Miền Trung tan hoang vì bão dữ

30/09/2009 01:38 GMT+7

* Ít nhất 35 người chết, 12 người mất tích và 73 người bị thương * Hôm nay bão suy yếu thành ATNĐ, miền Trung đối mặt với trận lũ lịch sử Mời nghe đọc bài Cơn bão Ketsana, đã và đang gây ra những thiệt hại nặng nề cho người dân các tỉnh miền Trung, được đánh giá là hung hãn hơn cả cơn bão lịch sử Xangsane.

Đường phố tan hoang

Trực tiếp chỉ đạo phòng chống lụt bão tại Đà Nẵng, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có cuộc họp khẩn sáng 29.9. Ông nhấn mạnh: “Đặc biệt lưu ý thông báo nhân dân về tình hình nguy cấp vì bão to kết hợp với nước biển dâng cao và mưa từ thượng nguồn đang đổ về khiến các sông suối tại khu vực miền Trung đang dâng mạnh”. 

Bắt đầu từ tối 28.9, mưa to gió lớn kéo dài suốt đêm, đến ngày hôm sau lại tiếp tục gia tăng cường độ kéo dài cho đến chiều. Cả thành phố cúp điện, thông tin có được đều thông qua điện thoại. Hàng nghìn cây cối trên các tuyến đường đều bị ngã đổ; pa-nô quảng cáo, biển hiệu bị gió bão thổi bay nhan nhản trên các đường phố. Nhiều vùng ngập sâu trong biển nước. Trong suốt ngày 29.9, người dân TP Đà Nẵng hầu như cố thủ, cột chặt cửa, cài then ở trong nhà tránh bão. Số nhà bị đổ sụp, tốc mái, hư hại rất nhiều, chưa thể thống kê được.

Để bảo vệ tính mạng cho người dân, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trước đó đã chỉ đạo di dời khoảng 33.000 dân vào các điểm tập trung đề phòng bất trắc. Quận Liên Chiểu, nơi có hơn 80.000 học sinh, sinh viên, công nhân sống trong các khu nhà trọ tạm bợ, lại là khu vực gần bờ biển nên nguy cơ rất cao. Khoảng 5.000 hộ dân với gần 10.000 nhân khẩu đã được di dời đến 19 điểm trú ẩn an toàn. Điều đáng nói, dù tại các cuộc họp việc cấm người dân ra đường lúc cơn bão đi qua được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng theo ghi nhận thực tế của PV Thanh Niên, trên các tuyến đường phố Đà Nẵng, có rất nhiều thanh niên và cả những người lớn đi bộ từng nhóm trên đường. Nhiều người trong số này tranh thủ gom nhặt tôn bay, sắt gãy, cành cây... rất nguy hiểm.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lúc 10 giờ 45 phút sáng nay đã trực tiếp điện đàm với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải. Thủ tướng chỉ đạo các cấp chính quyền và nhân dân Quảng Nam chủ động đối phó với bão số 9, bằng mọi cách bảo đảm tính mạng, tài sản của dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; thường xuyên giữ liên lạc với Trung ương và Chính phủ để báo cáo tình hình và đề xuất các tình huống khẩn cấp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng động viên nhân dân Quảng Nam bình tĩnh ứng phó với bão số 9, Trung ương sẽ theo dõi sát tình hình bão tại Quảng Nam và tiếp tục chỉ đạo công tác phòng chống.

Sóng to và gió rất mạnh đã khiến hàng trăm hộ dân sinh sống ven đường biển Nguyễn Tất Thành bị hư hại nhà cửa, hầu như tất cả các nhà cấp 4 có mái tôn đều bị tốc mái. Trên đoạn đường Nguyễn Tất Thành dài 11 km từ cầu Thuận Phước, quận Hải Châu, kéo dài qua quận Thanh Khê và quận Liên Chiểu sóng biển dâng cao trên 2 mét đã đánh sập trên chục vị trí bờ kè chắn sóng của tuyến đường. Một số lượng lớn cây dừa trồng ven biển bị bật gốc bay thẳng vào nhà người dân. Hàng trăm đoạn gạch lát đường bị sóng và gió lật tung, kèm theo cát biển và rác rưởi phủ kín mặt đường Nguyễn Tất Thành. Chưa hết, 3 chiếc tàu chở hàng trọng tải trên 5.000 tấn đã bị sóng lớn đánh dạt từ cảng Tiên Sa sang khu vực vịnh Thanh Bình cách đó hơn chục km, toàn bộ thủy thủ đoàn đã được sơ tán.

Đối mặt với lũ lịch sử

Khác với những dự báo ban đầu về đường đi của cơn bão, ngày 29.9, trên thực tế, tâm bão đã đi vào khu vực Quảng Nam - Quảng Ngãi, gây thiệt hại nặng nề cho người dân các huyện Lý Sơn, Núi Thành và Dung Quất. Điều đáng lưu ý là mặc dù đã vào đất liền nhưng cơn bão vẫn chưa tan mà vẫn hoạt động mạnh trên diện rộng. Theo nhận định, sau khi cơn bão đi sâu vào đất liền, trong đêm 29.9 và hôm nay (30.9), vùng hoàn lưu bão sẽ gây ra mưa to đến rất to, trung bình từ 200 mm đến 500 mm và dự báo các tỉnh miền Trung sẽ phải đối mặt với một trận lũ lịch sử. Trong ngày 29.9, mưa to đã gây ngập lụt ở nhiều vị trí trong thành phố, giao thông trên quốc lộ 1A tạm thời bị gián đoạn.

Đến 16 giờ chiều qua, khu vực các huyện Thăng Bình, Núi Thành và thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) gió mạnh lên cấp 12, cấp 13, giật cấp 14. Bão lũ đã làm cho gần 100 nghìn ngôi nhà bị ngập trong nước; hơn 20 nghìn ngôi nhà bị tốc mái. Từ trưa hôm qua 29.9, tỉnh Quảng Nam bị nước lũ chia cắt tất cả các huyện, thành phố. Tại thành phố Tam Kỳ, nơi tâm bão đi qua đã có gần 5.000 ngôi nhà bị tốc mái, trên 100 ngôi nhà bị sập; hàng trăm công trình hạ tầng công cộng, trụ sở trường học bị ngã đổ và hư hỏng hoàn toàn. Rất may, thành phố đã kịp sơ tán 1.891 hộ dân ven biển với 6.606 nhân khẩu; trong đó có 1.050 hộ dân xã biển Tam Thanh được đưa về nội thành để tạm ổn định cuộc sống trong những ngày bão lũ.

Rất nhiều cây lớn ngã đổ trên đường phố - Ảnh: L.Hân

Từ 9 giờ tối 28.9, Quảng Nam đã áp dụng lệnh giới nghiêm. Các tuyến đường ở vùng đông Quảng Nam đã bị lũ tràn qua, gây chia cắt; nhiều địa phương bị cô lập hoàn toàn. Từ 0 giờ ngày 29.9, toàn bộ hệ thống điện trên địa bàn tỉnh đã bị tê liệt. Mạng lưới thông tin liên lạc nhiều huyện bị mất tín hiệu. Đến tối qua, BCH PCLB tỉnh vẫn chưa liên lạc được với 15 tàu hàng hải Bắc - Nam neo đậu trú bão tại xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm - Hội An). Số phận những chiếc tàu này cùng gần 100 thuyền viên chưa biết như thế nào.

Tại huyện miền núi Nam Trà My, mưa lớn khiến mực nước trên các sông suối dâng cao và chảy xiết, đặc biệt là tại các sông có nhiều nút giao thông như sông Tranh, sông Nước Là, Nước Xa... Mưa lũ còn làm mực nước tại sông Trường thuộc địa phận xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My dâng cao hơn 1 mét, làm tuyến giao thông huyết mạch ĐT 616 lên huyện Nam Trà My bị cô lập hoàn toàn suốt 2 ngày qua. Đến sáng ngày 29.9, mưa lũ tiếp tục diễn biến lớn và đã làm lưới điện quốc gia toàn huyện bị cúp.

Đến 18 giờ 30 tối qua, bão số 9 vẫn đang tiếp tục hoành hành ở các địa phương cánh nam của tỉnh Quảng Nam. Những thiệt hại về người và tài sản của nhân dân vẫn chưa thể thống kê hết. 

Xơ xác vùng quê Quảng Ngãi

Từ rạng sáng 29.9 cho đến chiều tối, mưa bão với sức gió cực mạnh đã quần nát khiến nhiều vùng quê nghèo của Quảng Ngãi trở nên xơ xác. Đây là cơn bão có sức gió mạnh nhất, tàn phá khốc liệt nhất ở Quảng Ngãi trong vòng 20 năm qua. Ngay cả ô tô khi đang lưu thông trên đường cũng bị bão hất tung. Hai huyện nằm trong tâm bão bị thiệt hại nặng nề nhất là Lý Sơn và Bình Sơn.

Nhiều căn nhà hư hại hoàn toàn - Ảnh: N.Tú

Trao đổi với PV Thanh Niên qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Lê - Phó ban chỉ huy PCLB và TKCN huyện đảo Lý Sơn, cho biết: “Bão số 9 chuyển hướng bất ngờ, có sức gió quá mạnh nên làm cả huyện không kịp trở tay. Hơn 85% nhà cửa của người dân trên đảo và nhiều trụ sở cơ quan bị tốc mái hết trọi. Người dân chỉ còn kịp lo chạy trốn bão nên lương thực đều ướt hết chẳng còn gì để mà ăn nữa rồi. Còn tàu cá thì 30 chiếc bị chìm dần mà ngư dân chỉ biết đứng nhìn”. Tại huyện Bình Sơn, khi bão chưa vào đất liền nhưng với sức gió mạnh lên cấp 11 - 12 làm hàng chục ngàn người dân vùng ven biển sợ hãi chạy bão tán loạn bỏ lại sau lưng nhà cửa, tài sản. Thân nhân của họ ở xa muốn biết tình hình đã hết sức lo lắng vì không thể nào liên lạc được. Ở TP Quảng Ngãi cây cối ngã đổ hàng loạt, các tuyến đường đều ngập sâu trong nước.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB và TKCN Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 3 người chết; 3 người mất tích; 14 người bị thương. Gió giật mạnh đã làm 67 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, hơn 5.500 ngôi nhà và hàng loạt trụ sở cơ quan, nhà văn hóa, trường học, bệnh viện, chợ bị tốc mái, hư hại nặng. Mặc dù đã được neo đậu tại các cửa biển nhưng nước triều dâng cao 4-5 mét đã làm 45 tàu đánh cá và 1 tàu vận tải trọng tải 1.500 tấn đang neo đậu tại cảng Dung Quất bị chìm. Nhiều tuyến đường giao thông lên các huyện miền núi bị sạt lở nghiêm trọng, cây ngã đổ gây ách tắc. Cả Quảng Ngãi mất điện hoàn toàn suốt cả ngày hôm qua. Theo thống kê sơ bộ, bão số 9 đã làm cho tỉnh Quảng Ngãi thiệt hại lên đến 200 tỉ đồng.

Ngay trong sáng 29.9, các lực lượng cứu hộ đã bất chấp hiểm nguy, gió bão, mưa dữ dội để di dời hàng ngàn người dân ở các vùng sạt lở núi và ven biển đến nơi an toàn. Chiều cùng ngày, tỉnh đã điều phương tiện vận chuyển 5.000 gói mì tôm để tiếp tế cho 3.000 người dân và công nhân tại Khu kinh tế Dung Quất. Đến tối mưa to khiến mực nước các sông trong tỉnh đều vượt mức báo động 3 từ 1,7m - 2,4m (gần bằng đỉnh lũ lịch sử năm 1999) nhấn chìm hàng trăm hộ dân vùng thấp trũng. Tỉnh Quảng Ngãi đã khẩn cấp điều động ca-nô của các lực lượng vũ trang tổ chức di dời dân đến nơi an toàn.

Hiển Cừ

 

Hủy nhiều chuyến tàu

* Hôm nay khôi phục các chuyến bay tới miền Trung

Ảnh: V.P.T

Ngày 29.9, ông Nguyễn Văn Thành - Phó giám đốc ga Sài Gòn - cho biết, do tình hình mưa bão miền Trung làm gián đoạn giao thông đường sắt, nên bãi bỏ các chuyến tàu SE7, SE5, SE1 xuất phát tại Hà Nội và tàu SE8, SE6, SE2 xuất phát tại Sài Gòn trong ngày 29.9. Hôm nay 30.9, tiếp tục hủy các chuyến tàu SE7, SE2 xuất phát tại Hà Nội và tàu SE8, SE2 xuất phát tại Sài Gòn. Tàu TN2 xuất phát tại Sài Gòn ngày 29.9 vẫn hoạt động nhưng đến ga Quảng Ngãi là ga cuối cùng, tàu TN1 xuất phát tại Hà Nội ngày 29.9 tiếp tục chạy đến ga Đồng Hới là ga cuối cùng. Theo ông Thành, hành khách đã mua vé tàu Thống Nhất chạy trong các ngày 29 và 30.9 nếu có nhu cầu trả lại vé sẽ được hoàn toàn bộ tiền vé, không thu phí 10% theo quy định.

 Chiều qua 29.9, Vietnam Airlines cho biết sẽ khôi phục các chuyến bay từ Hà Nội và TP.HCM tới miền Trung từ 7 giờ ngày 30.9. Theo kế hoạch, lịch khai thác của Vietnam Airlines tới các sân bay tại đây được giữ nguyên như thường lệ. Đồng thời các chuyến bay tăng cường sẽ bắt đầu từ trưa ngày 30.9 và kéo dài đến ngày 1.10 để hỗ trợ giải tỏa hành khách sau khi cơn bão đi qua.

P.Thanh - M.Vọng - Thái Uyên

Nhóm PV miền Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.