Năm 2020: Ba người nộp lại quà 31,8 triệu, 1 cơ quan nhận quà 210 triệu

Lê Hiệp
Lê Hiệp
26/10/2020 09:34 GMT+7

Trong năm 2020, có 3 trường hợp nộp lại quà tặng, trị giá 31,8 triệu. Qua thanh tra, phát hiện 1 cơ quan nhận quà tặng không đúng quy định, thu hồi số tiền vi phạm 210 triệu đồng.

Đó là con số được đưa ra tại Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 do Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày tại Quốc hội sáng nay, 26.10.

Luân chuyển 17.905 cán bộ để phòng ngừa tham nhũng

Báo cáo của Tổng thanh tra Chính phủ không nêu rõ 3 trường hợp nộp lại quà tặng là tại địa phương nào. Về trường hợp cơ quan nhận quà tặng không đúng quy định với số tiền vi phạm 210 triệu đồng, báo cáo cho biết cơ quan này là Sở Công thương tỉnh Tây Ninh và đang tiến hành xử lý vi phạm.
Cũng liên quan tới các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, ông Khái cho biết, trong kỳ báo cáo, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 4.646 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Theo đó, phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 192 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp (tăng 40,6% so với năm 2019).
Có 8 trường hợp bị đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao do có xung đột lợi ích.
Cạnh đó, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng đối với 17.905 cán bộ, công chức, viên chức (tăng 50,8% so với năm 2019).
Tuy nhiên, ông Khái cho biết, việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu theo quy định của luật Phòng chống tham nhũng 2018 chưa được thực hiện do nghị định Chính phủ quy định chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập không kịp ban hành trong năm 2019 theo kế hoạch.
Tuy nhiên, báo cáo của ông Khái cũng cho biết, Chính phủ đã thông qua nội dung Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, Thủ tướng chuẩn bị ký ban hành trong tháng 10.2020.

82 người đứng đầu, cấp phó bị kỷ luật vì để xảy ra tham nhũng

Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, theo Tổng thanh tra Chính phủ, toàn ngành thanh tra đã triển khai 6.875 cuộc thanh tra hành chính (giảm 9% so với năm 2019) và 210.199 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giảm 17% so với năm 2019).
Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 119.528 tỉ đồng, 9.045 ha đất; kiến nghị thu hồi 44.582 tỉ đồng và trên 1.401 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.656 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành 116.239 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7.631 tỉ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 155 vụ, 135 đối tượng.
Nhiều người đứng đầu, cấp phó để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách bị xử lý trong năm qua. Theo ông Khái, trong năm có 82 người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 69 người đã bị xử lý kỷ luật (tăng 39 người so với năm 2019) và 12 người bị xử lý hình sự.
Cụ thể, Bộ Tài chính kỷ luật 4 người; Bộ Xây dựng kỷ luật 4 người; Bảo hiểm xã hội Việt Nam kỷ luật 1 người; tỉnh Sơn La kỷ luật 2 người; Cao Bằng kỷ luật 2 người; Thái Nguyên kỷ luật 5 người; Hải Phòng kỷ luật 1 người; Hòa Bình kỷ luật 3 người; Thái Bình kỷ luật 1 người; Gia Lai kỷ luật 1 người; Bình Thuận kỷ luật 23 người; Khánh Hòa kỷ luật 6 người; Đồng Nai kỷ luật 1 người; Tây Ninh kỷ luật 3 người; Tiền Giang kỷ luật 3 người; Đồng Tháp kỷ luật 1 người; An Giang kỷ luật 6 người; Kiên Giang kỷ luật 2 người.

8 bị cáo tham nhũng bị tuyên chung thân hoặc tử hình

Bên cạnh đó, các Cơ quan điều tra Bộ Công an đã thụ lý điều tra 531 vụ án, 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 290 vụ, 616 bị can (tăng 70 vụ, 101 bị can so với cùng kỳ năm 2019).
Cơ quan điều tra của quân đội đã khởi tố điều tra kỷ luật 4 vụ/4 bị can. Số tiền thiệt hại do tham nhũng là trên 27,7 tỉ đồng; thu hồi trong giai đoạn điều tra 2,16 tỉ đồng; chuyển viện kiểm sát đề nghị truy tố 3 vụ/3 bị can; đang điều tra 1 vụ/1 bị can.
TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 436 vụ với 1.175 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 269 vụ, 645 bị cáo phạm các tội tham nhũng, trong đó có 8 bị cáo bị tuyên phạt tù chung thân hoặc tử hình.
Theo ông Khái, đối với vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng nói chung kỷ luật, số thi hành xong là 3.605 việc, đạt tỷ lệ 84,13% số vụ việc có điều kiện thi hành (tăng 9,42% so với cùng kỳ năm 2019). Số tiền thu được là 15.017,9 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 43,42% số có khả năng thi hành (tăng 14,01%) so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với những vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, tổng số tiền phải thi hành án là hơn 74.539 tỉ đồng, số đã thi hành xong là 19.261 tỉ đồng, còn phải thi hành là hơn 55.278 tỉ đồng.
Tổng thanh tra Chính phủ đánh giá: nhìn chung, tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện; vụ, việc tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.