Mức đầu tư giai đoạn 1 của Long Thành đã vượt dự toán hơn 1 tỉ USD

Vũ Hân
Vũ Hân
24/11/2019 17:48 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, mức đầu tư giai đoạn 1 của sân bay Long Thành hiện nay đã vượt khoảng 1 tỉ USD so với dự toán ban đầu khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án .

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vừa được gửi đến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tổng mức đầu tư khái toán của dự án tại Nghị quyết 94 năm 2015 là 336.630 tỉ đồng (tương đương 16,03 tỉ USD, áp dụng đơn giá năm 2014), trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỉ đồng (bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng khu vực 5.000 ha dự kiến là 14.139 tỉ đồng, tương đương 0,673 tỉ USD). 
Năm 2017, tại Nghị quyết số 53, khi Quốc hội cho phép tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư ra thực hiện riêng, chi phí cho nội dung này đã tăng thêm 8.800 tỉ đồng, lên mức 22.938 tỉ đồng, do tăng thêm 379,35 ha diện tích đất thu hồi và tăng đơn giá đền bù.
Tại tờ trình mới nhất lần này, Chính phủ lại dự toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 4,779 tỉ USD, chưa bao gồn chi phí bồi thường, tái định cư. 
Do đó, so với cơ cấu vốn giai đoạn 1 tại Nghị quyết 94  (114.450 tỉ đồng, tương đương gần 4,8 tỉ USD, đã bao gồm chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng) thì mức đầu tư hiện nay đã vượt gần 1 tỉ USD.
Dù vậy, Quốc hội cho rằng các tính toán trước đều là khái toán, trong khi giai đoạn 1 sẽ phải đầu tư một số hạng mục dùng chung (như hệ thống đường giao thông kết nối tuyến số 1 và số 2; san nền đủ 3 giai đoạn, thi công kết cấu mặt đường giai đoạn 1 cho đường trục chính của Cảng (8.3 km); hệ thống công trình quản lý bay: đài kiểm soát không lưu, đài trạm kỹ thuật ở phía bắc sân bay cho cả 3 giai đoạn...), nên đã giao Chính phủ xem xét, quyết định tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án (bao gồm cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) nhưng phải bảo đảm tổng mức đầu tư cả 3 giai đoạn không vượt quá tổng mức đầu tư quy định tại Nghị quyết 94 là 336.630 tỉ đồng (16,03 tỉ USD).

"Tiến độ bàn giao mặt bằng vào cuối 2020 sẽ là thách thức không nhỏ"

Giải trình nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của việc hoàn thành giai đoạn 1 Dự án vào năm 2025, nhất là lo ngại tiến độ công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao đất thi công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận “tiến độ triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn khá chậm”, và "tiến độ bàn giao đất vào cuối năm 2020 sẽ là thách thức không nhỏ”.
Có tiên liệu này do tiền lệ đã xảy ra các vụ việc phát sinh khiếu nại do khâu áp giá bồi thường. Thêm vào đó, ngay cả khi người có đất bị thu hồi đã đồng thuận, cũng vẫn cần thời gian để họ xây dựng nhà ở, ổn định chỗ ở, xây dựng các công trình cơ sở tôn giáo làm nơi sinh hoạt trước khi bàn giao đất cho chính quyền.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt bảo đảm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án và bảo đảm tiến độ theo Nghị quyết của Quốc hội.
Theo dự kiến, Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi Long Thành sẽ được Quốc hội biểu quyết vào thứ 3, ngày 26.11 tới đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.