Lừa đảo quốc tế thời khủng hoảng

02/04/2009 23:35 GMT+7

Mua thức ăn gia súc, nhận được đất cát; mua tôm đông lạnh nhận được nước lã... Không chỉ đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt để tồn tại, các doanh nghiệp Việt Nam còn đang đối mặt với các vụ lừa đảo quốc tế ngày càng nhiều.

Nhiều dạng lừa đảo 

Tại cuộc hội thảo do Báo Người Lao Động tổ chức hôm qua 2.4 tại TP.HCM, ông Phạm Văn Chắt - Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam - nhận định: Hầu hết các vụ lừa đảo trong kinh doanh đều xuất phát từ việc lợi dụng sự khó khăn, đánh vào lòng tham, sự thiếu hiểu biết về thông tin, về pháp luật, về giá cả... của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã. Đơn cử như khi giá phân bón nhập khẩu từ Ukraine đang ở mức 235 USD/tấn (cuối năm 2008) thì không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã ở Việt Nam vẫn nhận được giá chào 110 USD/tấn từ một số công ty ở Mỹ nhưng điều kiện thanh toán ngặt nghèo: phải trả tiền trước, nhận hàng sau. Không ít công ty trong nước do thiếu thông tin về thị trường giá cả đã mắc bẫy. Khi ký hợp đồng xong, tiền đã trả thì hàng không có, người bán hàng cũng biến mất. 

Hiện tượng lừa đảo "chào hàng tốt, nhưng tráo hàng khi giao" diễn ra ở khắp các lĩnh vực. Có trường hợp một khách hàng ở Malaysia chào mẫu thức ăn gia súc 90% protein cho một số công ty Việt Nam nhưng khi giao hàng chỉ toàn trấu, cám trộn đất cát. Rồi trường hợp khách hàng Ấn Độ chào bán tôm đông lạnh nhưng khi container về Việt Nam mở ra thì toàn bộ chỉ là những... khay nước. Nhiều nhất là ở mặt hàng điện tử. Không ít đối tác nước ngoài chào bán hàng của nước sản xuất có tiếng nhưng lợi dụng sơ hở trong hợp đồng để giao hàng Trung Quốc sản xuất với chất lượng kém. 

 Trong những trường hợp như trên, bên nước ngoài thường lập chứng từ rất hợp lệ đến mức các ngân hàng Việt Nam không có cơ sở để từ chối và phải tháo khoán L/C để thanh toán cho phía nước ngoài. Khi hàng đến với chất lượng không đúng thì mọi chuyện đã rồi và người bán hàng cũng biến mất. Lại có những vụ, đối tác nước ngoài nắm được tâm lý chưa quen và sợ nguyên tắc chặt chẽ các quy định thanh toán bằng L/C nên đã thuyết phục doanh nghiệp trong nước thanh toán bằng chuyển tiền vì phương thức này đơn giản hơn. Tuy nhiên, với phương thức này, phía nước ngoài nhận hàng xong mới phải trả tiền. Khi nhận hàng rồi thì đối tác nước ngoài bắt đầu chơi trò ép giá. Doanh nghiệp trong nước dù không muốn cũng phải chấp nhận, nếu không sẽ mất cả tiền và hàng. 

Rất nhiều dạng lừa đảo đã phát sinh mạnh mẽ trong thời kỳ khủng hoảng hiện nay nên doanh nghiệp trong nước phải hết sức cảnh giác và cẩn trọng để không rơi vào bẫy mà các doanh nghiệp nước ngoài giăng ra.

Vay vốn bí mật: 100% lừa đảo

Một nguồn vốn cực lớn với lãi suất "mềm" từ Nga; ông vua dầu lửa ở khu vực Trung Đông "xuất vốn" cho vay; nguồn vốn bí mật của Bộ Tài chính trong nước; 12.000 tỉ đồng dành cho vay đã vào tài khoản của Citibank Việt Nam... là những thông tin được giới lừa đảo vay vốn chuyên nghiệp rỉ tai các doanh nghiệp đang trong cơn khát vốn. Ông Trần Xuân Nghĩa - Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, ông đang có trong tay... trên 2.000 "hồ sơ cho vay vốn" kiểu này nhưng "100% là lừa đảo". Ông Nghĩa khẳng định, có rất nhiều nhóm người đang đi khắp nơi để lừa đảo các doanh nghiệp vay vốn từ các nguồn bí mật như kể trên và đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam mắc bẫy. Đã có doanh nghiệp, bỏ ra vài ngàn USD, hàng chục ngàn, thậm chí nhiều hơn thế nhưng cuối cùng chỉ là mất tiền, mất thời gian cho những người này mà không thu được kết quả gì. 

Vì vậy, ông Nghĩa khuyến cáo các doanh nghiệp đừng mất công tìm hiểu các nguồn vốn bí mật này, thậm chí, không nên "tiếp" các đối tượng mời chào vay vốn kiểu này. Cũng theo ông Nghĩa, Chính phủ đã quyết định tăng giá trị gói kích cầu lên tới 160.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 8 - 9 tỉ USD và thời hạn vay vốn kích cầu có thể sẽ được kéo dài thêm chứ không phải chỉ trong năm nay như dự kiến ban đầu. Mục đích của việc mở rộng vốn và thời gian kích cầu là để tất cả các dự án đều được vay vốn. Đây là thời cơ lớn cho các doanh nghiệp. "Sau 2 năm nữa sẽ không có cơ hội vay vốn giá rẻ, vay dễ như hiện nay. Vì vậy, các doanh nghiệp hãy tìm ý tưởng, xây dựng dự án và đến thẳng hệ thống ngân hàng để vay chứ không nên tìm đến các nguồn vốn bí mật đang được tung tin hiện nay" - ông Nghĩa nói. 

Rủi ro gia tăng và lừa đảo ngày càng nhiều, đó là những hệ lụy của cuộc khủng hoảng kinh tế đã và đang diễn ra. Tuy nhiên, khủng hoảng càng lớn thì cơ hội cũng càng lớn. Đó là cơ hội mua máy móc thiết bị giá rẻ, vay vốn lãi suất thấp ở các nguồn chính thống trong nước. Vì vậy, các doanh nghiệp phải tận dụng cơ hội có thật và cẩn trọng với những nguồn tin không chính thức để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo đang diễn ra ngày càng nhiều.

* Doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật trong tổ chức và hoạt động; vận dụng thời cơ để mang lại hiệu quả hoạt động chứ không vận dụng cơ hội để làm ăn gian dối; khi ký hợp đồng, phải tự tin và thận trọng, kỹ lưỡng trước các đối tác lớn; không bỏ qua các bước thẩm định đối tác cũng như các yêu cầu của pháp luật. Cuối cùng là khi làm ăn, doanh nghiệp phải đảm bảo đúng pháp luật và đạo đức kinh doanh. Không nên vì lợi ích mà bỏ qua 2 yếu tố này cũng như lường trước những tranh chấp có thể xảy ra để chủ động thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. (Ông Lê Thành Dương, Viện trưởng Viện Kiểm sát phúc thẩm tối cao tại TP.HCM)

* Để tránh các vụ lừa đảo quốc tế, các doanh nghiệp cần phải thực hiện 4 việc sau: thứ nhất là nâng cao hiểu biết về pháp luật và trình độ ngoại ngữ; thứ hai là nắm bắt thông tin về thị trường và đối tác; thứ ba là không vì mục tiêu lợi nhuận mà quên đề phòng; thứ tư là nghiên cứu và vận dụng các phương thức thanh toán quốc tế. (Ông Phạm Văn Chắt)

 Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.