Mặc gia đình ngăn cản, thầy giáo quyết tâm làm 'cô nuôi dạy trẻ'

20/11/2015 10:39 GMT+7

Mặc dù không nhận được sự đồng thuận từ gia đình, nhưng thầy Trần Đỗ Hoàng Anh (37 tuổi) cũng đã có kinh nghiệm 11 năm đứng lớp tại trường mầm non Vành Khuyên (Q.Thủ Đức, TP.HCM).

Mặc dù không nhận được sự đồng thuận từ gia đình, nhưng thầy Trần Đỗ Hoàng Anh (37 tuổi) cũng đã có kinh nghiệm 11 năm đứng lớp tại trường mầm non Vành Khuyên (Q.Thủ Đức, TP.HCM).

Nam sinh viên duy nhất trong lớp “nuôi dạy trẻ”
11 năm gắn bó trong nghề với những khó khăn mà ai cũng có thể hiểu khi nghe đến cụm từ “nuôi dạy trẻ”. Tuy nhiên, với thầy Trần Đỗ Hoàng Anh, đó không chỉ là công việc mà còn là đam mê và trách nhiệm.
Nhắc lại về mốc thời gian quyết định theo nghề, thầy Hoàng Anh kể: “Khi đó gia đình phản ứng dữ dội lắm nhưng mà mình đã bị con nít “dụ” mất rồi nên vẫn quyết tâm cho bằng được. Năm đó cũng chỉ thi duy nhất một trường là Cao đẳng sư phạm Trung ương 3, quyết tâm không đậu là năm sau thi lại chứ không thi trường khác”.
Tình yêu trẻ là động lực khiến thầy Hoàng Anh gắn bó với nghề - Ảnh: Vũ PhượngTình yêu trẻ là động lực khiến thầy Hoàng Anh gắn bó với nghề - Ảnh: Vũ Phượng
Năm ấy và nhiều năm sau, anh cũng là nam sinh viên duy nhất của Khoa Giáo dục mầm non. Mọi chuyện “dở khóc dở cười” tới đây mới bắt đầu. Cậu nam sinh như thành tâm điểm của mọi buổi tập hát và tập múa.
“Khó nhất là múa, nhìn các bạn nữ múa dẻo thấy ham lắm, mình thì cứ cứng đơ ra. Nhưng ngay từ đầu đã quyết tâm nên sau giờ học ở trường mình hay về phòng đóng cửa rồi tập múa một mình trong phòng. Sau một thời gian cũng được giảng viên khen có tiến bộ, thậm chí múa dẻo hơn cả các bạn nữ”, thầy Hoàng Anh cười tươi rói nhớ lại.
Mất 6 tháng để cột tóc cho bé gái
Cho đến bây giờ, thầy Hoàng Anh vẫn khẳng định khó khăn lớn nhất trong suốt 11 năm theo nghề nuôi dạy trẻ của mình là cột tóc cho bé gái. Nghe thầy chia sẻ điều này, ai cũng cười thông cảm và khâm phục quyết tâm của thầy.
Thầy Hoàng Anh tâm sự: “Mình cột tóc cho bé mà cứ bị tóc cứ bị rớt xuống hoài, không rớt thì cũng bị rối như tơ vò ở trên đầu. Mình thấy việc này khó kinh khủng luôn. May mà mỗi lớp có 2 giáo viên đứng lớp, nên thời gian đầu mình cứ nhìn cô cùng lớp làm cho các bé rồi về nhà lấy các bé cháu họ hàng ra làm chuột bạch. Đến tháng thứ 6 thì mình cũng cột được cho các bé mỗi lần cô giáo bận việc khác. Còn đến giờ thì mình làm không đẹp như các cô nhưng nói chung thắt bím hay cột gọn gàng mình cũng làm được rồi, thậm chí làm nhanh là khác”.
Mặc dù gia đình phản đối nhưng thầy Hoàng Anh vẫn quyết tâm theo nghề - Ảnh: Vũ PhượngMặc dù gia đình phản đối nhưng thầy Hoàng Anh vẫn quyết tâm theo nghề - Ảnh: Vũ Phượng
Ngoài ra, việc tạo niềm tin với phụ huynh cũng là một trong những khó khăn ban đầu khiến thầy Hoàng Anh nhiều lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc. Nhưng chính trái tim yêu trẻ đã giữ chân anh lại với nghề.
Anh tâm sự: “Phụ nữ với thiên chức làm mẹ nên có thể chăm sóc cho các bé rất kỹ và chu đáo. Vậy nên phụ huynh yên tâm khi có con học lớp của các cô cũng là điều dễ hiểu. Có lẽ vậy nên họ cũng ngại mở lòng với mình. Cũng vì lẽ đó mà thời gian đầu mình luôn chủ động hỏi chuyện phụ huynh như bé ở nhà thích chơi trò gì, thích ăn món gì và kị món gì, tính cách và bệnh tật… Vừa hiểu tường tận từng bé cũng vừa để phụ huynh yên tâm hơn”.
Sự nhiệt huyết của thầy Hoàng Anh đã đền đáp xứng đáng. Sau một năm học, nhiều phụ huynh có con, làm đơn xin được chuyển vào học lớp của thầy với lý do “thầy luôn lăn xả hết mình vì các em”.
Cuối cùng, từ những áp lực, phụ huynh lại chính là động lực để anh ngày càng cố gắng hơn nữa trong sự nghiệp nuôi dạy trẻ.
Thương các bé như con ruột
Năm học 2015 - 2016 là năm học đầu tiên anh phụ trách lớp chồi sau 10 năm đứng lớp lá. Tuy nhiên, với tất cả các bé trong trường, anh đều xưng hô bố - con rất gần gũi.
“Xưng hô như vậy sẽ xóa đi khoảng cách và làm cho các bé có cảm giác như đang ở nhà, từ đó các bé sẽ thích thú với việc đến trường hơn”, anh chia sẻ.
Niềm vui của thầy Hoàng Anh là vui đùa cùng các bé - Ảnh: Vũ PhượngNiềm vui của thầy Hoàng Anh là vui đùa cùng các bé - Ảnh: Vũ Phượng
Ngoài những niềm vui giản dị hằng ngày là được vui đùa cùng “các con”, anh còn cười rất hạnh phúc khi kể câu chuyện: “Một lần giả vờ than thở với các bé là “bố mệt quá”, ngay lập tức các bé tíu tít, đứa thì “con xoa đầu cho bố đỡ mệt nha”, đứa thì “con bóp vai cho bố nha”, đứa thì “con ôm bố cái cho bố đỡ mệt nha”...
“Chưa hết, mỗi chiều tan học bảo các con chào bố đi, vậy là các bé lại hôn cái chóc ngay má mình xong nhe răng ra cười nhìn dễ thương lắm, cứ vậy mỗi ngày qua đi mình lại càng yêu các bé và yêu nghề hơn nữa”, anh bộc bạch.
Cô Huỳnh Thị Nhi, Hiệu trưởng trường mầm non Vành Khuyên chia sẻ: “Khi nhận thầy mới về trường mình rất là ngại huống gì phụ huynh. Cũng có trường hợp phụ huynh xin chuyển lớp cho bé vì ngại vấn đề chăm sóc. Nhưng sau 1 năm thì cách thầy đến với các bé như một người thân, rất tự nhiên và thoải mái nên phụ huynh tin tưởng và an tâm vì họ nhận thầy chăm sóc các bé cũng kỹ y như các cô, mà các bé lại thích thú hơn”.
Thầy Hoàng Anh đến trường với tất cả đam mê và nhiệt huyết - Ảnh: Vũ PhượngThầy Hoàng Anh đến trường với tất cả đam mê và nhiệt huyết - Ảnh: Vũ Phượng
Với những nỗ lực và tấm lòng đáng quý trong nghề nuôi dạy trẻ, thầy Trần Đỗ Hoàng Anh đã là thầy giáo mầm non duy nhất được nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” năm 2011 của Thành Đoàn TP.HCM cùng nhiều bằng khen, giấy khen của cơ sở và UBND TP.HCM.
Nói về những dự định tương lai, anh khẳng định: “Mình đã theo được 11 năm rồi, bao nhiêu khó khăn cũng đã vượt qua rồi thì giờ đâu còn gì đáng ngại. Quan trọng là tình yêu trẻ nó thấm vào máu rồi nên mình cứ vậy sống và làm việc với tất cả đam mê là hạnh phúc rồi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.