Nan giải xử lý hàng rong

08/10/2016 08:54 GMT+7

Câu chuyện người khuyết tật bán vé số ở TP.Đà Nẵng bị tạm giữ xe máy ba bánh vừa qua cho thấy xử lý hàng rong , vé số dạo trên tuyến đường cấm như thế nào cho hợp tình hợp lý vẫn vô cùng nan giải.

Ngày 18.9, ông Ngô Văn Đông (người khuyết tật 2 chân, 31 tuổi, ngụ Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) cho hay đã lấy lại được xe máy ba bánh bị Đội Quy tắc đô thị P.Mân Thái (Q.Sơn Trà) tạm giữ. Trước đó, tối 16.9, anh Đông bán vé số trong quán Hàu Sữa nằm trên đường Võ Nguyên Giáp thì bị lực lượng trên nhờ nhân viên quán gọi ra ngoài. Do anh Đông hành nghề trên tuyến đường cấm bán hàng rong, vé số, Đội Quy tắc đô thị P.Mân Thái yêu cầu tạm giữ xe.
Theo Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay lực lượng chức năng nhắc nhở gần 2.000 người bán hàng rong đeo bám, chèo kéo khách; phạt 85 trường hợp với số tiền 22,6 triệu đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, cũng yêu cầu gần 50 trường hợp trở về địa phương.

Anh Đông đề nghị được tự chạy xe về phường nhưng ông Cao Thanh Châu, Đội trưởng không đồng ý, và đưa xe tải đến chở xe ba bánh của ông Đông trước hàng trăm thực khách. Nhiều du khách không biết quy định cấm nên rất bức xúc khi chứng kiến lực lượng quy tắc đô thị bắt xe ba bánh của người khuyết tật. Có người đã ghi hình và tung lên mạng xã hội khiến dư luận “dậy sóng”.
Theo anh Đông, ông Châu đề nghị phạt 750.000 đồng về 4 lỗi: bán vé số trên tuyến đường cấm, xe không giấy tờ, không bằng lái, không đội mũ bảo hiểm nhưng ông chỉ đồng ý nộp phạt 150.000 đồng lỗi đầu tiên, bằng tiền lời 1 đêm bán vé số. Anh Đông là vận động viên môn bóng bàn, đại diện cho Đà Nẵng dự 3 kỳ Đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc, giành HCB (đơn) năm 2010 tại Đà Nẵng; 2 HCB (đôi) 2011 tại TP.HCM, HCĐ (đôi) 2014 tại Cần Thơ. Anh Đông thừa nhận đã từng bị nhắc nhở và lập biên bản, mặc dù biết tuyến đường cấm nhưng vì cần tiền lo cho con nhập học nên… vi phạm.
Ông Nguyễn Lâm Hà, Chủ tịch UBND P.Mân Thái cho hay hiện thành phố đang chỉ đạo quyết liệt các địa bàn du lịch biển dẹp nạn hàng rong để phục vụ Đại hội thể thao bãi biển châu Á. Trường hợp anh Đông, ông Hà cho biết trước đây bị nhắc nhở nhiều lần, đã cam kết nhưng tái phạm. Còn bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND Q.Sơn Trà nói: “Tối 16.9 lực lượng xử lý do anh Đông vi phạm nhiều lần. Còn việc bắt xe phù hợp hay không thì anh em phải rút kinh nghiệm trong nội bộ, chấn chỉnh lại cách xử lý sao cho khéo léo”. Bà Tâm cũng chia sẻ, mặc dù thời gian qua, lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt, nhưng câu chuyện xử lý hàng rong ở ven biển Đà Nẵng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Điển hình như tháng 4.2016 tại đường Hà Bổng, tổ công tác Đội quy tắc đô thị P.Phước Mỹ làm nhiệm vụ đẩy đuổi hàng rong đã bị tấn công. Khi phát hiện một người bán sầu riêng chèo kéo du khách nước ngoài trước một khách sạn, để xe dưới lòng đường, lực lượng đến lập biên bản, tạm giữ xe máy chở sầu riêng.

tin liên quan

Làm nghiêm việc cấm hàng rong ở phố đi bộ
Từ khi triển khai phố đi bộ xung quanh khu vực Hồ Gươm, chính quyền TP.Hà Nội đã có chỉ thị cấm những người buôn bán hàng rong trong phạm vi khu vực của các con phố đi bộ.

Ngay lập tức, người này gọi 2 đồng bọn mang gậy sắt và dao đến đuổi chém tổ công tác, khiến ông Trần Văn Hùng, thành viên đội bị thương tích nhẹ. Theo Đội quy tắc đô thị Q.Sơn Trà, hiện vẫn là mùa du lịch biển, hàng rong xuất hiện rất nhiều, đa phần là người địa phương khác, chèo kéo, lấn chiếm lòng đường mặc dù tuyến đường Võ Nguyên Giáp cấm bán hàng rong. Một số người bán sầu riêng rất manh động, có khi chống trả lại nếu thấy đội quy tắc đi ít người.
“Quận luôn nhắc nhở lực lượng làm nhiệm vụ khéo léo nhưng quyết tâm, hướng dẫn hàng rong ra ngoài tuyến đường cấm. Nếu vận động thuyết phục không được thì xử lý. Tuy nhiên vừa qua có một số đối tượng khá manh động, tạo điểm nóng, nên phải có công an đi kèm, đảm bảo an toàn cho anh em quy tắc làm nhiệm vụ, vì xử lý hàng rong rất khó khăn”, bà Trần Thị Thanh Tâm nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.