Lùng mua lá kim cương

13/06/2015 09:00 GMT+7

Gần đây, nhiều người đến các xã thuộc H.Kon Plông (Kon Tum) tìm mua lá kim cương với giá cao bởi dược tính của loại lá này.

Gần đây, nhiều người đến các xã thuộc H.Kon Plông (Kon Tum) tìm mua lá kim cương với giá cao bởi dược tính của loại lá này. 

Lùng mua lá kim cươngAnh A Biểu và số lá kim cương tìm được trong mấy ngày - Ảnh: Phạm Anh
Anh H., người mở quán ăn kiêm thu mua lá kim cương ở xã Măng Cành, H.Kon Plông cho biết hiện nay mới đầu mùa mưa nên giá mua lá kim cương cao, vì hiếm hàng. “Ngày nào mua được chừng mấy lạng là nhất rồi. Mấy mối mua ở nước ngoài cứ thúc giục hoài, mấy triệu đồng một ký họ cũng mua hết. Nhưng ở đây hiện khó mua được lá kim cương lắm, phải vào các làng, đến tận nhà đồng bào Mơ Nâm, Ca Dong may ra mới có được hàng”, anh H. nói.
Không có tác dụng cho quý ông như đồn thổi
Theo chuyên gia về dược liệu của một công ty chuyên sản xuất và chế biến dược liệu tại TP.Kon Tum là ông Tô Khắc Cường, cây kim cương còn gọi là cây lan gấm, thạch tằm, sơn tiên, lan cùi dìa, lá gấm, dùng để chế biến dược liệu.
Tuy nhiên, theo Viện Dược liệu VN và cả trong sách Những cây thuốc và vị thuốc VN của GS Đỗ Tất Lợi thì cây kim cương mặc dù được xem là dược liệu quý nhưng nó không hề có tác dụng cường dương như lời đồn. Loài cây này thường dùng chữa lao phổi, khô phổi, ho ra máu, thần kinh suy nhược, tăng cường sức khỏe, lưu thông khí huyết, cao huyết áp, suy thận, chữa di tinh, đau lưng, phong thấp, chữa các bệnh viêm khí quản...
Ông A Ra (43 tuổi, ở làng Kon Năng, xã Măng Cành) cho hay do đầu mùa nên lá kim cương không có nhiều. Lá kim cương chỉ mọc trên thảm lá mục ở rừng sâu, ẩm thấp, mọc giữa các kẽ đá... “Nơi nào gần sông, suối, lá kim cương sẽ to hơn, có lá to bằng bàn tay, lá có màu xanh; nếu mọc nơi triền núi đá thì lá cho màu đỏ, hoặc tim tím đỏ. Tìm ra nó khó lắm, đi 3 - 4 giờ, có khi hơn nửa ngày mới tìm được lá này”, A Ra nói.
14 - 15 triệu đồng/kg
Anh A Ban (21 tuổi, ở làng Măng Bút, xã Măng Bút) cho biết thêm đầu mùa thì ít người đi tìm, nhưng giữa mùa (chừng vài tháng nữa) thì hoa kim cương sẽ nở rộ màu trắng, nhụy hoa có lông phun phún, lúc này dân làng kéo đi hái lá rất đông. Ai giỏi thì kiếm được 2 lạng/ngày, còn không thì mấy ngày mới tìm được vài lạng.
Chủ một điểm thu mua lá kim cương, tên K., cho biết thêm: “Người ta mua tận nơi thì giá rất thấp, còn chị mua giá cao hơn nên nhiều người muốn bán cho chị. Để đem bán cho chị, họ phải giấu lá trong xe máy vì trên đường đi phải qua mấy "trạm" đón của thương lái đứng mua dọc đường. Đó là chưa kể, hiện nay có nhiều thương lái nước ngoài cũng đến mua lá kim cương tại đây”.
Theo chị K., thương lái Trung Quốc, Đài Loan thông qua các thương lái trong nước, còn thương lái Hàn Quốc thì đi đoàn 3 - 4 người, họ dẫn theo cả người phiên dịch. Bình thường, giá lá kim cương từ 500.000 - 700.000 đồng/kg (lá tươi), kim cương loại 1 lên đến 1,2 triệu đồng/kg, nhưng hiện nay giá tăng lên đến 1,6 - 1,7 triệu đồng/kg tươi. Còn lá kim cương khô giá bán hiện nay là 14 -16 triệu đồng/kg.
Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được biết các thương lái vận chuyển lá kim cương sang biên giới để bán cho những người Trung Quốc, với giá từ 3,5 - 4 triệu đồng/kg (lá tươi).
Nguy cơ cạn kiệt
Rừng Kon Plông hiện có nhiều loài cây kim cương, trong đó có loài thì có màu đỏ, màu xanh, xanh tím, xanh như trái ớt... Vùng nào ẩm ướt hơn thì lá kim cương to hơn, chất lượng lá tốt hơn và bán giá cao hơn. Anh A Biểu (30 tuổi, ở xã Măng Bút) cho biết cách đây 10 năm, anh đã từng đi hái lá kim cương và bán cho các tiệm tạp hóa trong làng.
“Hồi đó loại lá này bán như cho, 1 lạng chỉ có 5.000 đồng thôi”, A Biểu cho biết và kể thêm rằng trước đây rừng nhiều, ẩm ướt nên lá kim cương nhiều hơn, chỉ đi vài ki lô mét vào rừng, mỗi ngày kiếm được 1 - 2 kg lá; còn hiện nay đi tận vào rừng sâu mới có, nhưng chỉ được vài lạng là cùng. “Cách đây chừng 5 năm, người ta lùng sục mua lá kim cương ngày càng nhiều, nên đến mùa, người dân ở mấy chục ngôi làng thuộc H.Kon Plông lại kéo đi tìm nên cây kim cương ngày càng cạn kiệt”, A Biểu nói.
Anh A Reng ở làng Kon Năng, xã Măng Cành, kể: “Ngày trước, hái lá về phải mang đi bán, còn vài năm nay, cứ mang lá kim cương về nhà là có người đến mua ngay”. Nhiều người dân làng còn kể khi họ còn đang lội trong rừng sâu, nhiều thương lái đã gọi điện hỏi: “Hôm nay kiếm được bao nhiêu lá rồi, chừng nào về?”. Đến khi vừa về đến nhà, đã thấy thương lái chờ sẵn và mua ngay những lá kim cương óng ánh, tươi rói mới trong rừng về.
Hỏi chuyện một số điểm thu mua lá kim cương tại thôn Măng Đen, được biết ngày trước người mua lá kim cương nhiều nhất chính là các điểm bán tạp hóa tại các làng. Sau này, do thương lái ở từ Quảng Ngãi, Kon Tum lên tận các làng để mua, nên có sự cạnh tranh nhau. Vì thế, hiện nay muốn mua được lá kim cương phải đón sẵn những người đi tìm lá tại cửa rừng, hoặc tại nhà họ. Các thương lái mua rồi bán lại cho người Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Lân, Chủ tịch UBND H.Kon Plông, thừa nhận: “Việc người dân khai thác làm cạn kiệt loài dược liệu này là rất tiếc. Tuy nhiên, do nó không thuộc diện cấm khai thác nên chỉ khuyến khích người dân không khai thác cạn kiệt thôi. Huyện đang tính đến chuyện nhờ các chuyên gia nghiên cứu để trồng thử nghiệm và bảo tồn loại dược liệu này”.
Một lãnh đạo Sở Y tế Kon Tum cũng cho hay, có biết tình trạng khai thác lá kim cương ở H.Kon Plông và sẽ chỉ đạo Trung tâm y tế huyện này nắm bắt tình hình cụ thể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.