Mập mờ nguồn gốc hàng chục ngàn mét khối cát

Chỉ trong một tuần, Phòng Cảnh sát đường thủy (PC68) Công an TP.Cần Thơ đã phát hiện và tạm giữ 28 sà lan chở cát không rõ nguồn gốc. Nhiều mánh khóe của giới khai thác, vận chuyển cát bất hợp pháp dần hé lộ.

Chiều 2.5, trên sông Hậu, đoạn gần Bến phà Cần Thơ (cũ), hàng chục sà lan chở đầy cát neo đậu. Đây là những sà lan có tải trọng từ 300 đến hơn 1.000 tấn, không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn liên quan đến số lượng cát vận chuyển, bị PC68 Công an TP.Cần Thơ phát hiện và tạm giữ.
Trả lời Thanh Niên, đại tá Nguyễn Hữu Lập, Trưởng PC68, cho biết số lượng sà lan bị tạm giữ tăng lên mỗi ngày, đặc biệt trong 4 ngày nghỉ lễ (từ 29.4 - 2.5), khi thực hiện kế hoạch của Giám đốc Công an TP.Cần Thơ về cao điểm xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi trên địa bàn. “Tính cả 2 sà lan đang dẫn giải về trong chiều nay (2.5 - PV) thì chỉ trong 4 ngày qua, lực lượng đã phát hiện và tạm giữ 15 sà lan chở cát, 1 sà lan chở đá loại 1, 2, nâng tổng số phương tiện bị tạm giữ lên 28 chiếc tính từ ngày 26.4”, đại tá Lập nói.
Tất cả những phương tiện khi bị kiểm tra đều không xuất trình được hóa đơn nguồn gốc cát nên PC68 đã ra quyết định tạm giữ phương tiện và hàng hóa, chờ xử lý. Tổng số lượng cát từ 28 sà lan bị tạm giữ ước lên đến hàng chục ngàn tấn. Đây đều là những loại cát chất lượng tốt, dùng để xây dựng, tô tường, trộn bê tông...
Mập mờ nguồn gốc cát
Bước đầu, qua lời khai từ các thuyền trưởng, quản lý trên sà lan, Công an TP.Cần Thơ đã xác định số lượng cát bị tạm giữ đều được lấy từ các địa bàn đầu nguồn sông Hậu, sông Tiền như các xã Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa, TX.Tân Châu (An Giang) và H.Hồng Ngự (Đồng Tháp). Sau đó, cát được các sà lan vận chuyển về các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang tiêu thụ.
Ông Trần Văn Đôi (47 tuổi, ngụ xã Nhơn Nghĩa A, Châu Thành A, Hậu Giang), chủ sà lan chở 400 m3 cát bị tạm giữ, cho biết sà lan của ông mua cát với giá 40.000 đồng/m3, cộng thêm các chi phí cho cần cạp, ông phải trả 17 triệu đồng. Vận chuyển về đến Cà Mau, cát sẽ bán được khoảng 100.000 đồng/m3, trừ chi phí còn lời 20.000 đồng/m3. Về lý do không có hóa đơn, chứng từ, ông Đôi nói: “Từ trước đến nay, tôi mua cát ở các mỏ từ H.Hồng Ngự, Đồng Tháp và TX.Tân Châu, An Giang không khi nào họ tự đưa hóa đơn chứng từ cho mình. Họ chỉ xuất hóa đơn khi có yêu cầu nhưng sẽ thu thêm mỗi mét khối 15.000 đồng. Với 400 m3 tôi phải trả thêm 6 triệu đồng. Chính vì vậy mà hồi nào đến giờ tôi không có lấy, cứ thỏa thuận được giá, đo tàu rồi mua thôi”. Một trường hợp khác là ông Phan Thành Cường, thuyền trưởng một sà lan chở cát bị tạm giữ, phân bua: “Lý do không lấy hóa đơn là lúc đó trời tối quá. Khi bị bắt tôi mới nhờ người lên lấy sau”.
Theo một cán bộ điều tra Công an TP.Cần Thơ, nguyên do các mỏ cát không xuất hóa đơn hoặc xuất không đúng số lượng còn phức tạp hơn nhiều. Ngoài những sà lan hoàn toàn không khai báo được nguồn gốc, nhiều khả năng mua từ nguồn cát khai thác lậu, số còn lại có thể mua từ các mỏ cát có giấy phép khai thác. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, mỗi mỏ cát khi xin cấp phép khai thác đều phải đánh giá trữ lượng, đánh giá tác động môi trường. Dựa vào đó, địa phương sẽ cấp phép nhưng khống chế về trữ lượng khai thác của cả mỏ, trữ lượng khai thác từng ngày, từng năm và theo dõi qua sổ nhật ký khai thác...
“Việc khống chế trên dẫn đến một thực trạng là các mỏ cát sẽ xuất hóa đơn ít hơn nhiều so với trữ lượng bán ra nhằm khai thác nhiều hơn mức cho phép để trục lợi. Điều này sẽ rất nguy hiểm đến môi trường nếu các cơ quan chức năng của địa phương không có sự giám sát chặt chẽ”, điều tra viên trên cho biết thêm.
Hiện tại, ngoài việc làm rõ nguồn gốc một số hóa đơn bổ sung của các phương tiện bị tạm giữ, hồ sơ vụ việc đã được PC68 chuyển qua Phòng Cảnh sát kinh tế để điều tra làm rõ.
Tranh thủ nghỉ lễ, “cát tặc” hoành hành trên sông Mã
Ngày 2.5, thượng tá Nguyễn Hữu Hùng, Trưởng công an H.Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), cho biết công an huyện đang hoàn tất hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND H.Vĩnh Lộc ra quyết định xử phạt đối với chủ của 8 chiếc tàu hút cát trái phép vừa bị lực lượng công an bắt giữ trong dịp nghỉ lễ vừa qua.
Cụ thể, sáng sớm 30.4, Công an H.Vĩnh Lộc phối hợp với chính quyền địa phương tới hiện trường kiểm tra và phát hiện gần 20 tàu đang hút cát trái phép trên sông Mã, đoạn qua các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Khang (H.Vĩnh Lộc). Nhiều chủ tàu hô hoán nhau nhổ vòi hút cát, nổ máy bỏ chạy, bất chấp hiệu lệnh yêu cầu dừng phương tiện của lực lượng công an. Sau cuộc truy quét, công an bắt giữ được 8 tàu và cả 8 tàu này đều không có số hiệu, không có đăng ký đăng kiểm. Theo thượng tá Hùng, các chủ tàu khai nhận do nhận định dịp nghỉ lễ không có lực lượng tuần tra kiểm soát nên đã cùng nhau đồng loạt đi hút cát trộm.
Trả lời Thanh Niên, bà Vũ Thị Hương, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Lộc, cho biết trên sông Mã, đoạn chảy qua địa bàn huyện hiện còn một số điểm khai thác cát trái phép. Tình trạng khai thác cát trái phép đã làm sạt lở nghiêm trọng bờ sông Mã, nhiều diện tích hoa màu, cây cối của người dân bị cuốn trôi, khiến người dân bức xúc. Năm 2016, UBND H.Vĩnh Lộc đã ra quyết định xử phạt hành chính các tàu hút cát trái phép với tổng số tiền khoảng 350 triệu đồng và từ đầu năm 2017 đến nay xử phạt tổng số tiền gần 300 triệu đồng. Theo bà Hương, tuy xử lý hành chính luôn ở mức cao nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe, các tàu vi phạm vẫn tái diễn tình trạng khai thác cát trái phép.
Minh Hải
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.