịch bệnh. Ngoài ra hỗ trợ nhân dân tỉnh Quảng Nam 15 tấn mì ăn liền theo chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo PCLBTƯ.

Tỉnh Quảng Nam đã có quyết định hỗ trợ bổ sung 1.500 tấn gạo, 15 tấn mì ăn liền và 2 tỷ đồng cho các huyện bị ảnh hưởng lũ. Ngoài ra, tỉnh đã tiếp nhận hoá chất phòng dịch gồm 490kg Cloramin bột và 300.000 viên Cloramin hàm lượng 0,25g/viên do Cục Y tế dự phòng Việt Nam hỗ trợ, hiện tại Quảng Nam vẫn còn 3 huyện bị chia cắt (Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang) chưa lưu thông được. Tình hình dịch bệnh đã xảy ra ở một số nơi, cụ thể: Tiêu chảy có 27 trường hợp; đau mắt đỏ có 228 trường hợp; nước ăn chân 19.425 trường hợp. Tỉnh Quảng Ngãi đã nhận được chuyến hàng cứu trợ đầu tiên bằng máy bay trực thăng lên các khu vực bị chia cắt tại huyện miền núi Tây Trà và Sơn Tây. Tỉnh Quảng Trị đã phân bổ 5 tấn mì ăn liền của Tổng công ty Lương thực Miền nam cho các huyện: Hải Lăng 2,5 tấn, Triệu Phong 1,5 tấn, Đăkrông 1 tấn.

* Theo dự báo của các mạng dự báo thời tiết quốc tế và Việt Nam, do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, vùng thời tiết xấu ở phía biển Đông tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam, lượng mưa tiếp tục tăng cao; Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng xấu của một áp thấp nhiệt đới có thể đang hình thành phía Philippines, tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp.

K.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.