Mất tiền vì xuất khẩu lao động chui

05/07/2011 00:07 GMT+7

Phải bỏ ra hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để sang Liên bang Nga lao động trái phép theo đường du lịch, nhiều người đã lâm cảnh tiền mất, nợ mang.

Anh Huỳnh Anh Dũng, ở thôn 2, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) rùng mình nhắc lại chuỗi ngày cơ cực trên đất Nga, nơi mà trước khi xuất cảnh anh được hứa hẹn có việc làm tốt, có tiền gửi về trả nợ, nuôi vợ con, mẹ già… Theo lời anh Dũng, vào tháng 7.2010, bà Nguyễn Thị Phú, trú ở thôn 1A, xã Cư Ewi, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) là người quen thân với mẹ anh, đến nhà chơi cho biết nếu giao tiền bà có thể móc nối đưa sang Nga làm việc, mỗi tháng thu nhập đến 30 triệu đồng. Nghe lời ngon ngọt, mẹ con anh Dũng vay mượn khắp nơi để nộp 120 triệu đồng cho bà Phú. Giữa tháng 9.2010, Dũng cùng một số người được bà Phú đưa ra Nghệ An, sau đó nhập vào đường dây đưa người sang Nga theo đường du lịch và ở lại lao động bất hợp pháp. Thực tế trên xứ người khiến anh Dũng vỡ mộng. Anh kể, phải sống chui nhủi, làm công việc phụ hồ cực nhọc nhưng thường bị quỵt tiền công, có lần bị cảnh sát Nga tạm giữ do cư trú bất hợp pháp… Quá cực nhọc, anh Dũng tìm cách trở về nhà vào cuối tháng 10.2010. Anh cho biết, hiện khá nhiều lao động đi theo hộ chiếu du lịch như anh vẫn ở lại trên đất Nga mưu sinh.

 
Anh Huỳnh Anh Dũng (trái) kể lại chuyện mất số tiền lớn - Ảnh: T.N.Q 

Những gia đình ở huyện Cư Kuin có con sang Nga theo sự dắt mối của bà Phú rất lo lắng cho số phận con em mình. Vợ chồng ông Phan Văn Bình và bà Nguyễn Thị Thanh, ở thôn 1A, xã Cư Ewi, có con trai Phan Văn Hiên rời nhà đi Nga vào tháng 9.2010. Ông Bình cho biết đã vay mượn khắp nơi 60 triệu đồng giao cho bà Phú để con có hộ chiếu du lịch xuất ngoại. Đến nay, sau hơn 8 tháng ở xứ người, con trai ông mới gửi về được 1.500 USD. Bà Thanh kể tiếp chuyện: “Con trai gọi điện về bảo công việc nặng nhọc lắm. Vợ chồng tôi khuyên con nhanh trở về nhưng nó bảo cố làm thêm một thời gian để đủ tiền mua vé máy bay”. Vợ chồng ông Nguyễn Đình Lành và bà Trần Thị Hương ở cùng thôn 1A, cũng tốn 60 triệu đồng cho bà Phú để con trai là Nguyễn Đình Thịnh được sang Nga từ tháng 11.2010. Bà Hương ủ dột khi nhắc đến con: “Nó thường gọi về than thở không đủ việc, mỗi tháng chỉ làm được chừng 10 ngày, tiền công có khi bị quỵt. Từ khi đi đến nay nó chưa gửi được đồng nào về trả khoản nợ vay”…

Trong đơn tố cáo về hành vi đưa người lao động ra nước ngoài trái phép của bà Phú, anh Huỳnh Anh Dũng cho biết, trong đường dây này có vai trò của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ M.Q (Hà Nội); một phụ nữ tên Nhung ở Hà Nội lo việc đưa người đi và người đàn ông tên Xuân (chồng Nhung) ở Nga chịu trách nhiệm đón nhận và quản lý số lao động từ VN đưa sang. Tìm hiểu từ đường dây này, anh Dũng biết rằng một người xuất cảnh chỉ phải tốn kém 38 triệu đồng; trong khi đó, bà Phú đã thu của anh đến 120 triệu đồng. Đến nay, anh Dũng đã nhiều lần đòi lại một nửa số tiền này nhưng bà Phú không đồng ý trả.

Tiếp xúc với PV Thanh Niên, bà Phú không thừa nhận mình làm công việc môi giới, lôi kéo người xuất khẩu lao động theo đường du lịch mà những người đi tự nguyện giao tiền cho bà lo lót. “Hiện tôi có một đứa em và hai con trai đang ở Nga lao động theo dạng này, ai cần đi thì tôi giúp đỡ chứ không rủ rê. Tôi có nhận 120 triệu đồng của Dũng nhưng chi phí cho chuyến đi của anh ta gần hết. Mỗi trường hợp đi như vậy, tôi chỉ kiếm được 5 hoặc 10 triệu đồng mà thôi” - bà Phú nói. Hỏi về cách thức “hợp tác” với đường dây đưa người đi nước ngoài nói trên, bà Phú cho rằng “họ chỉ cho số điện thoại để mình liên hệ chứ không biết địa chỉ của họ ở đâu” (?)…

Hiện các cơ quan chức năng đã thụ lý đơn tố cáo của anh Huỳnh Anh Dũng. Thượng úy Hà Trung Trọng, Đội phó Đội Tham mưu tổng hợp - Công an H.Cư Kuin cho biết, công an huyện đã xác minh bước đầu và chuyển hồ sơ vụ việc cho Công an tỉnh Đắk Lắk làm rõ.

Trần Ngọc Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.